Mỹ đẩy Nga sa thế “con giun xéo lắm phải quằn”

VietTimes -- Trong lịch sử chính trị thế giới chưa có một quốc gia nào dám “cả gan” ở cấp độ quốc gia thông qua đạo luật chống lại Mỹ. Theo ông, sở dĩ Nga buộc phải hành động như vậy là do từ trước tới nay Mỹ luôn tự cho mình quyền bất chấp luật pháp quốc tế để trừng phạt bất cứ quốc gia nào đi ngược lại ý nguyện của Washington...
Tổng thống Nga Putin
Tổng thống Nga Putin

Ngày 4/6/2018, Tổng thống Nga V.Putin ký Đạo luận Liên bang “Về các biện pháp đối phó với lại các hành động không hữu nghị của Mỹ và các quốc gia khác”. Theo Đạo luật này, Matxcơva sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả chống lại hoạt động cấm vận của Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và đồng minh của họ chống lại Nga mà phía Nga gọi là “chính sách không hữu nghị” đối với Nga. Đạo luật này đã được Hạ viện Nga thông qua ngày 22/5, sau đó đã được Thượng viện Nga thông qua ngày 30/5/2018 [1].

Hành động của “con giun xéo lắm phải quằn”

Kể từ thời Chiến tranh lạnh, Mỹ chưa bao giờ chấm dứt chính sách cấm vận vô lối nhằm vào Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay mà gần đây nhất là Đạo luật HR-3364 được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê chuẩn ngày 2/8/2017, trong đó xác định Nga là “quốc gia xâm lược” và xác định các biện pháp cấm vận Nga còn khắc nghiệt hơn rất nhiều so với Đạo luật Jackson-Vanik chống Liên Xô cách đây 40 năm trongthời kỳ Chiến tranh lạnh.

Xét về thời gian tác động, Đạo luật H.R.3364 sẽ có hiệu lực trong một thời khoảng tương đương Đạo luật Jackson-Vanik, không phụ thuộc vào chuyện ai sẽ là tổng thống Mỹ, hay thành phần Quốc hội Mỹ sẽ thế nào. Mục đích của chính sách cấm vận của Mỹ chống phá Nga là nhằm gây sức ép buộc Nga phải “quỳ gối” và từ bỏ các hành động mà Washington gọi là “phá hoại trật tự thế giới”.

Mặc dù sức lực của nước Mỹ và cục diện thế giới nay đã thay đổi căn bản, trong đó nước Nga đã không còn là quốc gia phá sản trong những năm 1990 sau khi Liên Xô tan rã, nhưng giới tinh hoa chính trị ở Washington dường như không nhận thấy thực tế hiển nhiên đó. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới gần đây, Đại sứ Mỹ tại Matxcơva Jon Huntsman đưa ra nhận xét:“Tôi không thể nào hiểu được vì sao vẫn có quốc gia nào đó (ám chỉ Nga) trên thế giới không chịu quỳ gối trước Đế chế Hoa Kỳ vĩ đại”[2].

Trước thềm Lễ kỷ niệm Ngày Chiến Thắng của nước Nga trong Chiến tranh giữ nước vĩ đại (9/5/2018), thậm chí Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ Mike Pompeo còn đưa ra lời kêu gọi:“Chúng tôi mong muốn người Nga quay trở lại với nền văn minh của phương Tây như họ đã từng hành động đầu những năm 1990” [3]. Hơn ai hết, người Nga hiểu quá rõ thông điệp đằng sau lời kêu gọi này là buộc Nga phải “đầu hàng vô điều kiện” trước sức ép cấm vận của Mỹ và phương Tây, từ bỏ đường lối độc lập, tự chủ và tình nguyện nghe theo mệnh lệnh của Washington.

Có lẽ ông Mike Pompeo vẫn chưa quên chính tổng thống đầu tiên của nước Nga sau khi Liên Xô tan rã, ông Boris Yelsin, đã từng tuyên bố trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ rằng “nước Nga tình nguyện gia nhập thế giới tự do của Mỹ”. Nhưng cái giá của việc Nga hội nhập vào  “thế giới tự do” là liên tục lụn bại và trở thành quốc gia kém phát triển như Banglades, chỉ có khác là có vũ khí hạt nhân!

Do đó, như một phản ứng rất tự nhiên của “con giun xéo lắm phải quằn”, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, nước Nga thông qua một đạo luật chống lại các biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ và các đồng minh của họ chống phá Nga. Theo nhận định của ông V.Vasiliev, chuyên viên nghiên cứu thuộc Viện Mỹ-Canada, trong lịch sử chính trị thế giới chưa có một quốc gia nào dám “cả gan” ở cấp độ quốc gia thông qua đạo luật chống lại Mỹ. Theo ông, sở dĩ Nga buộc phải hành động như vậy là do từ trước tới nay Mỹ luôn tự cho mình quyền bất chấp luật pháp quốc tế để trừng phạt bất cứ quốc gia nào đi ngược lại ý nguyện của Washington [4].

Trước và trong khi Nga thông qua Đạo luật chống cấm vận, chính phủ nhiều nước châu Âu đã bắt đầu “thức tỉnh” và lên tiếng hủy bỏ các biện pháp cấm vận Nga bởi theo họ chính sách cấm vận Nga không chỉ là không có tác dụng buộc Nga phải thay đổi cách ứng xử trong quan hệ quốc tế mà còn có hại đối với chính các nước theo đuổi chính sách không hữu nghị đối với Nga.  

Ông Paul Craig Roberts, nguyên Cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan nhận định:“Hành động của Nga chỉ nhằm thiết lập môi trường hòa bình và hợp tác cùng có lợi trong khuôn khổ pháp lý quốc tế đã được xác lập. Trong khi đó, hành động của Mỹ chỉ nhằm đẩy nhân loại tới chiến tranh và thiết lập quyền bá chủ thế giới của họ. Khái niệm “hòa bình” của các thế lực hiếu chiến ở Washington chỉ có một ý nghĩa duy nhất là buộc các nước khác phải quỳ gối trước Washington” [5]

Một số nội dung cơ bản của Đạo luật liên bang chống cấm vận của Nga

Về mục đích của Đạo luật. Đạo luật này nhằm bảo vệ lợi ích của Nga chống lại các hành động không hữu nghị của Mỹ và các nước khác đang áp dụng các biện pháp cấm vận chống nhà nước Nga, chống các công dân Nga và các chủ thể pháp nhân của Liên bang Nga. Như vậy, kể từ ngày 4/5/2018, Nga có công cụ pháp lý để đáp trả các biện pháp cấm vận của các nước khác một cách có hệ thống, chứ không còn là hành động đáp trả nhất thời.

Về đối tượng bị đáp trả cấm vận. Đó là Mỹ, các đồng minh của Mỹ  và các nước khác không hữu nghị với Nga, cũng như các tổ chức chịu sự quản lý gián tiếp hoặc trực tiếp của họ đang thực hiện các hành động cấm vận chống lại Nga.

Về các biện pháp chống cấm vận. Để đáp trả các hành động cấm vận chống lại Nga, Liên bang Nga sẽ áp dụng các biện pháp: (1) hạn chế hoặc cấm dứt hoàn toàn sự hợp tác quốc tế với Mỹ và các quốc gia không hữu nghị; (2) cấm nhập vào Nga các sản phẩm nằm trong danh sách do Chính phủ Nga quy định có xuất xứ từ những nước là đối tượng cấm vận của Nga; (3) cấm xuất khẩu từ Nga những sản phẩm hoặc nguyên liệu cần thiết cho các nước đang cấm vận Nga (thí dụ, cấm xuất khẩu titan cho ngành công nghiệp chế tạo máy bay của Mỹ); (4) cấm hoặc hạn chế hoạt động của các tổ chức chịu sự kiểm soát của các nước đang cấm vận Nga trên lãnh thổ Liên bang Nga; (5) cấm Mỹ và các nước không hữu nghị tham gia quá trình tư nhân hóa tài sản nhà nước của Nga; (6) đạo luật không cấm nhập khẩu vào Nga những hàng hóa và sản phẩm tiêu dùng thiết yếu mà Nga chưa sản xuất được trong nước (thí dụ một số loại tân dược); (7) không cấm các loại hàng hóa xách tay do các công dân Nga mang về từ nước ngoài để tiêu dùng cá nhân.

Liệu châu Âu và Trung Quốc có “noi gương” Nga?

Nhận định về ý nghĩa của Đạo luật của Liên bang Nga chống cấm vận trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump Mỹ đang “tuyên chiến thương mại” với cả thế giới, giới phân tích chính trị cho rằng quyết định của Tổng thống Nga V.Putin phê chuẩn Đạo luật này là một giải pháp chiến lược của nền ngoại giao Nga được suy tính rất kỹ và nhằm mục đích lâu dài.

Trước hết, Đạo luật này đang nhận được sự ủng hộ của nhiều nước. Thậm chí, giới phân tích nhận định rằng, bằng quyết định này, Nga đang nêu một “tấm gương” để EU và Trung Quốc có thể noi theo bởi họ cũng đang là nạn nhân của chính sách cấm vận vô nguyên tắc của Mỹ. Đã đến lúc, thế giới cần thiết lập một sự đồng thuận mới thay thế “sự đồng thuận Washington” đã từng tồn tại trong nhiều thập kỷ [6,7].

Tài liệu tham khảo

[1] Путин ответил США по закону: президент подписал закон о контрсанкциях против Штатов и их союзников. https://www.kem.kp.ru/daily/26837.5/3878676/

[2] Посол США не понимает, как кто-то может не подчиняться великой Американской Империи. https://newsland.com/community/politic/content/posol-ssha-v-rf-ne-ponimaet-kak-mozhno-ne-podchiniatsia-velikoi-amerikanskoi-imperii/6363076

[3] Новое приглашение в демократию. http://www.stoletie.ru/vzglyad/novoje_priglashenije_v_demokratiju_360.htm

[4] На это решился только Путин: впервые в мировой истории Вашингтон получил достойный отпор. http://newsrbc.ru/news/290296-na-eto-reshilsya-tolko-putin-vpervyie-v-mirovoy-istorii-vashington-poluchil-dostoynyiy-otpor.html

[5] Пол Крейг Робертс: в отличие от Вашингтона Путин ведет человечество к миру. https://mpsh.ru/4161-pol-kreyg-roberts-v-otlichie-ot-vashingtona-putin-vedet-chelovechestvo-k-miru.html

[6] Ответный удар Путина. http://www.putin-today.ru/archives/63856

[7] Путин показал Европе и Китаю пример эффективного ответа Вашингтону. http://mk-london.co.uk/news/u6525/2018/06/04/20402