Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 6/12, tờ Wall Street Journal của Mỹ hôm Chủ nhật (5/12) dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền Joe Biden nói Trung Quốc có ý định thiết lập căn cứ quân sự có tính lâu dài đầu tiên của Trung Quốc trên bờ biển Đại Tây Dương ở Equatorial Guinea (Guinea Xích đạo), một quốc gia nhỏ ở Trung Phi. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc lo ngại nếu thông tin tình báo này là sự thật, điều đó có nghĩa là tàu chiến Trung Quốc có thể được bố trí ở phía đối diện bờ biển phía đông của Mỹ, và mối đe dọa quân sự của Trung Quốc có thể lần đầu tiên mở rộng sang khu vực Đại Tây Dương.
Một quan chức Mỹ nói, thông tin tình báo tuyệt mật cho thấy Trung Quốc có ý định xây dựng một căn cứ quân sự lâu dài, nhưng từ chối tiết lộ thông tin chi tiết. Ông chỉ nói rằng trọng điểm quan trọng của Trung Quốc ở Guinea Xích đạo là Bata, nơi đã có một cảng thương mại nước sâu do Trung Quốc xây dựng nối với con đường cao tốc tới Gabon, một quốc gia châu Phi, và nội địa Trung Phi. Mỹ đã cho Guinea Xích đạo biết một số động thái liên quan đến Trung Quốc của họ sẽ gây ra lo ngại về an ninh quốc gia.
The Wall Street Journal viết về vụ việc. |
Các cơ quan tình báo Mỹ bắt đầu phát hiện ra ý đồ quân sự của Trung Quốc ở Guinea Xích đạo vào năm 2019. Trong thời chính quyền Donald Trump, các quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ đã được cử đến Guinea. Sau khi ông Biden lên nắm quyền, thái độ của Mỹ trở nên rõ ràng hơn. Tháng 10/2021, ông Biden đã cử Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Jon Finer đến thăm và thuyết phục Tổng thống Teodoro Obiang Nguema Mbasogo từ chối đề xuất của Trung Quốc, cảnh báo Guinea Xích đạo đừng thiển cận khi đứng ở tuyến đầu của cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhà Trắng cũng đang cố gắng tăng cường quan hệ với Guinea Xích đạo và cũng bày tỏ rằng Washington sẽ không yêu cầu Guinea Xích đạo từ bỏ quan hệ sâu rộng với Trung Quốc, nhưng yêu cầu duy trì nó ở mức độ mà Mỹ không coi là mối đe dọa.
Số liệu cho thấy các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong 20 năm qua đã xây dựng 100 cảng thương mại trên khắp châu Phi, năm 2017, họ xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên ở Djibouti, châu Phi, có thể cập cảng tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân, kiểm soát hoạt động vận chuyển trên Kênh đào Suez của Ai Cập. Căn cứ này cách Lemonier, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Phi chỉ 10 km.
Căn cứ quân sự Trung Quốc ở Djibouti (Ảnh: VCG). |
Vào tháng 4 năm nay, tướng Stephen Townsend, Tư lệnh Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ, đã làm chứng trước Thượng viện Mỹ, nói rằng mối đe dọa đáng kể nhất từ Trung Quốc sẽ là một cơ sở hải quân trên bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi có thể được sử dụng để tái trang bị, bổ sung đạn dược, và sửa chữa tàu hải quân. Một bản báo cáo do Lầu Năm Góc đệ trình lên Quốc hội Mỹ năm nay cho biết Trung Quốc có thể xem xét thiết lập các căn cứ tại châu Phi ở Kenya, Seychelles, Tanzania và Angola.
Trước thông tin của truyền thông và phản ứng của Mỹ trước tin Trung Quốc lập căn cứ quân sự ở Guinea Xích đạo, trang tin Guancha (Nhà quan sát) của Trung Quốc ngày 6/12 đã đăng bài chỉ trích Mỹ “cố ý thổi phồng việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở đối diện bờ biển phía Đông”; cho rằng “quốc gia có hàng trăm căn cứ quân sự ở nước ngoài lại bắt đầu thêm chuyện vào vấn đề ‘Căn cứ quân sự Trung Quốc’ ".
Bài báo viết, một quan chức Mỹ cho biết, Bata có cảng nước sâu thương mại do Trung Quốc xây dựng và cũng được kết nối với đường cao tốc của Gabon và nội địa Trung Phi. Vào tháng 4 năm nay, Stephen Townsend, người chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ, đã đề cập đến căn cứ này khi ông ta điều trần trước Thượng viện: "Việc sử dụng quân sự mà tôi đang nói đến không chỉ có nghĩa là họ có thể cập cảng ở đó để lấy nhiên liệu và hàng hóa, mà còn có thể sử dụng cơ sở này để tái trang bị đạn dược và sửa chữa tàu hải quân."
Lính Trung Quốc tại căn cứ ở Djibouti diễn tập (Ảnh: VCG). |
Andrew Rohling, chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Nam Âu – châu Phi của Lục quân Mỹ cũng nói: “Trung Quốc sẽ xây dựng một căn cứ hải quân ở Guinea Xích đạo, điều này sẽ giúp họ hiện diện hải quân ở Đại Tây Dương”.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden tuyên bố rằng, để giải quyết “các vấn đề an ninh” đã nảy sinh, Hoa Kỳ đã tuyên bố rõ ràng với Guinea Xích đạo rằng “một số hành động tiềm tàng liên quan đến các hoạt động của (Trung Quốc) sẽ gây ra lo ngại về an ninh quốc gia”. Vào tháng 10 năm nay, Jonathan Finer, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Mỹ, đã đến thăm Guinea Xích đạo để thuyết phục Tổng thống Nguema Mbasogo từ chối đề nghị của Trung Quốc. Các quan chức Nhà Trắng đã cố gắng cảnh báo nước này: “Tự đặt mình lên tuyến đầu của cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa Trung Quốc và Mỹ là một nước đi thiển cận”.
Giới truyền thông Mỹ thừa nhận rằng Nhà Trắng không biết hiệu quả công việc của họ như thế nào. Để chống lại sự hiện diện của hải quân Trung Quốc, cần phải có những nỗ lực lâu dài và bền vững. Mặc dù vậy, Mỹ còn có các biện pháp khác. Ví dụ, các công ty dầu mỏ của Mỹ là chủ thể khai thác dầu mỏ ở vùng biển Guinea Xích đạo, và Mỹ cũng muốn hợp tác trong các lĩnh vực an ninh trên biển như chống cướp biển và đánh bắt bất hợp pháp.
Thông tin công khai cho thấy, dự án cảng Bata ở Guinea Xích đạo do chính phủ Trung Quốc đầu tư xây dựng và một công ty thuộc Cục Công trình Giao thông Trung Quốc chịu trách nhiệm xây dựng. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 8/2008 và hoàn thành vào tháng 7/2019. Dự án chủ yếu bao gồm việc xây dựng cầu cảng 50.000 tấn và cầu cảng 20.000 tấn với 11 chỗ neo đậu, cũng như xây dựng đê chắn sóng dài 2.433 mét. Guancha cho rằng, dự án này hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tăng thêm số lượng cầu cảng, đáp ứng nhu cầu cho tàu trọng tải lớn, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế lâu dài của Guinea Xích Đạo.
Sứ quán Trung Quốc ở Sri Lanka cáo buộc Mỹ có nhiều căn cứ quân sự trên khắp thế giới (Ảnh: Guancha). |
Theo Guancha, trong nhiều năm, "các căn cứ quân sự ở nước ngoài của Trung Quốc" là một chủ đề lâu dài của các chính trị gia và giới truyền thông Mỹ.
Ngay từ trước và sau khi Trung Quốc xây dựng căn cứ hỗ trợ ở Djibouti năm 2017, Mỹ đã coi đây là "sự bành trướng quân sự" của Trung Quốc. Nhưng theo Guancha, căn cứ này là một căn cứ hỗ trợ tổng hợp kiểu cảng, mục tiêu, quy mô và chức năng của nó còn lâu mới đạt đến mức của một căn cứ quân sự, Trung Quốc đã nhiều lần giải thích điều này.
Vào đầu năm 2018, truyền thông Mỹ cũng tuyên truyền về kế hoạch xây dựng "căn cứ quân sự hải quân và không quân lớn" của Trung Quốc gần cảng Gwadar của Pakistan. Pakistan phản bác mục đích của những tin tức sai sự thật như vậy là nhằm phá hoại quan hệ Trung Quốc - Pakistan. Năm ngoái, Mỹ cũng đã đưa tin Trung Quốc kiểm soát căn cứ hải quân Ream của Campuchia, và thậm chí yêu cầu Campuchia "làm rõ" vấn đề…
Guancha viết, cách hành xử của truyền thông và giới Chính trị Mỹ về căn cứ quân sự Trung Quốc ở nước ngoài là điển hình của việc “trộm hô bắt trộm” (vừa ăn cắp vừa la làng).