Trong buổi gặp gỡ các quan chức Anh ngày 29/4, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về chính sách mạng Robert Strayer đã cảnh báo đồng minh rằng Huawei “không phải là nhà cung cấp đáng tin cậy” và việc sử dụng công nghệ của công ty Trung Quốc sẽ đem lại rủi ro lớn cho hệ thống mạng 5G.
Theo ông Strayer, nếu công nghệ của “nhà cung cấp” không đáng tin cậy được Anh hay bất kỳ quốc gia phương Tây sử dụng, thì Mỹ sẽ “phải xem xét lại khả năng hợp tác và chia sẻ thông tin”.
Tuyên bố của ông Strayer đưa ra sau khi thông tin cho thấy Anh đã phớt lờ cảnh báo của Mỹ, và tiếp tục cho phép Huawei cung cấp thiết bị 5G trong cơ sở hạ tầng viễn thông.
Sau khi thông tin về cuộc họp kín của Hội đồng An ninh Quốc gia Anh (NSC) được tờ Telegraph công bố tuần trước, chính phủ Anh đã yêu cầu điều tra các bộ trưởng, cố vấn và quan chức được phép tham gia; đồng thời đe dọa đuổi việc cho người để lộ tin tức bất kể thâm niên.
Trụ sở Truyền thông Chính phủ Anh (GCHQ). Ảnh: Wikipedia
|
Tuần qua, Hội đồng An ninh Quốc gia Anh (NSC) đã phê duyệt bộ tiêu chuẩn cho phép Huawei cung cấp công nghệ 5G “không cốt lõi”, bất chấp sự phản đối của 5 bộ trưởng và nỗ lực vận động hành lang trong nhiều tháng vừa qua của Washington. Được biết, Thủ tướng Anh Theresa May đã ủng hộ quyết định trên và dự kiến công bố trong thời gian tới.
Hiện tại, một số nguồn tin cho rằng người tiết lộ thông kin về cuộc họp là 1 trong 5 vị Bộ trưởng đã bày tỏ lo ngại với công nghệ Huawei, bao gồm: Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt, Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid và Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson.
Phát biểu trên The Guardian, Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Bob Seely cho rằng: “Cảnh báo của ông Robert Strayer là động thía bình thường. Huawei không phải là một nhà cung cấp đáng tin cậy bởi công ty phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc, yêu cầu hợp tác với các cơ quan tình báo Trung Quốc. Huawei [gần như] là một phần của nhà nước Trung Quốc”.
Quan điểm của ông Seely trùng với nội dung tuyên bố được Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt đưa ra vào ngày 29/4, trước chuyến thăm chính thức tới Châu Phi. Ông Hunt, chính trị gia được coi là ứng viên lãnh đạo Đảng Bảo thủ, cho rằng Anh nên thận trọng vì Luật An ninh mạng có hiệu lực tại Trung Quốc từ năm 2017, yêu cầu tất cả công ty Trung Quốc hợp tác với các cơ quan tình báo quốc gia.
Phản hồi trên The Guardian, phát ngôn viên của Thủ tướng Theresa May cho biết: “Khi phát sinh lo ngại về an ninh quốc gia trong bất kỳ khoản đầu tư nước ngoài nào, chính phủ Anh sẽ đánh giá rủi ro và cân nhắc hành động cần thực hiện”.
Ngược lại, Huawei khẳng định là công ty tư nhân, phần lớn thuộc sở hữu của nhân viên và hoàn toàn độc lập với chính phủ Trung Quốc. Đồng thời, công ty Trung Quốc tuyên bố đã hoạt động tại Anh trong vòng hơn một thập kỷ và chưa hề để xảy ra sự cố bảo mật nghiêm trọng.
Từ phía cơ quan tình báo Anh, Trụ sở Truyền thông Chính phủ (GCHQ) tin rằng cần phải giám sát công nghệ của Huawei, kiểm tra phần mềm để ngăn chặn lỗ hổng “back-door” bí mật có thể bị Trung Quốc khai thác.
Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về chính sách mạng Robert Strayer. Ảnh: Flikr
|
Tuy nhiên, chính quyền Trump không tin vào khả năng kiểm soát rủi ro trên thiết bị Huawei. Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về chính sách mạng Robert Strayer cho rằng các quốc gia sử dụng công nghệ Huawei là trao cho Trung Quốc “một khẩu súng đã nạp sẵn đạn”.
Hành động của ông Strayer nằm trong nỗ lực gây sức ép của Mỹ nhằm ngăn chặn làn sóng Huawei xâm nhập vào Anh, đặc biệt khi xuất hiện thông tin về cuộc họp kín trong nội các Anh.
Ông Stayer tiết lộ các nhà mạng Mỹ đã ngừng sử dụng thiết bị Huawei trong cơ sở hạ tầng 5G. Bên cạnh Mỹ, quốc gia khác đang chia sẻ thông tin tình báo với Anh là Australia đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với các nhà cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc.
Dự kiến, quyết định cuối cùng về vấn đề Huawei sẽ được Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh công bố vào đầu năm 2020.
Theo The Guardian