Mỹ có thể tăng ưu đãi thuế với xe điện Việt Nam: Vinfast được hưởng lợi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Mỹ nên mở rộng ưu đãi thuế cho xe điện Việt Nam nếu muốn khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất của Mỹ, theo ông Ted Osius, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.

VinFast đã khởi công xây dựng nhà máy EV 4 tỉ USD ở North Carolina, Mỹ (Ảnh: Reuters)
VinFast đã khởi công xây dựng nhà máy EV 4 tỉ USD ở North Carolina, Mỹ (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, các quy tắc trong Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ (IRA) nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào chuỗi cung ứng pin xe điện (EV) của Trung Quốc hiện chỉ mang lại lợi ích cho các quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Washington – trong đó không bao gồm Việt Nam.

Tuần trước, như VietTimes đã đưa tin, hãng xe VinFast đã đầu khởi công xây dựng nhà máy 4 tỉ USD để sản xuất EV tại bang North Carolina cung cấp cho thị trường Mỹ.

Nhà máy của VinFast có diện tích lên tới 800ha, với công suất dự kiến 150.000 xe/năm trong giai đoạn 1. Giai đoạn 2 của nhà máy dự kiến được triển khai vào năm 2025, chậm hơn 1 năm so với kế hoạch ban đầu. VinFast đã nhận được khoản ưu đãi trị giá 1,2 tỉ USD từ bang North Carolina cho dự án này.

Tuy nhiên, theo ông Ted Osius, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, công ty này có thể gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ nếu không được hưởng ưu đãi thuế.

Trả lời phỏng vấn CNBC, CEO VinFast Lê Thị Thu Thuỷ cũng thừa nhận mức độ cạnh tranh ngày càng cao ở thị trường Mỹ. “Chúng tôi nghĩ rằng vẫn còn nhiều chỗ dành cho những người mới gia nhập thị trường. Tôi nghĩ rằng người tiêu dùng Mỹ cởi mở với những công ty mới, miễn là chúng tôi có các sản phẩm chất lượng”, bà Thủy nhấn mạnh.

Gia nhập thị trường Mỹ đồng nghĩa với việc VinFast sẽ phải cạnh tranh với Tesla và BYD, đó là chưa kể các nhà sản xuất ô tô truyền thống cũng đang nỗ lực bắt kịp xu hướng xe hybrid và EV.

Phép thử IRA

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters ngày 3/8, ông Osius nói rằng VinFast đã hưởng ứng lời kêu gọi sản xuất EV trên lãnh thổ Mỹ của Tổng thống Joe Biden. "Họ sẽ muốn trở thành một phần của chuỗi cung ứng EV và họ sẽ không muốn bị phân biệt so với các nhà sản xuất EV khác”.

Hiện vẫn “chưa có hướng đi rõ ràng” để Việt Nam hưởng các ưu đãi thuế ở thời điểm hiện tại, nhưng việc VinFast tiếp tục dự án nhà máy EV cho thấy “niềm tin khá chắc chắn rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn – và tôi cũng có niềm tin như vậy”, ông Osius nói.

Việc chính quyền Tổng thống Biden có thể đưa ra một giải pháp dành cho VinFast hay không, sẽ là một phép thử xem các lợi ích kinh tế mà IRA mang lại có thể được mở rộng đến đâu.

IRA cung cấp khoản tín dụng thuế đối với những chiếc EV được mua tại Mỹ, với điều kiện là phải có một tỷ lệ các khoáng chất quan trọng chế tạo pin phải có nguồn gốc từ Mỹ hoặc một đối tác thương mại tự do của Mỹ.

Trong tháng 3, Mỹ đã ký một thoả thuận với Nhật Bản về các khoáng chất quan trọng để đảm bảo rằng ô tô của Nhật sẽ được hưởng lợi từ tín dụng thuế. Hiện tại, cả EU và Anh đều muốn thoả thuận tương tự.

Tuần trước, ông Biden nói rằng ông có thể gặp gỡ nhà lãnh đạo Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ trong tháng 9, nơi mà hai bên dự kiến sẽ nhất trí về tăng cường mối quan hệ ngày càng tốt đẹp trong những năm gần đây.

Ông Osius cho rằng Washington nên tăng các ưu đãi thuế cho các bên ký kết Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF), sáng kiến thương mại bao gồm 14 nước, trong đó có Việt Nam và Indonesia, nơi có trữ lượng lớn khoáng sản quan trọng để sản xuất pin EV.

Chính quyền Tổng thống Biden đã khởi động IPEF như một phần nỗ lực nhằm tăng cường cam kết kinh tế với khu vực châu Á, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, IPEF vẫn thiếu các điều khoản về tiếp cận thị trường mà các nước ASEAN mong muốn./.

Nguồn Reuters, CNBC