Bí mật đi thăm?
Hãng tin Bloomberg ngày 2 tháng 9 dẫn các nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ nói, trong cuộc đối thoại vào tuần qua, hai bên đã không đạt được thỏa thuận về ít nhất hai yêu cầu của nhau. Phía Mỹ kêu gọi đặt ra một phạm vi cho vòng đàm phán tiếp theo, trong khi Trung Quốc lại yêu cầu hoãn lại việc áp đặt mức thuế quan mới. Hiện nay, ngày giờ các quan chức Trung Quốc đến thăm Washington vẫn chưa được ấn định, nhưng điều này không có nghĩa là nó sẽ không diễn ra vì chuyến thăm này được bí mật tiến hành.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói, các nhà đàm phán của Trung Quốc và Mỹ sẽ gặp nhau tại Mỹ vào tháng 9, nhưng chi tiết thêm vẫn chưa được công bố.
Vào ngày 1 tháng 9, chính phủ Mỹ đã thực thi đúng hạn việc gia tăng mức thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 112 tỷ USD như dự kiến. Danh sách hàng hóa bao gồm giày dép, thực phẩm và tã trẻ em.... Trung Quốc cũng phản công và lần đầu tiên áp thuế đối với dầu thô của Mỹ kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại.
Sau vòng đàm phán tháng 7 tại Thượng Hải, Mỹ đã hoãn áp thuế một phần hàng hóa và miễn thuế cho một số mặt hàng Trung Quốc. Ảnh: Reuters/Đa Chiều
|
Mạng Nikkei bằng tiếng Trung nói, ông Trump đã tìm cách thu hẹp thâm hụt thương mại bằng cách đánh thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc, là nguồn nhập khẩu lớn nhất, nhưng kết quả không như ý muốn. Các mức thuế cao áp đặt lên Trung Quốc lại quay lại tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ. Thuế quan trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc đã bước vào đợt thứ tư, nhưng thâm hụt thương mại lại lớn hơn so với trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra từ mùa Hè 2018. Việc thực hiện lời hứa thu hẹp thâm hụt thương mại và khôi phục việc làm ngành sản xuất của ông Trump trong chiến dịch tranh cử đang dần trở nên xa vời.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Theo kế hoạch, đợt thuế quan tiếp theo của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ được thực hiện vào tháng 12, liên quan đến quần áo và một số hàng hóa giá cao, như điện thoại Phone và máy tính bảng, laptop. Đến cuối năm 2019, thuế quan sẽ liên quan đến hầu hết hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, trị giá khoảng 550 tỷ USD.
Theo BBC, chính phủ của ông Trump vẫn đang lên kế hoạch tăng mức thuế suất 25% hiện tại lên 30% vào ngày 1/10. Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ nói, trước ngày 20 tháng 9, mức thuế 30% sẽ được đưa ra lấy ý kiến công chúng.
Các nhà phân tích cho rằng sự leo thang gần đây của cuộc chiến thương mại đã khiến hy vọng về một thỏa thuận cuối cùng giữa Trung Quốc và Mỹ đã trở nên rất mong manh.
Nhiều nhà kinh tế dự đoán, do thương chiến, nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong vòng 12 đến 18 tháng tới. Ảnh: Tân Hoa xã/Đa Chiều
|
Ông Julian Evans-Pritchard, nhà phân tích kinh tế Trung Quốc lão luyện tại Capital Economics nói, giai đoạn hiện nay rất khó cho việc hai bên có thể đạt được một thỏa thuận. Kể từ khi cuộc đàm phán thương mại bị phá vỡ vào tháng 5, lập trường của cả hai bên đã trở nên cứng rắn hơn, lại còn có thêm nhiều yếu tố phức tạp khác, như lệnh cấm Huawei và các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, khiến hai bên càng gặp khó khăn hơn trong việc khắc phục sự khác biệt.
Ông Julian Evans-Pritchard dự tính phía Washington sẽ còn tăng thêm mức thuế. “Thuế suất có thể tăng tiếp tới 45% đối với những hàng hóa có tác động tiêu cực nhất đối với Trung Quốc và ít gây hại nhất cho Mỹ”.
Ông Trump: nhiệm kỳ thứ 2 sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc
Ngày 3/9, ông Donald Trump đã nói rằng cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang tiến triển thuận lợi, nhưng ông cảnh cáo: nếu Trung Quốc định giở trò trì hoãn đến nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông, ông sẽ “càng cứng rắn hơn”.
Sáng ngày 3/9, ông Trump đã đăng liền 2 bản tweet, viết:”Cuộc đàm phán của chúng ta với Trung Quốc đang thể hiện rất tốt đẹp”. Nhưng ông viết tiếp rằng tuy ông tin là người Trung Quốc sẽ thích chơi với chính phủ mới (của Mỹ) hơn, như thế họ có thể tiếp tục cách làm mỗi năm lấy được từ nước Mỹ 600 tỷ USD, nhưng 16 tháng là một thời gian rất dài, nhiều công ty và việc làm sẽ mất đi.
Xử lý quan hệ hai bên và thương chiến đang là bài toán khó giải đối với cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Ảnh: Đa Chiều
|
Ông viết, nếu Mỹ - Trung không giải quyết được tranh chấp mậu dịch và ông được tái đắc cử thì đối với Trung Quốc “việc đạt được một hiệp nghị sẽ trở nên càng khó khăn”, “đồng thời, chuỗi cung ứng của Trung Quốc sẽ tan vỡ, các công ty, việc làm và tiền vốn sẽ biến mất!”.
Hãng Bloomberg hôm 2/9 đưa tin, hai bên Mỹ - Trung chưa đạt được nhất trí về điều kiện cơ bản cho việc nối lại cuộc đàm phán thương mại, hai bên đều không tín nhiệm nhau. Một quan chức giấu tên nói rằng: ngày giờ đoàn đàm phán Trung Quốc tới Mỹ chưa được xác định, nhưng điều đó không nói lên cuộc đàm phán thương mại sẽ không diễn ra. Quan chức hai bên đang nỗ lực sắp xếp thời gian biểu cho vòng đàm phán mới.
Ông Daniel Ross, cựu Trợ lý Ngoại trưởng về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương nói, Trung Quốc đang tính toán để làm thế nào được lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020; ông cho rằng Bắc Kinh đã phán đoán sai lầm về tầm quan trọng của ảnh hưởng chính trị đối với việc định ra chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ.
Ông nói, cả hai đảng ở Mỹ đều nhất trí Mỹ cần yêu cầu Trung Quốc có hành động cấm dứt việc lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, trợ cấp các công ty quốc doanh và hạn chế các công ty Mỹ vào thị trường Trung Quốc.
(Theo Đa Chiều)