Trung Quốc đang thách thức sự cân bằng quyền lực bằng cách xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Tuy nhiên trên thực tế, các đảo này là những mục tiêu dễ tổn thương, giáo sư nối tiếng với khái niệm “quyền lực mềm” Joseph Nye nhận xét trên Nikkei.
Giáo sư Nye nói Mỹ không thừa nhận các đảo nhân tạo là lãnh thổ của Trung Quốc và việc điều khu trục hạm tiến vào khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo nhằm thực thi quyền tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế. Ông Nye từng góp phần tăng cường liên minh an ninh Nhật-Mỹ với vai trò trợ lý bộ trưởng quốc phòng và là chủ tịch Hội đồng tình báo quốc gia Mỹ.
Theo giáo sư Nye, có hai vấn đề lớn khiến Mỹ khó chịu với Trung Quốc. Thứ nhất là vấn đề gián điệp mạng và vấn đề còn lại là tranh chấp Biển Đông, tự do hàng hải.
Khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Washington, ông Tập đã giữ quan điểm truyền thống của Trung Quốc và nói rằng Trung Quốc không tấn công mạng. Ít nhất Trung Quốc đã thay đổi 180 độ tại cuộc họp thượng đỉnh.
Về vấn đề Biển Đông thì không có tiến triển gì, và đó là lý do tại sao người ta chứng kiến các chuyến tuần tra thực thi tự do hàng hải gần các đảo tranh chấp.
Khi Nikkei hỏi quan điểm của Mỹ về các hòn đảo nhân tạo, giáo sư Nye nêu rõ Mỹ không xét vấn đề chủ quyền của vô số các bãi đá và rạn san hô, nhưng Mỹ có quan điểm mạnh mẽ rằng vùng biển phải được quản lý theo Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc. Và Công ước về Luật Biển quy định không thể chiếm một bãi đá, đụn cát trên đó và gọi đó là lãnh thổ rồi đòi hỏi chủ quyền biển và vùng đặc quyền kinh tế.
Nikkei hỏi Mỹ sẽ đáp trả thế nào thực trạng Trung Quốc ráo riết xây dựng các đảo nhân tạo khiến thay đổi cán cân quyền lực tại khu vực, ông Nye cho rằng trên thực tế các hòn đảo nhân tạo rất dễ tổn thương. “Người ta nói đó là tàu sân bay tĩnh. Nhưng nó cũng rất dễ đánh chìm, Vì đó là một mục tiêu cố định”, giáo sư Nye nói.
Về việc liệu các đảo nhân tạo có giúp Trung Quốc thay đổi vị thế hay không, giáo sư cho biết ông không nghĩ vậy. Như một số bạn bè từng làm việc trong quân đội của ông cho biết, nếu Mỹ thực sự muốn, họ có thể đặt một số tên lửa tại Philippines, điều đó có nghĩa các đảo nhân tạo trên hoàn toàn vô dụng về mặt quân sự. “Do vậy, tôi không nghĩ rằng đó là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi nếu chúng tôi hiện đang tăng cường thực thi tự do hàng hải. Và điều đó có nghĩa việc tiến vào phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo và bay trên các đảo là rất quan trọng. Tôi nghĩ đó là việc chúng ta sẽ tiếp tục thấy trong những tuần sắp tới”.
Khi được hỏi liệu Mỹ có lo ngại khả năng va chạm giữa lực lượng Mỹ và quân đội Trung Quốc như đã từng xảy ra giữa máy bay trinh sát EP3 của hải quân Mỹ và chiến đấu cơ Trung Quốc năm 2001, giáo sư Nye cho rằng luôn có thể xảy ra một vụ va chạm khác.
Tuy nhiên giáo sư Nye nhận định Trung Quốc không muốn leo thang căng thẳng với Mỹ. “Nếu anh có một Trung Quốc đang phải chịu suy thoái kinh tế, thứ cuối cùng cần thiết (để đi tới sự sụp đổ) là một cuộc xung đột với Mỹ. Và tôi nghĩ ông Tập Cận Bình sẽ đối mặt những nguy cơ nghiêm trọng nếu ông lao vào một cuộc xung đột với Mỹ”, giáo sư Nye nhận định.
Về vấn đề ông Tập Cận Bình có “cầm cương” được quân đội Trung Quốc hay không, giáo sư Nye cho rằng Trung Quốc rõ ràng có vấn đề chính trị và ông Tập nên lo lắng về sự kiểm soát chính trị của mình. Chiến dịch chống tham nhũng đã làm nảy sinh những vấn đề vì khi ông Tập sử dụng nó như vũ khí chống các đối thủ của mình, nó cũng khiến nhiều người lo rằng họ có thể là mục tiêu tiếp theo. Do đó, ông Tập không có được sự kiểm soát toàn diện. Dẫu vậy, đây vẫn là nhân vật mạnh nhất kể từ thời Đặng Tiểu Bình.
Theo QPAN