Mỹ đã tự ‘vẽ’ ra câu chuyện tiêu diệt Bin Laden-Kì 2

Không mất quá nhiều thời gian để Mỹ và Pakistan bắt tay hợp tác, lý do là bởi Islamabad muốn chắc rằng Washington sẽ tiếp tục “bơm” viện trợ quân sự dưới hình thức hợp tác chống khủng bố.
Tư lệnh quân đội Pakistan Ashfaq Parvez Kayani (phải) và Giám đốc ISI Ahmed Shuja Pasha thời còn đương chức. Ảnh: AP
Tư lệnh quân đội Pakistan Ashfaq Parvez Kayani (phải) và Giám đốc ISI Ahmed Shuja Pasha thời còn đương chức. Ảnh: AP

“Cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng phía Pakistan cần phải đồng ý – vì đã có củ cà rốt được trưng ra. Và thực tế họ đã chọn cách này. Đó là kiểu hợp tác đôi bên cùng có lợi. Chúng tôi cũng sử dụng một chút ít ngón đòn kiểu ‘tống tiền’: Dọa sẽ để lộ thông tin quân đội Pakistan đang giữ Bin Laden ngay ở sân nhà – điều có thể sẽ khiến Taliban và các nhóm thánh chiến khác ở Pakistan, Afghanistan tức giận”, cựu quan chức tình báo Mỹ nói.

Khu nhà giam giữ Bin Laden chỉ cách Học viện Quân sự Pakistan tầm 3 kilomet, cách trụ sở tiểu đoàn lục quân chưa đến 2 kilomet. Từ Tarbela Ghazi - một căn cứ chuyên biệt của ISI, đến Abbottabad cũng chỉ mất 15 phút di chuyển bằng máy bay trực thăng. Đó chính là lý do để ISI quản thúc Bin Laden ở Abbottabad - tiện cho việc giám sát thường xuyên.

Mối quan ngại của ông Obama là có cơ sở, bởi trước đó đã có tiền lệ xấu. Năm 1980, Washington đã thất bại trong nỗ lực giải cứu các con tin người Mỹ tại Tehran - một nguyên nhân đưa tới sự thất bại của Jimmy Carter trước Ronald Reagan trong cuộc bầu cử Tổng thống sau đó. Nếu không thành công, ông Obama có thể sẽ đi vào vết xe đổ của ông Carter. Để có được mẫu ADN của trùm khủng bố, giới chức quân sự, tình báo Mỹ đã phải viện đến sự giúp đỡ của Kayani và Pasha. Hai quan chức này đã lệnh cho Aziz tìm cách lấy mẫu mô. Kết quả xét nghiệm cho thấy, đó đích xác là Bin Laden.

Tiếp sau đó là những “mặc cả” về cách thức thực thi chiến dịch. Kayani cuối cùng cũng đồng ý để Mỹ tiêu diệt Bin Laden, nhưng nói rằng không chấp nhận một cuộc tấn công quy mô lớn. Quan chức này nhấn mạnh, công việc cần tiến hành ở ngưỡng vừa đủ, bí mật, phải diệt được trùm khủng bố, bằng không hai bên sẽ dừng hợp tác.

Thỏa thuận đạt được vào tháng 1/2011, và Bộ tư lệnh Tác chiến đặc biệt (JSOC) yêu cầu phía Pakistan giải đáp một danh sách những câu hỏi chi tiết: Làm sao để biết rằng sẽ không có sự can thiệp từ bên ngoài? Có các lớp phòng thủ ở khu tư dinh kia hay không, nếu có thì cụ thể ra sao? Đâu là căn phòng mà Bin Laden ở? Cửa ra vào căn phòng này nằm ở vị trí nào, có được gia cố bằng thép hay không, dày bao nhiêu…? Pakistan cũng đồng ý để Mỹ thiết lập một cụm tình báo 4 người Mỹ (một đặc nhiệm SEAL, một nhân viên CIA, 2 chuyên gia thông tin liên lạc) tại Tarbela Ghazi nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công. Sau đó, quân đội Mỹ cũng cho xây dựng một bản sao tòa nhà sinh sống của Bin Laden tại một địa điểm bí mật ở bang Nevada để cho đặc nhiệm SEAL luyện tập tác chiến.

Đến đây, Mỹ lại “giở bài” với Pakistan. Washington ngưng viện trợ cho Islamabad. Việc chuyển giao 18 máy bay tiêm kích F-16 bị gác lại, cùng với đó là những khoản tiền “lót tay” cho giới lãnh đạo cấp cao cũng bị dừng. Đến tháng 4/2011, Pasha có cuộc gặp tay đôi với Giám đốc CIA Leon Panetta tại Langley. “Pasha nhận được cam kết Mỹ sẽ tiếp tục giao tiền và chúng tôi thì được bảo đảm rằng sẽ không có bất kì một phản ứng nào từ phía Pakistan trong quá trình thực thi chiến dịch”, cựu quan chức tình báo Mỹ tiết lộ.

Không lâu sau, Pasha đưa ra lời giải thích “thẳng tưng” về việc bí mật giam giữ Bin Laden, cũng như lý do tại sao không thể để lộ thông tin ISI có dính líu đến vụ này. Điểm mấu chốt nằm ở chỗ, ISI cần có trong tay một “con tin” có giá trị để có thể áp chế các hoạt động của al-Qaeda và Taliban trên lãnh thổ Afghanistan và Pakistan. ISI muốn các thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố này hiểu rằng nếu thực thi các cuộc tấn công đi ngược lại lợi ích của Islamabad, thì Bin Laden sẽ bị trao cho phía Mỹ. Thế nên nếu lộ ra việc Pakistan và Mỹ đi đêm trong vụ triệt hạ Bin Laden ở Abbottabad, ISI sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, điều tiếng.

Theo: Báo Tin Tức