|
Cửa hàng Con Cưng (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet) |
CTCP Đầu tư Con Cưng (viết tắt: CCI), ngày 17/1/2020, đã phát hành riêng lẻ 41 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm và không kèm chứng quyền.
Công bố thông tin về đợt phát hành này, CCI cho biết nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã mua vào 28,196 tỷ đồng, chiếm 66,77% tổng khối lượng trái phiếu phát hành. Số trái phiếu còn lại được bán cho các nhà đầu tư tổ chức trong nước. Đơn vị tư vấn, đại lý cho đợt phát hành là CTCP Chứng khoán SSI (Mã CK: SSI).
Lô trái phiếu có lãi suất 8%/năm, kỳ hạn 1 năm. Mệnh giá mỗi trái phiếu là 1 triệu đồng. Đáng chú ý, người sở hữu có thể thực hiện quyền chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu của CCI với mức giá chuyển đổi là 484.629 đồng/cổ phần.
Được thành lập vào tháng 9/2015, CCI là công ty mẹ của 3 pháp nhân khác, bao gồm: CTCP Con Cưng, CTCP Thương mại Liam và CTCP Tập đoàn Sakura.
Doanh nghiệp này được biết tới là chủ sở hệ thống Con Cưng - chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm cho mẹ và bé, có tốc độ phát triển nhanh chóng trong một vài năm trở lại đây.
Tới cuối năm 2019, hệ thống cửa hàng mang thương hiệu Con Cung, Toycity & CF (Con Cưng Fashion) đã đạt 458 cửa hàng. Công ty đặt mục tiêu đển năm 2020 sẽ phát triển 1.000 cửa hàng trên cả nước.
Tính đến ngày 30/6/2019, quy mô vốn điều lệ của CCI đạt 26,25 tỷ đồng.
Trong đó, các tổ chức liên quan tới SSI là Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) và Quỹ Daiwa - SSIAM Vietnam Growth Fund II L.P nắm giữ tổng cộng 525 nghìn cổ phiếu của CCI, tương đương tỷ lệ sở hữu 20%.
Các nhà sáng lập chuỗi Con Cưng là ông Nguyễn Quốc Minh và Lưu Anh Tiến mỗi người sở hữu lượng cổ phần tương đương 17,28% vốn điều lệ của CCI.
Trong khi đó, cổ đông ngoại là Asia Design Company Limited (Lombard) nắm giữ hơn 516 nghìn cổ phiếu, tương đương 19,65% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại của CCI do các cá nhân và cổ đông khác nắm giữ.
|
Cơ cấu cổ đông của CTCP Đầu tư Con Cưng tính đến cuối tháng 6/2019 (Nguồn: VT tổng hợp)
|
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, giá trị cổ phần CCI không chỉ dừng lại ở mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Bởi, tại ngày 30/6/2019, công ty còn ghi nhận hơn 143,68 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần, gấp 5,4 lần quy mô vốn điều lệ. Đây là khoản mục thường phản ánh phần chênh lệch (thặng dư) giữa giá thực tế phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư và mệnh giá cổ phần của các doanh nghiệp. Tính ra, các nhà đầu tư mua cổ phần do CCI phát hành thêm trước đó đã phải trả ít nhất gấp 6,4 lần mệnh giá.
Ở một diễn biến khác, hồi tháng 6/2019, CCI đã phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm và không kèm chứng quyền. Lô trái phiếu này có lãi suất 11%/năm, kỳ hạn 18 tháng, dự kiến đáo hạn vào ngày 28/12/2020.
Việc phát hành trái phiếu khiến dư nợ vay của CCI tính đến cuối Quý 2/2019 tăng lên mức 459 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần quy mô vốn chủ sở hữu. Trong đó, có tới gần 80% dư nợ là các khoản vay tín chấp ngắn hạn từ các ngân hàng để tài trợ nguồn vốn lưu động.
Dù chưa phản ánh hết chu kỳ kinh doanh kéo dài 1 năm, nhưng báo cáo tài chính bán niên năm 2019 của CCI phần nào cho thấy vai trò của dòng tiền hoạt động tài chính đến từ các nhà băng.
Trong kỳ 6 tháng đầu năm 2019, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của CCI ghi nhận giá trị âm 4,1 tỷ đồng (6 tháng năm 2018 âm 92,9 tỷ đồng), bên cạnh đó là các khoản tiền chi mua sắm tài sản cố định tới cả chục tỷ đồng. Mặt khác, doanh nghiệp này cũng phải trả chi phí lãi vay lên tới 13,7 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019.
Nhắc lại rằng lô trái phiếu phát hành vào tháng 1/2020 vừa qua của CCI chỉ có kỳ hạn 1 năm. Kết hợp với lô trái phiếu phát hành hồi tháng 6/2019, có thể thấy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, CCI sẽ phải thực hiện tất toán 2 lô trái phiếu đến hạn.
Do đó, việc phát hành trái phiếu với quyền chuyển đổi thành cổ phần dường như là một giải pháp tối ưu, đảm bảo hài hòa lợi ích dành cho CCI và các trái chủ./.