Theo Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, máy bay trực thăng là phương tiện tham gia vào phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chủ trương, quan điểm mua trực thăng là cần thiết và hiện nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển đã đầu tư, tổ chức thực hiện. “Máy bay trực thăng không chỉ phục vụ mục đích chữa cháy, cứu nạn mà còn có tác dụng cứu chữa các nạn nhân ở các nơi khó khăn không thể đi bằng đường bộ, vùng sâu vùng xa hoặc trường hợp khẩn cấp cần cấp cứu” - ông Định cho biết.
Đối với Hà Nội, nhiệm vụ xây dựng đề án mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác PCCC, trong đó, có mua máy bay trực thăng đã được Chính phủ, Bộ Công an, UBND Thành phố giao tham mưu, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để sử dụng trực thăng chữa cháy cần nguồn lực rất lớn. “Hiện chúng ta chưa có điều kiện. Trước mắt, nếu có yêu cầu thì chúng tôi phối hợp với lực lượng máy bay trực thăng bên quân đội để làm nhiệm vụ” - ông Định nói.
Do đó, thời điểm hiện tại, việc trang bị trực thăng chữa cháy là chưa phù hợp. Theo dự kiến của đề án phải đến năm 2025, tầm nhìn 2030 mới bàn đến việc mua máy bay trực thăng chữa cháy, ông Định cho biết thêm.
Đước biết, đầu năm 2016, UBND TP.Hà Nội phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể cơ sở của lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đến năm 2025, định hướng năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, tổng quân số dự kiến của lực lượng PCCC khoảng 6.500 người. 58 vị trí với trên 285.000m2 đất được quy hoạch để xây dựng hệ thống cơ sở của lực lượng PCCC.
Cùng với đó là việc phát triển, mua sắm trang thiết bị, phương tiện để lực lượng phòng cháy chữa cháy thủ đô chính quy, tinh nhuệ. Trong giai đoạn 3 của đề án (năm 2026-2030), thành phố sẽ mua một máy bay trực thăng cứu nạn, cứu hộ và một máy bay chữa cháy.
Dự kiến, tổng kinh phí của đề án trên là 11.500 tỉ đồng.
Theo Lao Động