Trước đó, WTO đã ra phán quyết Mỹ có thể áp thuế đối với hàng hóa của EU vì khối này đã không tuân thủ phán quyết liên quan đến trợ cấp của chính phủ cho Airbus. Đây là bước ngoặt mới nhất trong một cuộc tranh cãi kéo dài suốt 15 năm qua về sự hỗ trợ của chính phủ châu Âu và Mỹ cho hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới.
Cuộc xung đột nổ ra vào năm 2004, khi các nhà chức trách châu Âu cho rằng hãng Boeing (BA) đã nhận được 19 tỉ USD tiền trợ cấp trái phép từ chính phủ Mỹ. Trong khi Hoa Kỳ cũng đã đệ trình kiến nghị về các khoản trợ cấp tương tự của EU cho Airbus.
Phán quyết được đưa ra ngày 2/10 sẽ ảnh hưởng tới khoảng 2% giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu của EU sang Mỹ, điều này đồng thời có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại với chính quyền của Tổng thống Trump.
Theo quan chức thương mại cấp cao của EU, gần đây, các nước thuộc khối này đã đưa ra đề xuất với Mỹ về "một chế độ mới cho việc trợ cấp sản xuất máy bay", nhưng cho đến nay vẫn không nhận được phản hồi.
Bà Cecilia Malmström, Ủy viên Thương mại EU, cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng tìm một giải pháp công bằng nhưng nếu Mỹ quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt, EU cũng sẽ không còn lựa chọn nào khác" và điều này có nguy cơ khiến cả hai bên đều thiệt hại.
Chính quyền Trump ban đầu đã đề xuất mức thuế lên tới 100% đối với 25 tỷ USD hàng hóa châu Âu, bao gồm cả máy bay mới từ Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh - tất cả các quốc gia mà Airbus có mặt.
Trong những tháng tới, WTO sẽ xác định những mức thuế đáp trả mà Liên minh châu Âu có thể áp đặt đối với hàng hóa của Mỹ vì các khoản trợ cấp cho Boeing. Nếu cả hai bên thật sự trả đũa lẫn nhau bằng việc áp thuế thì thương mại toàn cầu và ngành hàng không sẽ chịu thiệt hại không nhỏ.
Trước đó, Mỹ cũng đã áp đặt thuế quan đối với mặt hàng thép và nhôm của châu Âu trong khi EU trả đũa bằng mức thuế đối với 3 tỷ đô la hàng hóa của Mỹ hồi tháng 6.
Về phía Airbus, đại diện hãng này cho biết, việc áp thuế sẽ là rào cản chống lại thương mại tự do và ảnh hưởng tiêu cực đến các hãng hàng không, khách du lịch và người lao động tại Mỹ. CEO Guillaume Faury của Airbus chia sẻ: "Airbus hy vọng rằng Mỹ và EU sẽ đồng ý tìm giải pháp đàm phán trước khi gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành hàng không cũng như quan hệ thương mại và nền kinh tế toàn cầu".
(Theo CNN)