Thiết bị rẻ và tốt
Tại một khu vực hoang vu nằm ở phía đông bang Oregon (Mỹ), người dân nơi đây không coi Huawei Technologies là một con sói khổng lồ xấu xa như lời các quan chức Hoa Kỳ đã mô tả. Tập đoàn này chính là huyết mạch viễn thông cho thế kỷ 21.
“Tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc cung cấp các thiết bị chất lượng cao cho các công ty viễn thông nông thôn với giá thành rẻ hơn 20-30% so với đối thủ cạnh tranh”, ông Joseph Franell, Giám đốc điều hành của Eastern Oregon Telecom cho biết. Công ty của ông Franell cung cấp dịch vụ viễn thông cho 18 nghìn cư dân vùng Đông Oregon.
Thiết bị của Huawei đã được hơn 20 công ty viễn thông Mỹ sử dụng để cung cấp đường truyền mặt đất, dịch vụ di động và dữ liệu tốc độ cao cho người dân sống ở những vùng nông thôn hẻo lánh và nghèo khó nhất nước Mỹ. Dù một số công ty nhận được sự trợ cấp của Liên bang, nhưng nhờ sự hợp tác với Huawei mà họ đã biến những điều thần kỳ thành hiện thực.
“Thiết bị của họ rất, rất tốt”, ông Franell cho biết. “Chúng tôi chưa thấy có thiết bị nào tương đương trên thị trường”.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tiến hành một cuộc chiến với kẻ thù ghê gớm – một sự đối mặt mà các quan chức tình báo và an ninh mạng nói rằng nó có ý nghĩa quan trọng với sự an toàn của nước Mỹ và các đồng minh. Huawei đã trở thành tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết bị mạng và đang cố gắng thống trị công nghệ không dây thế hệ tiếp theo được gọi là 5G. Chính quyền Trump tin rằng Huawei là một con ngựa thành Tơ-roa của tình báo Trung Quốc, nên Hoa Kỳ quyết tâm làm giảm doanh số và ảnh hưởng của tập đoàn này.
Sự căng thẳng ngày càng tăng khi Tổng thống Trump có thể ban hành một sắc lệnh, không chỉ đích danh Huawei, nhưng sẽ đóng sập cánh cửa kinh doanh tại Mỹ của tập đoàn này và nhiều công ty Trung Quốc khác. Điều này bắt nguồn từ chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc khởi nguồn từ năm 2017 khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống.
Trong nhiều năm qua, giới chức Mỹ nói rằng Huawei đóng vai trò là một nhánh của nhà nước Trung Quốc – có nhiệm vụ bí mật đánh cắp thông tin của các quốc gia trên thế giới thông qua phần mềm gián điệp cài sẵn trong thiết bị mạng. Chính quyền Tổng thống Obama đã ngăn chặn Huawei mua lại các tài sản công nghệ Mỹ, và gây áp lực để phá vỡ thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD giữa Huawei và hãng viễn thông Mỹ Sprint trong bối cảnh nhà mạng này gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh.
Năm ngoái, Quốc hội Mỹ cũng cấm các cơ quan và nhà thầu liên bang mua thiết bị mạng Trung Quốc, và bây giờ, theo một nguồn tin thân cận trong Nhà Trắng, chính quyền Trump cũng sắp ban hành một lệnh cấm đặc biệt nhằm hạn chế sự thâm nhập của các công ty viễn thông Trung Quốc.
Huawei vẫn là công ty viễn thông hàng đầu thế giới, cung cấp thiết bị cho nhiều quốc gia
(ảnh minh họa: Ednews)
|
Dù thế nào thì Huawei vẫn đang phát triển thịnh vượng. Doanh thu hàng năm từ các thị trường ngoài Trung Quốc chiếm một nửa tổng doanh thu 92 tỷ USD, dẫn đầu là thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Thiết bị của Huawei tích hợp những công nghệ tiên tiến, trong khi giá cả lại phải chăng, vì vậy Huawei đã thu hút được rất nhiều khách hàng không có thế mạnh về tiền bạc.
Tập đoàn của Trung Quốc cũng là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Samsung của Hàn Quốc và đứng trên cả Apple. Tuy nhiên, smartphone của Huawei lại không có cửa để thâm nhập vào thị trường Mỹ. Năm ngoái, hai công ty Verizon Communication và AT&T đã dừng kinh doanh điện thoại Huawei do chịu nhiều sức ép từ chính phủ, cũng như sau lời cảnh báo về an ninh từ Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).
Về phía Huawei, hãng này luôn phủ nhận mọi cáo buộc làm gián điệp cũng như “sân sau” cho chính phủ Trung Quốc. Những người đứng đầu tập đoàn này nói rằng họ là một công ty tư nhân, thuộc sở hữu của các cá nhân, không phải của nhà nước.
“Tôi yêu đất nước của mình, tôi ủng hộ Đảng Cộng sản, nhưng tôi sẽ không làm gì để gây hại cho thế giới”, Nhậm Chính Phi, người sáng lập và là CEO của Huawei nói trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi tại trụ sở công ty ở Thâm Quyến, Trung Quốc vào ngày 15/1.
ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập kiêm CEO tập đoàn Huawei Technologies (ảnh: CNBC)
|
Nhưng theo giáo sư Jeffrey Đinh thuộc Viện Nhân văn Tương lai của Đại học Oxford, Huawei sẽ thu thập thông tin của khách hàng bất cứ khi nào có thể. Sau khi trở thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, Huawei đã coi các hệ thống giám sát là một trong những ngành kinh doanh chiến lược của mình. Cụm từ này đã được nhắc đi nhắc lại đến 23 lần trong một sự kiện ra mắt 30 mẫu camera giám sát mới được tổ chức hồi tháng 8 ở Quảng Châu.
Các thiết bị giám sát của Huawei đã có mặt tại 230 thành phố, đa phần ở Trung Quốc và cả ở Mauritius, Serbia, Kenya… Huawei đã cài đặt thứ mà họ gọi là công nghệ “Thành phố An toàn” – bao gồm một mạng lưới các camera có thể nhận dạng các khuôn mặt và biển số xe.
Chính quyền Obama và Donald Trump đều đóng cửa với Huawei
Các chuyên gia an ninh của cả chính quyền Obama và Donald Trump đều đồng quan điểm về những nguy cơ an ninh đến từ Huawei. Ông James Clapper, cựu Giám đốc Tình báo dưới thời chính quyền Obama nhận định: “Những công ty này cần được coi là cánh tay nối dài của tình báo Trung Quốc". Mặc dù hiện nay ông James Clapper thường xuyên có những chỉ trích đối với chính quyền Trump, nhưng riêng về Huawei thì “đây là trường hợp duy nhất mà tôi đồng quan điểm với chính quyền hiện thời”, ông Clapper cho biết.
Có một sự khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Trump. Trong khi ông Obama theo đuổi ngoại giao mềm dẻo khi ký với Trung Quốc một thỏa thuận vào năm 2015 với nội dung hai bên đồng ý không đánh cắp các bí mật kinh tế của nhau, thì ông Trump có một chính sách cứng rắn hơn khi loại bỏ ý tưởng lôi kéo Trung Quốc và hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước này. Cách tiếp cận đối đầu và ngăn chặn của ông Trump đã được phác thảo trong Chiến lược An ninh Quốc gia được công bố vào tháng 12/2017.
Trong nhiều thập kỷ, chính sách của Hoa Kỳ với Trung Quốc bắt nguồn từ niềm tin rằng việc hỗ trợ cho Trung Quốc phát triển kinh tế và giúp nước này hội nhập quốc tế sẽ tạo ra sự tự do hóa ở quốc gia châu Á này. Nhưng trái với hy vọng của Mỹ, Trung Quốc lớn mạnh và đã tạo ra những mối đe dọa đến chủ quyền của nhiều quốc gia khác.
Hoa Kỳ tin rằng Huawei là một vũ khí lợi hại của chính phủ Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, Mỹ đã phái các luật sư, nhà ngoại giao và quan chức tình báo đến các văn phòng công ty và chính phủ các nước đồng minh để thuyết phục rằng không nên mua thiết bị 5G của Huawei. Công nghệ 5G dự kiến sẽ tạo ra tốc độ kết nối dữ liệu di động nhanh hơn từ 10 đến 100 lần so với công nghệ 4G. Với 5G, tất cả mọi thứ từ các kệ hàng, các robot phẫu thuật cho đến các siêu tàu trên biển có thể dễ dàng kết nối với nhau. Những chiếc xe không người lái sẽ liên lạc với nhau để tránh va chạm khi chúng chạy với tốc độ cao. Các nhà máy, máy bay không người lái và điện thoại di động sẽ điều phối việc giao hàng tại nhà theo một chuỗi thuật toán mà không cần có sự hỗ trợ của con người. Cả một bộ phim có thể tải xuống laptop chỉ trong vài giây.
“Công nghệ sẽ tạo ra nhiều rủi ro hơn lợi ích nếu nó không được kiểm soát đúng cách”, cựu Thiếu tướng Không quân Robert Spalding, người từng phục vụ trong Hội đồng An ninh của Tổng thống Trump, nhận định.
Mấu chốt của việc Mỹ coi Huawei là gián điệp nằm ở Luật tình báo quốc gia của Trung Quốc được ban hành năm 2017. Luật này yêu cầu tất cả các công ty và công dân Trung Quốc “hỗ trợ và hợp tác trong công tác tình báo quốc gia” nếu được yêu cầu. Như vậy, nếu chính phủ Trung Quốc ra lệnh, Huawei sẽ không thể nói “Không”.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, CEO Nhậm Chính Phi của Huawei nói rằng ông sẽ từ chối mọi yêu cầu của Bắc Kinh về thu thập thông tin nhạy cảm. Ông cũng nhấn mạnh về tiềm năng hợp tác với Mỹ và các nước khác về 5G và các vấn đề còn tồn tại. “Huawei chắc chắn sẽ đứng về phía khách hàng trong lĩnh vực an ninh mạng và sự riêng tư”.
Một sắc lệnh khắt khe sắp được ban hành
(ảnh minh họa: USA Today)
|
Theo một nguồn tin thân cận với Nhà Trắng thì Tổng thống Trump có thể ban hành một sắc lệnh vào tháng 2 tới, trong đó trao quyền cho Bộ Thương mại quyết định việc mua hàng từ các công ty có mối liên kết với các quốc gia đối nghịch, bao gồm cả Trung Quốc. Một dự luật lưỡng đảng được trình lên Quốc hội gần đây cũng có những quy định cấm bán các tài sản của Hoa Kỳ cho Huawei và ZTE Corp. Nhà Trắng cũng sẽ thành lập một văn phòng chuyên trách nhằm phối hợp các nỗ lực của Liên bang trong việc giảm bớt các mối de đọa công nghệ từ Trung Quốc.
Chính quyền Trump cũng đang giám sát Huawei theo những cách khác. Hành động khiêu khích nhất của Mỹ cho đến nay là yêu cầu phía Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, với cáo buộc bà gian lận các ngân hàng quốc tế để buôn bán thiết bị với Iran, vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. Bà Mạnh đang được tại ngoại để chờ dẫn độ sang Mỹ.
Trong một vụ án khác, các điều tra viên ở Seattle (Mỹ) đang xem xét lại các cáo buộc hình sự với Huawei về tội danh đánh cắp bí mật thương mại của T-Mobile. Năm 2014, T-Mobile đã đệ đơn cáo buộc một kỹ sư của Huawei đã đánh cắp thông tin khi đến phòng thí nghiệm của T-Mobile ở Bellevue, Washington để xem một robot có tên là “Tappy”. Đây là một robot mô phỏng cách sử dụng điện thoại của con người. Anh này đã bỏ một trong những ngón tay của robot vào trong túi đựng laptop để mang đi. Tòa án Mỹ năm 2017 đã phán quyết Huawei phải bồi thường cho T-Mobile 4,8 triệu USD. Hai bên sau đó đã đồng ý ngồi lại thương lượng để rút đơn kiện. Ngày 17/1/2019, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố tranh chấp pháp lý giữa Huawei và T-Mobile đã được giải quyết tại tòa án và bày tỏ lo ngại về động cơ của việc “điều tra lại” từ phía Mỹ.
Ngày 11/1 vừa qua, nhà chức trách ở Ba Lan đã bắt giữ một cựu quan chức tình báo Ba Lan và một nhân viên của Huawei và cáo buộc họ làm gián điệp cho Trung Quốc. Huawei đã sa thải nhân viên này vào ngày hôm sau và nói rằng vụ việc đã làm tổn hại đến danh tiếng của tập đoàn.
Lôi kéo đồng minh
Đối với một số quốc gia khác, các quan chức Mỹ tiếp tục gây sức ép khi yêu cầu các quốc gia này ngừng mua sắm thiết bị từ Huawei. Mỹ dọa sẽ ngừng chia sẻ thông tin tình báo với các quốc gia đồng minh nếu họ tiếp tục hợp tác với Huawei. Mỹ cũng đang cố gắng sản xuất các gói thiết bị để cung cấp cho các công ty nước ngoài thay thế cho việc mua thiết bị của Huawei.
Chiến dịch nhằm giảm bớt sự trỗi dậy của Huawei dường như là một trong những sáng kiến ngoại giao thành công nhất của ông Trump. Các nước Úc, Nhật Bản và New Zealand đã làm theo các yêu cầu của Mỹ khi ban hành lệnh cấm nhập thiết bị 5G của Huawei. Các đồng minh cũng đã liên kết với nhau để viện trợ cho Quần đảo Solomon và Papua New Guinea để 2 vùng lãnh thổ này không sử dụng cáp băng thông rộng của Huawei. Họ nói rằng đường cáp ngầm này gây ra những nguy cơ an ninh đối với điểm kết nối ở Úc.
Huawei đang dẫn đều thế giới về thiết bị 5G (ảnh: The Globe and Mail)
|
Tại Anh, BT Group cũng đã loại bỏ dần các thiết bị của Huawei khỏi hạ tầng lõi của mình từ năm 2016 sau khi mua lại công ty EE Ltd – vốn sử dụng toàn thiết bị của Huawei. BT cũng loại bỏ các sản phẩm của Huawei khỏi hệ thống “mạng phản ứng khẩn cấp” mà EE Ltd xây dựng ở Anh.
Đức thì đang xem xét việc hạn chế các thiết bị Huawei trong các hạ tầng mạng tương lai, trong khi các quan chức Séc bày tỏ sự lo ngại rằng Trung Quốc sẽ có các biện pháp trả đũa khi Séc vừa phát đi một cảnh báo về nguy cơ từ thiết bị Huawei đối với an ninh quốc gia.
Chính phủ Pháp cũng đã từng vài lần lên tiếng cảnh báo về Huawei trước đây. Stephane Richard, Giám đốc điều hành hãng Orange SA nói rằng công ty của ông sẽ mua thiết bị từ Ericsson AB và Nokia Oyj thay vì Huawei để phát triển mạng 4G và 5G
Sau vụ bắt giữ gián điệp tại Ba Lan, các quan chức nước này đã thúc giục Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tìm cách đối phó với Huawei, thay vì để mỗi quốc gia hành động một mình và đối mặt với sự trừng phạt từ Trung Quốc.
Theo một cuộc điều tra được công bố một năm trước trên tờ Le Monde của Pháp, các thiết bị được bí mật cài đặt tại trụ sở Liên minh châu Phi do Trung Quốc xây dựng ở Addis Ababa, Ethiopia, đã truyền dữ liệu từ nửa đêm đến 2 giờ sáng về máy chủ ở Thượng Hải trong suốt 5 năm. Người ta sau đó đã phát hiện ra các micro giấu trong tường và bàn ghế ở tòa nhà này. Các thiết bị này cùng với máy chủ Huawei đã được gỡ bỏ. Tòa nhà này do chính phủ Trung Quốc tài trợ và xây dựng với chi phí là 200 triệu USD. Sau khi Le Monde đăng tải bài viết, Trung Quốc đã nói rằng mọi cáo buộc gián điệp là “lố bịch”.
Trang web tiếng Anh của Huawei vẫn tuyên truyền rằng hệ thống của họ đã tạo ra “sự cải thiện đáng kể khả năng an ninh” cho Addis Ababa, do “các máy tính của Liên minh châu Phi có quá nhiều lỗ hổng để hacker xâm nhập, lừa đảo, phát tán virus”.
Ông Bonnie Girard, người từng sống ở Trung Quốc trong một thập kỷ khi làm việc cho một chuỗi các công ty viễn thông châu Âu, nhớ lại lần đến thăm một công ty đối tác vào giữa những năm 1990. Ông đã nhìn thấy các kỹ sư của Huawei trơ tráo chụp ảnh các bảng mạch in được chế tạo cho Alcatel. Các nhân viên của Huawei sẽ không bao giờ được phép làm như vậy nếu như không có cái gật đầu của của chính phủ. Ông Girard hiện đang điều hành công ty tư vấn China Channel Ltd.
Đối với ông Franell, CEO của Eastern Oregon Telecom, thì Huawei luôn minh bạch với các thiết bị phần cứng và phần mềm của mình. Franell nói rằng ông “chưa phát hiện bất cứ bằng chứng nào cho thấy Huawei là một trở ngại”. Và trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay, Mỹ và châu Âu vẫn đang phụ thuộc vào các linh kiện từ Trung Quốc nhiều như những gì Huawei đã có.
“Cấm một nhãn hiệu không giải quyết được vấn đề an ninh của chúng ta”, ông Franell nói.