Mỹ đang nhắm tới chip RISC-V để kiềm chế Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các nhà lập pháp Hoa Kỳ, bao gồm cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, đang kêu gọi chính quyền Biden hành động đối với RISC-V vì lý do an ninh quốc gia.

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Nhiều khả năng chính quyền Tổng thống Biden sẽ áp đặt lệnh cấm các công ty Mỹ tham gia hỗ trợ cho RISC-V - một kiến ​​trúc thiết kế chip nguồn mở mà Trung Quốc đang tăng cường phát triển để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Động thái này có thể làm căng thẳng thêm cuộc chiến công nghệ giữa hai cường quốc.

Theo Reuters, các nhà lập pháp Hoa Kỳ, bao gồm cả Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, đang thúc giục chính quyền Tổng thống Biden hành động đối với RISC-V vì lý do an ninh quốc gia, đánh dấu lần đầu tiên các chính trị gia Hoa Kỳ xem xét việc hạn chế tiêu chuẩn công nghệ.

RISC-V là kiến ​​trúc tập lệnh tiêu chuẩn mở (ISA) cung cấp cho các nhà phát triển chip khả năng định cấu hình và tùy chỉnh thiết kế của họ. Công nghệ này đã trở thành niềm hy vọng mới cho Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp sở hữu trí tuệ (IP) nước ngoài trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ leo thang với Hoa Kỳ.

Trong khi Bắc Kinh và các hiệp hội ngành nghề, trong đó có Liên minh RISC-V Trung Quốc, chưa công khai phản hồi thì các nhà phân tích, chuyên gia và cư dân mạng Trung Quốc đã nhanh chóng bình luận.

Zhang Guobin, người sáng lập trang web công nghiệp bán dẫn Trung Quốc - eetrend.com, tuyên bố trên WeChat hôm 8/10 rằng động thái này có thể tạo ra “một chiến trường mới trong cuộc chiến chip Mỹ-Trung”, dựa trên những hạn chế hiện có của Washington khiến cho Bắc Kinh khó tiếp cận với các loại chip tiên tiến.

Ông Zhang viết: “RISC-V International đã chuyển trụ sở chính từ Mỹ sang Thụy Sĩ, nhưng nó đã bất ngờ bị các chính trị gia Mỹ nhắm đến”.

“Nếu các biện pháp trừng phạt thực sự được thực thi, câu trả lời vẫn chưa rõ ràng về việc bên nào sẽ phát triển tốt hơn kể từ thời điểm này”, một người dùng có bút danh “Qintian” đăng trên diễn đàn kỹ thuật điện tử EEWorld.

Mặc dù RISC-V có nguồn gốc từ năm 2010 tại Đại học California, nhưng Trung Quốc vẫn coi tiêu chuẩn này như một giải pháp khả thi để vượt qua các hạn chế về công nghệ của Hoa Kỳ, cùng với những cân nhắc về mặt thương mại như giảm chi phí và tránh phụ thuộc vào kiến trúc bán dẫn ARM.

Hiện tại, ARM không thể bán một số kiến trúc cao cấp nhất định cho khách hàng Trung Quốc do các hạn chế của Hoa Kỳ. Trong khi đó, công ty tự động hóa thiết kế điện tử Synopsys của Hoa Kỳ chỉ có thể cung cấp phiên bản phần mềm có chức năng rút gọn cho các công ty Trung Quốc.

Hiện tại, X86 do Intel phát triển là kiến ​​trúc thiết kế chip thống trị cho máy tính để bàn và máy tính xách tay, trong khi đó các kiến ​​trúc thiết kế chip điện thoại thông minh trên thế giới lại được kiểm soát bởi ARM (Anh) thuộc sở hữu của Tập đoàn SoftBank (Nhật Bản).

Theo trang web của cơ quan này, trong số 21 thành viên hàng đầu của RISC-V International, gần một nửa là người Trung Quốc, bao gồm Alibaba Cloud, Huawei, ZTE và Tencent Holdings.

Trong khi đó, Trung Quốc đã thành lập liên minh RISC-V trong nước. 9 công ty chip Trung Quốc – bao gồm đơn vị chip T-Head của Tập đoàn Alibaba và VeriSilicon Holdings niêm yết tại Thượng Hải – đã đồng ý thành lập một liên minh vào tháng 8 với điều kiện là các thành viên không kiện nhau về vi phạm bằng sáng chế.

Về lý thuyết, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng tiêu chuẩn của RISC-V để thiết kế chip của riêng mình. Trên thực tế, nhiều hãng thiết kế chip đã chọn mua lõi kiến trúc thương mại từ các hãng như SiFive, Andes Technology, Nuclei để rút ngắn thời gian thiết kế và giảm thiểu chi phí.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết bất kỳ động thái nào của Hoa Kỳ nhắm mục tiêu tới RISC-V cũng sẽ khiến tiêu chuẩn mở được sử dụng ngày càng nhiều để thiết kế chất bán dẫn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ ô tô đến ứng dụng Internet vạn vật (IoT).

“Bạn có thể ngăn các công ty Hoa Kỳ trong RISC-V International hợp tác với các công ty Trung Quốc, nhưng sự hợp tác được xây dựng dựa trên bản chất tiêu chuẩn mở của RISC-V vẫn còn đó”, Edward Wilford, nhà phân tích chính cấp cao về phần cứng IoT tại công ty nghiên cứu Omdia cho biết.

Theo Wilford, các công ty Trung Quốc đã đại diện cho 60 đến 80% số công ty khởi nghiệp sử dụng RISC-V. Theo dữ liệu từ RISC-V International, vào năm 2022, lô hàng chip kiến ​​trúc RISC-V trên toàn cầu đã vượt quá 10 tỉ chiếc, với một nửa trong số đó đến từ Trung Quốc.

Theo SCMP