Ngày 26/6, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã tới thăm bà con và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ ở Lai Châu. Cùng đi với Đoàn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ những khó khăn, mất mát của chính quyền và nhân dân các dân tộc địa phương, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt thiên tai vừa qua. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị chết, mất tích.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay mới là đầu mùa mưa lũ, thời gian tới, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường, để nhanh chóng khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai đề nghị các bộ, ngành Trung ương phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Lai Châu và các địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Theo thống kê mới nhất của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, mưa lũ tại địa phương gây ra ước thiệt hại gần 300 tỷ đồng. Hiện nay, địa phương đã có 31 người bị chết, mất tích và bị thương; gần 300 nhà ở của dân bị đất đá sạt lở gây hư hỏng một phần; trên 600ha lúa, ngô, hoa màu khác bị ngập úng, vùi lấp hoặc lũ cuốn trôi… 68 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt; 45 trạm biến áp bị ảnh hưởng gây mất điện tại 10 xã.Hệ thống cầu cống, đường xá bị hư hỏng nặng, các tuyến quốc lộ chính mặc dù đã thông, song việc thông xe cũng chỉ tạm thời theo thời điểm nhất định. Các đường tỉnh lộ, liên xã nhiều tuyến hư hỏng nặng vẫn đang được khắc phục.
Một số hình ảnh về sự tàn phá khủng khiếp của mưa lũ:
Hiện nay trên địa bàn vẫn còn có mưa, nước lũ nơi thượng nguồn đổ về gây khó khăn cho công tác khắc phục và tìm kiếm người bị nạn.
|
Đợt mưa lũ lịch sử gây thiệt hại trên địa bàn tỉnh Lai Châu bắt đầu từ đêm ngày 246 và tâm điểm là trận lũ lịch sử xảy ra vào lúc 8 giờ sáng cùng ngày trên suối Chu Va, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường.
|
Hiện nay thiệt hại được ghi nhận tại toàn bộ 8 huyện, thành phố, trong đó trọng tâm là các huyện Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Mường Tè.
|
Tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên bản, liên xã bị sạt lở, với khối lượng đất đá hơn 1,7 triệu mét khối, gây chia cắt giao thông cho nhiều địa phương
|
Nhiều tuyến đường trở thành những dòng sông bùn, với đất đá lởm chởm.
|
Gần chục cây cầu treo, cầu bê tông bị lũ cuốn trôi, hư hỏng.
|
Trong đó tuyến đường quốc lộ 4D bị thiệt hại nặng nhất, gây chia cắt giao thông giữa tỉnh Lai Châu và tỉnh Lào Cai gần 3 ngày.
|
Nhiều công trình công cộng, tài sản, phương tiện của người dân bị hư hỏng
|
Đến 16 giờ chiều 26/6/2018, số nạn nhân bị thiệt mạng và mất tích ở Lai Châu đã tăng lên 31 người, tập trung ở các huyện Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn, Tân Uyên, Than Uyên và Tam Đường. Trong đó huyện Sìn Hồ là địa phương có số người chết và mất tích nhiều nhất, với 17 người và hiện nay vẫn còn 7 người chưa tìm thấy thi thể. Nguyên nhân chủ yếu là do sạt lở đất và bất cẩn bị lũ cuốn trôi. |