Mua sắm qua livestream bùng nổ, thị trường được định giá 512 tỉ USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Livestream bán hàng xuất phát từ mạng xã hội ở Trung Quốc, theo công ty nghiên cứu thị trường Coresight Research. Lĩnh vực này đã phát triển thành một thị trường trị giá 512 tỉ USD.

Một người đang chuẩn bị cho quá trình livestream bán hàng (ảnh: CNBC)
Một người đang chuẩn bị cho quá trình livestream bán hàng (ảnh: CNBC)

Năm ngoái, Anthony Velez, Giám đốc điều hành của Bagriculture, một doanh nghiệp nhỏ bán túi xách hàng hiệu đã qua sử dụng, đã kiếm được tới 100.000 USD mỗi tháng từ bảy cửa hàng truyền thống của mình ở Thành phố New York.

Năm nay, công việc kinh doanh đã khác nhiều: Velez đã đóng cửa tất cả các cửa hàng của mình, nhưng anh ấy lại kiếm được tới 100.000 USD mỗi ngày.

Velez nói với CNBC, bí quyết thành công của anh là đi sâu vào thế giới mua sắm trực tiếp.

Velez nói: “Tất cả các số liệu đều vượt trội hơn bất kỳ hình thức mua sắm nào khác mà tôi từng thấy trong suốt thời gian qua. Thậm chí, chúng tôi còn có thể phát trực tiếp trên ba đến bốn nền tảng cùng một lúc”.

Livestream bán hàng, hay còn được gọi là mua sắm qua video trực tiếp, xuất phát từ mạng xã hội ở Trung Quốc, và theo công ty nghiên cứu thị trường Coresight Research, lĩnh vực này đã phát triển thành một thị trường trị giá 512 tỉ USD.

Con số ước tính quy mô thị trường nói trên của Coresight Research có thể giải thích vì sao nhiều nền tảng lớn đang chạy đua để giành lấy thị phần ở Mỹ.

“Poshmark, eBay, TikTok. Tôi đã nhận được các cuộc điện thoại liên tục,” Velez nói.

Trong báo cáo hàng quý gần đây nhất của mình, Coresight Research, công ty chuyên theo dõi ngành thương mại điện tử phát trực tiếp trên toàn cầu, dự đoán rằng doanh số livestream của Mỹ sẽ đạt 32 tỉ USD vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Deborah Weinswig nói với CNBC rằng công ty đã sửa đổi dự báo đó.

Bà Weinswig cho biết ước tính ban đầu nói trên được đưa ra vào đầu năm nay và không tính đến một cách toàn diện thương vụ "gã khổng lồ" Internet của Hàn Quốc Naver thâu tóm nền tảng thương mại điện tử Poshmark. Thời điểm đó, TikTok Shops, một cách thức cho phép người dùng mua sản phẩm ngay trên ứng dụng TikTok mà không cần sang một cửa hàng trực tuyến khác, cũng đang dần có chỗ đứng.

Giờ đây, “chúng tôi tin rằng doanh số livestream bán hàng ở Mỹ có thể dễ dàng đạt 50 tỉ USD trong năm nay”, Weinswig nhận định. Công ty cũng ước tính doanh thu từ livestream sẽ chiếm hơn 5% tổng doanh thu thương mại điện tử ở Mỹ vào năm 2026.

TikTok, Poshmark và eBay chia sẻ với CNBC rằng đang thử nghiệm các dịch vụ livestream bán hàng.

Giám đốc sản phẩm của eBay, Eddie Garcia cho biết: “Chúng tôi thực sự lạc quan về sự phát triển của cách mua sắm mới này. “Bầu trời là hữu hạn… và chúng ta sẽ tiếp tục học hỏi. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư”.

Garcia cho biết họ hiện đang tập trung vào thời trang và đồ sưu tập, với kế hoạch mở rộng từ những mặt hàng này.

Garcia cho biết: “Chúng tôi có 134 triệu người mua trên toàn cầu, họ đang hào hứng và thực sự vui mừng khi tương tác với người bán theo cách mới này".

Trong khi đó, một người phát ngôn của Amazon cho biết hàng ngàn người sáng tạo nội dung đã phát trực tiếp thông qua nền tảng bán hàng livestream Amazon Live trong sự kiện Prime Day của Amazon vào tháng Bảy năm ngoái.

Santana, người có thể bán từ 500 đến 3.000 mặt hàng trong mỗi một lần livestream, nói với CNBC rằng cô đã kiếm được sáu con số chỉ trên nền tảng Amazon Live vào năm ngoái.

“Hoa hồng của tôi dao động từ 2% đến 20% – phụ thuộc vào danh mục hàng đang bán”, cô nói.

Trong khi hàng loạt ông lớn đang nhảy vào lĩnh vực livestream bán hàng, một gã khổng lồ truyền thông xã hội lại đang rút lui.

Người phát ngôn của Facebook và Instagram chia sẻ với CNBC qua email rằng công ty đã đưa ra “quyết định khó khăn” là chấm dứt hỗ trợ cho tính năng livestream bán hàng vào tháng 3.

Trước đây, Instagram cho phép các doanh nghiệp và người sáng tạo có thể gắn thẻ sản phẩm khi họ livestream trên nền tảng này, qua đó người xem có thể mua hoặc lưu các sản phẩm này.

“Các doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng tính năng livestream nhưng khả năng gắn thẻ sản phẩm sẽ không còn nữa. Điều này cho phép chúng tôi tập trung vào những trải nghiệm mang lại nhiều giá trị hơn cho mọi người và doanh nghiệp”, người phát ngôn của công ty cho biết.

Bà Weinswig của Coresight nhận định Meta đang “bỏ lỡ” thị trường đầy tiềm năng này.

“Gỡ bỏ dịch vụ này có thể khiến số lượng người dùng mới của Meta sẽ thua thiệt so với những nền tảng khác và điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh số quảng cáo của công ty", bà Weinswig nói.

Bà ước tính rằng các công ty đang nỗ lực phát triển các tính năng livestream bán hàng với mục tiêu ước tính lĩnh vực này sẽ chiếm tới 25% doanh thu.

Vậy ai sẽ có khả năng giành phần thắng trong cuộc chiến livestream bán hàng này? Bà Weinswig cho rằng TikTok là cái tên đầy tiềm năng, khi nền tảng này có cơ hội rất lớn ở Mỹ với 150 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và rất được lòng giới trẻ.

Lợi thế công nghệ của TikTok so với các đối thủ là nền tảng này có thể hướng người dùng đến những sản phẩm mà họ có thể muốn mua.

Bà Weinswig cũng lưu ý một điểm mạnh nữa của TikTok là nền tảng này đã tích hợp toàn bộ quá trình mua sắm cho người dùng trên ứng dụng này, tức người dùng vừa có thể xem livestream và mua hàng mà không cần rời khỏi ứng dụng.

Theo CNBC