Ngoài Mỹ, hiện nay các nước Australia, Nhật Bản và New Zealand đang cấm các công ty trong nước mua sắm các thiết bị của Huawei để xây dựng mạng 5G. Họ lo ngại rằng thiết bị của Huawei có thể mở cửa hậu để chính phủ Trung Quốc thu thập thông tin tình báo.
Mặc dù bị cấm cửa tại nhiều quốc gia lớn, vốn chiếm tới 40% GDP toàn cầu, nhưng Huawei vẫn chi rất nhiều tiền cho Nghiên cứu Phát triển (R & D). Theo Bloomberg, Huawei đã chi 15,3 tỷ USD cho R & D vào năm ngoái, gấp đôi số tiền mà họ đã chi ra trong 5 năm trước. Trong số 10 công ty hàng đầu thế giới chi nhiều tiền cho R & D, chỉ có 1 công ty có tốc độ chi tiêu cho R & D nhanh hơn Huawei, đó là Amazon. Ngân sách nghiên cứu của Huawei đã tăng 149% so với năm 2014 trong khi Amazon tăng 210% so với cùng kỳ.
Trên thực tế, Huawei là công ty lớn thứ 4 về chi tiêu cho R & D trong năm ngoái, chỉ sau Amazon (28,8 tỷ USD), Alphabet (21,4 tỷ USD) và Samsung (16,7 tỷ USD). Apple đứng thứ 7 trong danh sách sau khi chi 14,2 tỷ USD vào năm 2018. Nhìn theo một cách khác, Huawei đã chi 14% doanh thu cho R & D vào năm ngoái, đứng thứ 2 sau Alphabet (16%). Chi tiêu cho R & D của Samsung trong năm 2018 bằng 8% và Apple la 5%.
Chi tiêu lớn cho R & D dẫn đến sự đổi mới
Những số liệu ở trên có thể giải thích vì sao Huawei dự kiến sẽ trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới vào năm tới. Năm ngoái, hãng đã xuất xưởng hơn 200 triệu thiết bị cầm tay, xếp thứ ba sau Samsung và Apple.
Nhờ đầu tư một số lượng lớn tiền của vào R & D mà điện thoại của Huawei đã có những tính năng mà các công ty điện thoại khác phải sao chép. Ví dụ, Huawei P30 Pro là điện thoại đầu tiên có thiết lập 3 camera và Mate 20 Pro có tính năng sạc ngược cho thiết bị khác. Đây là tính năng mà Samsung đã sao chép trên mẫu Galaxy S10 (tính năng PowerShare). iPhone 2019 dự kiến cũng sẽ có tính năng sạc ngược này. Huawei cũng là hãng đầu tiên đưa ra màu vỏ gradient trên chiếc P20 mà sau đó một vài hãng cũng đã bắt chước theo.
Tuy nhiên, nhiều khi sáng tạo quá lại gây hiệu ứng ngược. Chiếc Huawei P30 Pro được tích hợp một tính năng gọi là “Chế độ Mặt trăng”, cho phép người dùng chụp cận cảnh mặt trăng nhờ khả năng siêu zoom của camera trên điện thoại. Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu gần đây đã “tố” rằng điện thoại này đã lấy những tấm ảnh mặt trăng đã có từ trước để bổ khuyết cho những khu vực mà camera P30 Pro không chụp được. Điều này chứng minh rằng nếu Huawei đầu tư nhiều tiền bạc cho R & D về chụp mặt trăng, thì hiệu quả mà hãng thu được là không nhiều.
Huawei đang đóng một vai trò rất lớn trong việc tạo ra mạng 5G ở nhiều quốc gia, khiến cho Mỹ đứng ngồi không yên. Tốc độ kết nối nhanh của 5G sẽ kích thích nhiều ngành kinh tế, tạo ra các doanh nghiệp và dịch vụ mới mà chúng ta chưa thể hình dung vào thời điểm hiện tại. Huawei phủ nhận mọi cáo buộc làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Người ta lo ngại rằng một khi mạng 5G của Huawei trở nên phổ biến, hãng này có thể đóng các mạng này theo yêu cầu của Bắc Kinh.