Bắc Kinh khoe tăng cường quan hệ đối tác sâu hơn với Malaysia, Myanmar cũng như Thái Lan trong bối cảnh leo thang căng thẳng khu vực liên quan yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và trước khi Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế ra phán quyết về vụ kiện “đường lưỡi bò”.
Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với Malaysia để giữ gìn trật tự khu vực và duy trì quan hệ hữu nghị với các nước ASEAN, Tân Hoa Xã cho biết.
Hứa Kỳ Lượng đã gặp tư lệnh hải quân Malaysia, đô đốc Dato’ Seri Panglima Ahmad Kamarulzaman bin Haji Ahmad Badaruddin tại Bắc Kinh hôm 25/5. Không giữ kẽ, Hứa cũng nói rằng Trung Quốc mạnh mẽ phản đối bất cứ mưu toan của nước nào làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông.
Cũng trong ngày 25/5, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cam kết tăng cường hợp tác với quân đội các nước Myanmar và Thái Lan. Trong một cuộc gặp không chính thức giữa bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và các nước khu vực Đông Nam Á tổ chức tại Vientiane, Lào.
Thường hội đàm với người đồng cấp Myanmar là bộ trưởng Sein Win, cam kết thúc đẩy hợp tác sâu sắc quan hệ giữa quân đội hai nước thông qua trao đổi nhân sự, huấn luyện và hợp tác trong công nghiệp quốc phòng. Gặp bộ trưởng quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan, Thường Vạn Toàn cũng tuyên bố quân đội hai nước sẽ được hưởng lợi nhờ sự hợp tác rộng rãi, Tân Hoa Xã đưa tin.
Động thái của các lãnh đạo hàng đầu quân đội Trung Quốc diễn ra ngay sau khi tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo quyết định dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Theo SCMP, căng thẳng đã bùng lên tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trước thời điểm Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế ra phán quyết trong vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết được giới quan sát rộng rãi trông đợi sẽ bất lợi cho Trung Quốc khả năng sẽ được công bố trong tháng 6 tới. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn khăng khăng từ chối tham gia vụ kiện và tuyên bố tòa không có thẩm quyền.
Vẫn theo Trung Quốc, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải bao gồm Trung Quốc, Nga Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan ngày 25/5 nói, khối này “ủng hộ những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Bình luận về việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói đi nói lại rằng Trung Quốc hoan nghênh “sự phát triển mối quan hệ bình thường giữa Mỹ và Việt Nam” và bày tỏ hy vọng rằng điều này sẽ có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực.
Ông Zang Mingliang, một giáo sư tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Jinan ở Quảng Châu, cho biết phản ứng chừng mực đó thể hiện sự tiến bộ về mặt ngoại giao, nhưng triển vọng của quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Mỹ và Việt Nam sẽ còn đáng lo ngại hơn với Bắc Kinh so với liên minh Mỹ - Philippines, Zang suy diễn.
Theo Zang nhận định chủ quan, Việt Nam có kinh nghiệm, mạnh mẽ hơn, có sự tỉnh táo và hiểu đối thủ hơn. Việt Nam quan trọng hơn về mặt chiến lược trong việc đối phó với thái độ hung hăng của Trung Quốc tại khu vực. Mỹ hiện tận dụng lợi thế này.
Trong khi đó, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter ngày 25/5 cũng tuyên bố quân đội Mỹ sẽ nỗ lực duy trì sự ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trước sự nổi lên của Trung Quốc tương tự như trong 50 năm chiến tranh lạnh với Liên xô trước đây. Mỹ và Trung Quốc đang hành động và phản ứng ở Biển Đông chỉ là một phần của của một mô thức lớn trong một kỷ nguyên mà ông Carter dự đoán sẽ kết thúc khi Trung Quốc tự thay đổi nội bộ.
Ông chủ Lầu Năm Góc nhận định đây sẽ là một chiến dịch lâu dài đòi hỏi sự kiên quyết và khéo léo nhưng mạnh mẽ có thể mất nhiều năm, Defense One dẫn lời ông Carter phát biểu tại Trường Hải chiến Mỹ hôm 25/5.
Những tít báo gần đây về máy bay và chiến hạm Mỹ đi qua Biển Đông - nơi Trung Quốc đang bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép và các đường băng, cơ sở quân sự ở đó – chỉ là một phần nhìn thấy được của một chiến dịch rộng lớn hơn nhiều của Mỹ, ông Carter cho biết.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ quả quyết trước các thủy thủ tại căn cứ tàu ngầm ở căn cứ New London (Connecticut) rằng chiến lược tái cân bằng lớn hơn nhiều so với các chiến dịch tuần tra thực thi tự do hàng hải. “Đó là một chương trình tổng thể tăng cường các hoạt động trên khắp châu Á-Thái Bình Dương, thông qua cách thức ngoại giao, kinh tế cũng như quân sự”, ông Carter nói. Trước đó, ông cũng tuyên bố việc Mỹ mở rộng và tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam không nhằm vào Trung Quốc.
“Đó là sự thay đổi lực lượng tới khu vực này của thế giới, đó là hiện đại hóa các lực lượng tại khu vực này của thế giới, đó là mô thức khổng lồ về những hoạt động song phương và đa phương chúng ta thực hiện, quan hệ đối tác với quân đội các nước tại khu vực, những người ngày càng mong muốn hợp tác với Mỹ. Đây là toàn bộ hàng loạt công việc với mong muốn duy trì hệ thống hòa bình và ổn định tại châu Á-Thái Bình Dương, phục vụ tốt khu vực một cách lâu dài”, ông Carter nói.
Theo ông Carter, Mỹ điều 3 chiến hạm tiến sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc kể từ tháng 10/2015 và cho máy bay tiến qua gần đó để thực thi quyền tự do đi lại, Mỹ làm việc này không chỉ ở Biển Đông mà tiến hành trên toàn cầu và cũng không nhằm vào chỉ một quốc gia nào, kể cả Trung Quốc. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua con đường hòa bình, chứ không phải bằng cách quân sự hóa hay dọa nạt.