Tờ Bành Bái Trung Quốc ngày 6 tháng 2 cho hay, sau hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và máy bay ném bom chiến lược B-1B, lại có thêm một vũ khí chiến lược của Quân đội Mỹ có khả năng được triển khai ở Hàn Quốc.
Theo hãng tin Yonhap Hàn Quốc ngày 6 tháng 2, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ, Đô đốc Harry Harris gần đây đã tiến hành hội đàm với quan chức Hàn Quốc, đã bất ngờ thăm dò ý kiến của phía Hàn Quốc về khả năng triển khai tàu khu trục tàng hình mới nhất lớp Zumwalt của Quân đội Mỹ tại Hàn Quốc.
Trong khi đó, tờ Korea Times Hàn Quốc dẫn quan chức Hàn Quốc tiết lộ thông tin này cho rằng đề nghị này làm cho Hàn Quốc cảm thấy bất ngờ, tạm thời chưa đưa ra câu trả lời.
Zumwalt có khả năng răn đe chiến lược
Tờ The Korea Herald Hàn Quốc ngày 6 tháng 2 cho hay Đô đốc Harry Harris đưa ra quan điểm trên khi tiến hành hội đàm với quan chức Hàn Quốc ở Hawaii. Địa điểm triển khai do ông đề nghị bao gồm đảo Jeju và căn cứ hải quân Jinhae, lân cận Busan.
Trong cuộc họp báo ngày 6 tháng 2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun cho biết đề nghị của Đô đốc Harry Harris là phản hồi đối với việc Hàn Quốc trước đó yêu cầu Mỹ triển khai các vũ khí chiến lược ở Hàn Quốc để tăng cường "răn đe mở rộng" (extended deterrence) đối với Triều Tiên.
Thượng tuần tháng 9 năm 2016, trong cuộc hội đàm, Tổng thống Hàn Quốc và Mỹ đã lần đầu tiên bàn đến vấn đề mở rộng răn đe đối với Triều Tiên.
Khi đó, tờ JoongAng Ilbo Hàn Quốc giải thích rằng răn đe mở rộng mà Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đề cập tới là Mỹ sẽ cung cấp ô bảo vệ hạt nhân, sử dụng vũ khí thông thường và hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ Hàn Quốc khi Hàn Quốc bị đe dọa hoặc tấn công hạt nhân.
Trên tinh thần đó, tại hội nghị cấp cao răn đe mở rộng Hàn - Mỹ lần đầu tiên tổ chức vào tháng 12 năm 2016, Mỹ từng nhấn mạnh sẽ tiếp tục thực hiện cam kết đối với Hàn Quốc, thúc đẩy triển khai các vũ khí chiến lược bao gồm THAAD ở Hàn Quốc.
Ngày 1 tháng 2, Đại tướng Lee Sun-jin, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc và Đại tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu Liên quân Mỹ đã tiến hành điện đàm. Phía Hàn Quốc tiếp tục yêu cầu Mỹ điều động vũ khí chiến lược đến bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, trong chuyến thăm Hàn Quốc đầu tháng 2 vừa qua, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã cùng với phía Hàn Quốc xác nhận việc triển khai THAAD sẽ được tiến hành theo kế hoạch đã định, đồng thời sẽ triển khai luân phiên nhiều vũ khí chiến lược hơn, sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi Chính phủ ở Hàn Quốc và Mỹ.
"Việc triển khai 'tài sản chiến lược' (tàu khu trục lớp Zumwalt) này chắc chắn có lợi cho răn đe các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên" – người phát ngôn Moon Sang-gyun nói.
"Nếu Zumwalt triển khai ở khu vực xung quanh Triều Tiên thì chắc chắn có thể tạo ra sự răn đe chiến lược đáng kể đối với Triều Tiên" - nhà nghiên cứu Mã Nghiêu, Học viện Quan hệ quốc tế và Các vấn đề công, Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, Trung Quốc khẳng định.
Tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt là một trong những tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Mỹ, áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến. Đặc điểm nổi trội nhất của nó bao gồm:
Một là trang bị pháo tiên tiến 155 mm lắp "đầu đạn tấn công đối đất tầm xa" và trang bị nhiều loại tên lửa, có khả năng tấn công đối đất mạnh.
Hai là đã áp dụng công nghệ tàng hình rất tiên tiến, giúp cho thân hình khổng lồ 14.000 tấn của nó chỉ nhỏ như một tàu cá nhỏ trên màn hình radar.
Nhà nghiên cứu Mã Nghiêu cho rằng Hải quân Triều Tiên có khoảng cách rõ rệt so với trang bị kỹ thuật của Mỹ - Hàn, khả năng chống hạm có hạn, khả năng răn đe đối với loại tàu chiến có khả năng tàng hình cao này càng có hạn.
Mặt khác, khi thiết kế, tàu khu trục lớp Zumwalt đã nhấn mạnh đến khả năng tấn công đối đất, pháo tầm bắn đạt trăm km không chỉ có tốc độ bắn nhanh, mà còn có xác suất bắn trúng trong vòng 50 m, rất phù hợp với Hàn - Mỹ tiến hành tấn công "đánh đòn phủ đầu" đối với Triều Tiên, triển khai kế hoạch chiến lược tiêu diệt trước khi Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân.
Hàn Quốc có thái độ thận trọng
Đối với đề nghị này của quan chức cấp cao Quân đội Mỹ, người phát ngôn Moon Sang-gyun cho biết Hàn Quốc vẫn còn chưa quyết định có chấp nhận đề nghị này hay không.
"Điều này hoàn toàn không phải là một đề nghị chính thức, nó giống như một cuộc nói chuyện ngẫu hứng. Nếu Mỹ chính thức đề nghị, chúng tôi sẽ thận trọng xem xét" - Moon Sang-gyun nói.
Hãng tin Yonhap Hàn Quốc dẫn một số quan điểm cho rằng triển khai tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt ở Hàn Quốc sẽ dẫn tới sự phản đối mạnh mẽ của các nước xung quanh.
Theo tờ Korea Times Hàn Quốc, đề nghị này của Đô đốc Harry Harris được cho là có ý định cắt đứt tuyến đường tiến ra Thái Bình Dương của Trung Quốc.
Theo nhà nghiên cứu Trung Quốc Mã Nghiêu, phân tích của tờ Korea Times Hàn Quốc là hơi "thổi phồng". Về vị trí địa lý, nếu muốn cắt đứt tuyến đường vươn ra Thái Bình Dương của Trung Quốc, địa điểm triển khai tốt nhất là quần đảo Nhật Bản, chứ không phải Hàn Quốc.
Hơn nữa, sự ra đời của tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt chính là sản phẩm của tư tưởng chỉ đạo "từ biển hướng tới đất liền" của Hải quân Mỹ, sở trường của nó tập trung vào tấn công đối với tuyến đường, chứ không phải kiểm soát biển.
Mã Nghiêu nhấn mạnh: "Một chiếc" tàu khu trục Zumwalt hoàn toàn không đủ để tạo ra mối đe dọa to lớn cho Trung Quốc. Điều đáng quan ngại là Mỹ sẽ lấy đó làm cớ, làm cho ngày càng nhiều 'tài sản chiến lược' hơn tiếp tục triển khai ở Hàn Quốc, sau THAAD và Zumwalt.
Trong thời gian thăm Hàn Quốc của Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, hai nước Hàn Quốc và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về điều động luân phiên lâu dài các "tài sản chiến lược" ở Hàn Quốc, đồng thời hai bên đã tiến hành thảo luận về vấn đề sử dụng các vũ khí chiến lược trong hai cuộc tập trận chung Key Resolve và Foal Eagle tổ chức vào tháng 3 năm 2017.
Theo dự tính của Quân đội Hàn Quốc, Mỹ có khả năng điều động, triển khai máy bay ném bom chiến lược B-1B, máy bay ném bom chiến lược B-52 (ở Guam) và máy bay ném bom chiến lược B-2 (ở lãnh thổ Mỹ) tới Hàn Quốc.
Ngoài ra, máy bay chiến đấu tàng hình F-22 (ở căn cứ quân Mỹ tại Nhật Bản), tàu sân bay USS Carl Vinson và tàu ngầm hạt nhân của Mỹ cũng có thể tham gia các cuộc tập trận này.
Giáo sư Trương Liệm Khôi, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, Trường Đảng Trung ương Trung Quốc cho rằng, sự do dự của Hàn Quốc thực ra cũng đã phản ánh được tâm trạng rất mâu thuẫn của nước này.
Trương Liệm Khôi nói: "Một mặt, Mỹ triển khai các vũ khí chiến lược ở bán đảo Triều Tiên là đề nghị do Hàn Quốc thiếu cảm giác an toàn chứ không phải chủ động đề xuất. Mặt khác, lượng lớn vũ khí hiện đại tập trung có khả năng sẽ kích động Triều Tiên và các nước xung quanh, làm cho khả năng nổ ra xung đột gia tăng. Đây cũng là điều mà Hàn Quốc không muốn nhìn thấy".
Ngày 24 tháng 1, trong buổi chiêu đãi đầu xuân tổ chức ở Đại sứ quán Trung Quốc tại Triều Tiên, phía Triều Tiên có hơn 70 người tham dự, Đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên Lý Tiến Quân cho biết năm 2017 quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên vẫn đối mặt với thách thức, nhưng càng có cơ hội.
Ngày 3 tháng 2, Đại sứ Nga tại Hàn Quốc Timonin cho biết nếu Mỹ hoàn thành triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc thì Nga sẽ "không có sự lựa chọn nào khác", buộc phải áp dụng biện pháp đối ứng để bảo đảm an ninh của Nga.
Tháng 3, một khi các cuộc tập trận chung giữa Mỹ - Hàn được tổ chức đúng hạn thì bán đảo Triều Tiên rất có khả năng sẽ xuất hiện tình hình tập trung các vũ khí chiến lược.