ByteDance mới đây đã thử nghiệm một chatbot dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (LLM).
Dự án, với tên mã là “Grace”, là một “chatbot trí tuệ nhân tạo thử nghiệm vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và chỉ dành cho thử nghiệm nội bộ”, ByteDance cho biết.
Chatbot đã được xây dựng trong Feishu - nền tảng cộng tác doanh nghiệp của ByteDance, theo một người thử nghiệm giấu tên đã trải nghiệm dịch vụ này vào tháng trước. Người này cho biết, việc thử nghiệm chỉ dành cho một nhóm nhân viên được chọn trong thời điểm hiện tại.
Đây sẽ là lần thứ hai ByteDance cố gắng bắt kịp xu hướng AI trong bối cảnh các công ty trên toàn thế giới đang chạy đua cho ra mắt các sản phẩm giống như ChatGPT của OpenAI. Được biết, dịch vụ ChatGPT không thể sử dụng ở Trung Quốc.
Vào tháng 5, ByteDance đã tweet rằng họ đang “ở giai đoạn đầu” trong quá trình khám phá một chatbot có tên Tako, một công cụ hỗ trợ AI để trợ giúp tìm kiếm nội dung trên ứng dụng video ngắn nổi tiếng TikTok.
TikTok và ứng dụng trong nước Douyin, đã đạt được rất nhiều thành công nhờ các đề xuất thuật toán phổ biến, hướng người dùng đến những nội dung mà có thể họ muốn xem.
ByteDance đứng đằng sau các thuật toán AI cung cấp nội dung được tuyển chọn cho người dùng dựa trên sở thích và hoạt động của họ. Tất cả các sản phẩm chủ lực công ty, bao gồm cả công cụ tổng hợp tin tức Jinri Toutiao, đều sử dụng hệ thống đề xuất do AI cung cấp độc quyền này.
Công ty cũng áp dụng AI để tối ưu hóa video, phát triển các bộ lọc và hiệu ứng đặc biệt để giải trí cho người dùng video ngắn.
Baidu là công ty Internet lớn đầu tiên ở Trung Quốc ra mắt dịch vụ tương tự như ChatGPT, có tên là Ernie Bot, vào tháng 3. Alibaba, chủ sở hữu của South China Morning Post, cũng đã tung ra Tongyi Qianwen vào tháng 4. Các công ty khác, chẳng hạn như nhà phát triển AI SenseTime và nhà phát triển nhận dạng giọng nói iFlyTek, cũng đã tham gia vào cuộc đua đầy cạnh tranh này.
Theo SCMP