Mỹ điều tra ngăn chặn việc Trung Quốc lách luật, sử dụng vệ tinh Mỹ

VietTimes — Mặc dù chính phủ Mỹ quản chế cấm bán vệ tinh cho Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đã khéo léo lách luật, lợi dụng 9 vệ tinh địa tĩnh của các Công ty Boeing và Công ty vệ tinh SSL của Tập đoàn Công nghệ không gian Maxar Technologies để “làm việc” cho họ trong việc đảm bảo thông tin liên lạc với binh lính mà họ chiếm giữ trên các đảo ở Biển Đông và kiểm soát những người chống đối ở Tân Cương.
Trung Quốc đã lách luật quản chế cấm xuất khẩu vệ tinh, sử dụng băng thông của 9 vệ tinh Mỹ để phục vụ cho hoạt động an ninh và quân sự.
Trung Quốc đã lách luật quản chế cấm xuất khẩu vệ tinh, sử dụng băng thông của 9 vệ tinh Mỹ để phục vụ cho hoạt động an ninh và quân sự.

The Wall Street Journal (WSJ) ngày 23.4 cho biết, 9 vệ tinh này do Công ty đầu tư Carlyle Group tài trợ chế tạo. WSJ đã phát hiện một số các băng thông trên các vệ tinh này đã được Trung Quốc sử dụng cho việc liên lạc với binh lính ở các vị trí tiền tiêu ở Biển Đông, tiến hành phát thanh tuyên truyền và giúp cảnh sát theo dõi những người phản kháng chính phủ.

Pháp luật về thương mại của Mỹ nghiêm cấm các công ty Mỹ trực tiếp bán vệ tinh cho chính quyền hoặc các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, các đạo luật thương mại lại không có quy định về sử dụng vệ tinh. Vì vậy, Trung Quốc đã lợi dụng khe hở này để thuê chứ không mua các vệ tinh do Mỹ chế tạo để đạt mục đích sử dụng phục vụ cho họ.

Trong một văn bản gửi The Wall Street Journal, Nhà Trắng đã bày tỏ, Mỹ “mạnh mẽ yêu cầu các công ty thực hiện nghiêm các biện pháp để đảm bảo các hoạt động thương mại của họ không giúp cho các hành vi xâm phạm nhân quyền của Trung Quốc” – ý nói đến việc sử dụng vào việc đối phó các hoạt động phản kháng của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Công ty ASIASAT của Hongkong đứng ra mua vệ tinh để cho các khách hàng Trung Quốc thuê dịch vụ
Công ty ASIASAT của Hongkong đứng ra mua vệ tinh để cho các khách hàng Trung Quốc thuê dịch vụ

The Wall Street Journal cho biết, mấu chốt của hoạt động lẩn tránh luật thương mại này là Công ty thông tin vệ tinh Châu Á (Asia Satellite Telecommunications Co.Ltd, gọi tắt ASIASAT) của Hongkong. Công ty này thuộc sở hữu chung của Tập đoàn Mỹ Carlyle Group và Tập đoàn Trung Tín (CITIC Group Corporation Ltd) của chính phủ Trung Quốc. Tờ The Wall Street Journal đã giải thích rõ  Asia Satellite Telecommunications đã mua được vệ tinh từ các công ty Boeing và SSL như thế nào; còn Carlyle Group thì chịu trách nhiệm chuẩn bị các báo cáo đúng quy định lên chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, sau đó Tập đoàn Trung Tín đã bán một số dịch vụ vệ tinh cho các các cơ quan của chính phủ Trung Quốc; phạm vi phục vụ của những dịch vụ này bao gồm liên lạc thông tin tầm xa với binh lính ngoài Biển Đông và phục vụ cho lĩnh vực tuyên truyền.

Trong một văn bản gửi kênh truyền hình CNBC chuyên về kinh tế - tài chính, công ty Boeing khẳng định họ đã tuân thủ các quy định của chính phủ Mỹ về quản chế các sản phẩm xuất khẩu.

Tập đoàn Trung Tín từng thừa nhận những vệ tinh này đã được sử dụng cho việc giúp cảnh sát thông tin về các hoạt động chống đối ở Tây Tạng và Tân Cương. Ngoài ra, các cơ quan tình báo, an ninh quốc gia cũng được Trung Tín đưa vào số khách hàng “cần đáp ứng cấp thiết”.

Công ty Asia Satellite Telecommunications cho The Wall Street Journal biết họ không biết chính phủ Trung Quốc đã sử dụng vệ tinh như thế nào và họ cũng không thể nắm được nội dung các thông tin được tuyền tải.

Công ty SSL thuộc Tập đoàn Công nghệ không gian MAXAR là nơi cùng công ty Boeing chế tạo 9 vệ tinh cho Trung Quốc sử dụng băng thông
Công ty SSL thuộc Tập đoàn Công nghệ không gian MAXAR là nơi cùng công ty Boeing chế tạo 9 vệ tinh cho Trung Quốc sử dụng băng thông

Ngoài ra, công ty Boeing đang chế tạo quả vệ tinh thứ 10. Quả vệ tinh này sẽ giúp ích cho hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc - hệ thống dẫn đường có thể dùng cho mục đích dân sự và cả quân sự; nhưng Boeing cho biết, hiện việc chế tạo vệ tinh này của họ đã bị đình chỉ.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc dính líu vào vệ tinh của Mỹ. Ngày 4.12.2018, cũng tờ The Wall Street Journal đã phanh phui vụ Trung Quốc thông qua công ty khởi nghiệp Global IP đầu tư 200 triệu USD để ủy thác công ty Boeing chế tạo một quả vệ tinh mới. Trong quá trình đó, phía Trung Quốc nhiều lần yêu cầu được xem nguyên lý kỹ thuật vệ tinh trong bản hợp đồng, khiến Global IP nảy sinh nghi ngờ, cuối cùng hai bên đã đưa nhau ra tòa.

The Wall Street Journal đã đăng tải bài điều tra, phanh phui tỉ mỉ việc Trung Quốc bắt đầu bằng việc gửi cho Global IP một bức thư điện tử “tốt đẹp đến mức khó tin” vào năm 2015, rồi từng bước đặt bẫy, thông qua các công ty ở nước ngoài né tránh việc hạn chế xuất khẩu kỹ thuật vệ tinh của chính phủ Mỹ, cuối cùng đạt được việc thông qua Global IP đặt hàng cho công ty Boeing chế tạo vệ tinh.

Ngày 11.1.2019, The Wall Street Journal lại đưa tin, Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ (United States Securities and Exchange Commission, SEC) cùng Bộ Thương mại Mỹ đang điều tra vụ giao dịch vệ tinh giữa Global IP và Boeing có liên quan đến vốn Trung Quốc này.

Ông Umar Javed, một trong số những người sáng lập Global IP  cũng đã cho biết, Bộ Thương mại phụ trách cấp giấy phép xuất khẩu và Ủy ban đầu tư nước ngoài của Mỹ (Committee on Foreign Investment in the United States, CFIUS) phụ trách việc thẩm tra đầu tư của nước ngoài cũng yêu cầu Global IP phải giải trình rõ việc họ nhận vốn của Trung Quốc.