Sau khi kết thúc cuộc tập trận chung với Nhật Bản, ngày 5/6, hai tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan đều rời khỏi vùng biển xung quanh bán đảo Triều Tiên. Quan chức Hải quân Mỹ còn cho biết tàu USS Carl Vinson sắp về Mỹ; còn tàu USS Ronald Reagan vẫn sẽ tiếp tục triển khai huấn luyện với Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản ở vùng biển phía đông Okinawa, Nhật Bản.
Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 9/6 dẫn đánh giá về vấn đề này của giáo sư Úc Chí Vinh, Đại học Hải dương, Chiết Giang, Trung Quốc kiêm Phó tổng thư ký Hội nghiên cứu Thái Bình Dương Trung Quốc.
Úc Chí Vinh cho rằng thông tin Mỹ rút tàu sân bay nêu trên xem ra bình thường, nhưng có ý nghĩa phi thường đối với tình hình bán đảo Triều Tiên hiện nay.
Thứ nhất, từ đầu năm 2017 đến nay, cuộc đối đấu kiểu marathon giữa Mỹ và Triều Tiên cuối cùng đã kết thúc. Nói một cách chính xác hơn, hiệp 1 hay giai đoạn đầu tiên của cuộc đối đầu Mỹ - Triều Tiên kể từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống đến nay đã kết thúc. Kết quả cũng rất rõ ràng, Triều Tiên giành chiến thắng, ít nhất là chính quyền Triều Tiên vẫn vững chắc.
Thứ hai, nhìn vào tình hình hiện nay, chiến lược của Mỹ đã thay đổi, hơn nữa sự thực chứng minh đang thay đổi thực sự. Mỹ thường sẽ không dễ dàng sử dụng vũ lực, phần lớn áp dụng thủ đoạn răn đe quân sự để đạt mục đích "không đánh mà thắng".
Thứ ba, mục tiêu chiến lược của Mỹ trong việc ứng phó và giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bị phân tán, hơn nữa lại có tính “đùa giỡn” lớn. Mỹ một mặt tung tin muốn giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên, từ đó mạnh mẽ thúc đẩy Liên hợp quốc thông qua nghị quyết trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên, đồng thời tuyên bố không có ý định tiến hành đánh đòn phủ đầu đối với Triều Tiên.
Một mặt Mỹ lại điều các máy bay và tàu chiến như tàu sân bay tiến hành tập trận quy mô lớn với Hàn Quốc và Nhật Bản ở vùng biển lân cận bán đảo Triều Tiên để gây sức ép với Triều Tiên, đồng thời còn đặc biệt yêu cầu Trung Quốc phát huy vai trò hòa giải. Nhưng đồng thời Mỹ còn tổ chức hội đàm bí mật song phương với Triều Tiên. Mỹ rốt cuộc muốn làm gì, e rằng bản thân họ cũng không biết.
Thứ tư, từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tìm cách phá bỏ các “di sản” của ông Barack Obama, bao gồm rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), lật lại phương án cải cách y tế, kết thúc chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương, phủ định Hiệp định hạt nhân Iran, thay đổi chính sách Trung Đông, rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu…
Trong vấn đề Triều Tiên, ông Donald Trump hầu như không có quan điểm và cách làm khác với ông Barack Obama, vẫn sử dụng chính sách “cây gậy” và “củ cà rốt”. Điểm khác theo chuyên gia Trung Quốc là, chiêu răn đe tàu sân bay sử dụng không tốt, trái lại tự lấy đá đập chân mình.
Tuy nhiên, ông Donald Trump từng cho biết ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-ul trong “tình hình thích hợp”. Đây cũng là điểm khác giữa ông với cựu Tổng thống Barack Obama trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã tồn tại từ lâu, vô cùng phức tạp và xảy ra đối đầu gay gắt. Tình hình bán đảo Triều Tiên lúc căng thẳng, lúc đối chọi gay gắt, chỉ có kiên trì phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, kiên trì hòa bình, ổn định của bán đảo Triều Tiên, kiên trì thông qua đối thoại và đàm phán thì mới có thể giải quyết căn bản vấn đề này.
Bán đảo Triều Tiên xảy ra bất ổn và chiến tranh đều sẽ không phù hợp với lợi ích của bất cứ bên nào.