Công nghệ, đổi mới sáng tạo là những trụ cột mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden thống nhất đưa công nghệ, đổi mới sáng tạo thành trụ cột mới trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden dự Hội nghị cấp cao về Đầu tư và Đổi mới sáng tạo tại Hà Nội, sáng 11/9 (ảnh: VGP)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden dự Hội nghị cấp cao về Đầu tư và Đổi mới sáng tạo tại Hà Nội, sáng 11/9 (ảnh: VGP)

Sáng 11/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden đã dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về Đầu tư và Đổi mới sáng tạo, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của ông Biden tới Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, một trong những trọng tâm trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden là "thúc đẩy sự phát triển của kinh tế Việt Nam tập trung vào công nghệ và đổi mới sáng tạo". Hai lĩnh vực này và đầu tư sẽ trở thành những trụ cột mới trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.

Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ thể hiện tư duy và tầm nhìn mới, động lực mới, tạo nên sức mạnh mới và giá trị mới trên tinh thần "thành công của các bạn là thành công của chúng tôi".

Tổng thống Joe Biden đồng tình, đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua cũng như mục tiêu trong những năm tiếp theo. Ông nói, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng nắm bắt các cơ hội trong lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực và đặc biệt là tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh việc hợp tác, chia sẻ không chỉ trong lúc phát triển thuận lợi mà ngay cả khi khó khăn, rủi ro có thể xảy ra.

Tham gia Hội nghị lần này có lãnh đạo một số doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Hoa Kỳ như Google, Intel, Amkor, Marvell, và GlobalFoundries, Boeing. Các doanh nghiệp này mong muốn hợp tác với đối tác phía Việt Nam để phát triển sản xuất công nghiệp điện tử, chip bán dẫn, mạng 5G, 6G, đào tạo nhân lực.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ sự quan tâm đến việc hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, nguyên liệu sạch, công nghệ hàng không vũ trụ và an ninh mạng.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã ký thỏa thuận với Tập đoàn Boeing để mua khoảng 50 máy bay phản lực dòng 737 Max.

Phát biểu với các doanh nghiệp Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc lại thời điểm cách đây 30 năm khi những doanh nghiệp của Hoa Kỳ đến Việt Nam với mục tiêu trở thành những nhà đầu tư lớn nhất. Bây giờ là thời điểm thích hợp để hiện thực hóa mục tiêu này.

Bộ trưởng đề nghị các tập đoàn bán dẫn Intel, Amkor, Marvell, Global Foundries hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để xây dựng một trung tâm đào tạo, nghiên cứu phát triển, tiến tới thiết kế các sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam; đề nghị Boeing xây dựng Trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay quy mô khu vực tại Việt Nam; đề nghị Google hỗ trợ về Trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Hoa Kỳ.

Vào thời điểm Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ chỉ là 450 triệu USD. Đến năm 2022, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,3 tỉ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ, đồng thời là đối tác lớn nhất ở khu vực ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương tăng bình quân 16% mỗi năm./.