VietTimes trân trọng giới thiệu góc nhìn của bà Lê Mai Anh - người đã có hơn 12 năm làm Giám đốc truyền thông tại khu vực của Hãng tin Reuters, phụ trách các thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Phillipines. Hiện bà Lê Mai Anh giữ cương vị Trưởng Đại diện của Hãng PRNewswire tại Việt Nam.
Ảo hay Thật?
Nếu như trước đây người ta vẫn cho rằng mạng xã hội (MXH) là những gì là vui đùa, là giải trí là những câu chuyện phiếm thì nay quan điểm này đã khác. Bản thân tôi nghĩ rằng không phải đơn giản người ta nghĩ ra một nền tảng có thể kết nối gần 50% dân số trên khắp hành tinh này lại với nhau.
Một nghiên cứu gần đây đã từng chỉ ra, Việt Nam đứng thứ 7 về số lượng người sử dụng Facebook trên thế giới. Đứng đầu danh sách này là Ấn Độ và Mỹ - theo báo cáo của Hootsuite và We Are Social. Với không gian số mọi liên kết có thể gần đến mức không tưởng. Bạn làm việc tại nhà nhưng vẫn có thể kết nối với mọi nguồn thông tin, mọi hoạt động diễn biến tức thì như hiện hữu trước mắt bạn.
Đặc biệt trong những tháng vừa qua với sự ảnh hưởng không ngờ và cũng không lường trước của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới, chúng ta lại không thể phủ nhận những giá tri thật mà không gian ảo mang đến cho chúng ta. Hội thảo trực tuyến, triển lãm ảo, gian hàng ảo, giám sát nhân sự ảo… nhưng kết quả lại mang đến là thật. Chính sự giãn cách XH này là phép thử rõ ràng cho việc sử dụng không gian ảo (virtual) để mang đến kết quả thật.
Cá nhân tôi thì thấy việc chúng ta sử dụng khai thác MXH nói riêng hay các không gian số nói chung hoàn toàn có thể mang lại những tác động tích cực giải quyết các bài toán nào đó mà thực tế chưa thể cho phép.
Ngày nay, chỉ bằng một câu Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có thể làm sàn chứng khoán Mỹ đảo chiều. Thâm chí chỉ bằng một lời chia sẻ tại sân bay San Francisco cho một chuyến bay thẳng đặc biệt từ Mỹ về Việt Nam mà chúng ta có thể hân hoan tự hào chia sẻ lại như một lời động viên khích lệ trong thời gian đương đầu với đại dịch COVID-19; Hoặc như lời chia sẻ cảm ơn của một vị lãnh đạo gửi tới một cô ca sĩ khi có những hành động tích cực quảng bá du lịch địa phương trên Facebook.
Thế mới hay, ảo hay thật nó hoàn toàn tùy thuộc vào cách chúng ta khai thác sử dụng chúng.
MXH và những áp lực với báo chí chính thống
Không ngoại trừ vấn nạn tin giả ngày càng nhiều xuất phát từ MXH. Bất cứ ai cũng có thể trở thành một “nhà báo” công dân (citizen reporter). Thực tế này không hiếm, ngay cả các đơn vị báo chí chính thống hay các hãng thông tấn nước ngoài như Reuters, CNN, AFP,… Họ cũng đón nhận những thông tin này. Họ hoàn toàn chấp nhận và trả tiền bản quyền cho những thông tin, hình ảnh mà mỗi người dân có thể ghi lại và truyền tải đến tòa soạn. Nội dung này họ gọi là các UGC – User Generated Content.
Trong cuộc đua gay gắt về thông tin, báo chí chính thống có cơ hội khẳng định vị thế, xác nhận nguồn tin, giám sát thông tin và đào sâu hơn nữa giá tri mà thông tin đó mang lại.
|
Có thể thấy các đơn vị báo chí chính thống khó lòng có thể cạnh tranh về mặt tốc độ đối với các thông tin trên MXH. Tuy nhiên chính do bản chất của việc đưa thông tin dễ dàng, nhanh chóng nó dẫn đến việc thông tin bị sai lệch, tam sao thất bản.
Đây cũng là điều mà MXH tạo nên sự nhiễu động thông tin không hề nhẹ, nhưng qua đó Báo chí chính thống lại càng có cơ hội khẳng định vị thế, xác nhận nguồn tin, giám sát thông tin và đào sâu hơn nữa giá tri mà thông tin đó mang lại. MXH không thực hiện được vai trò này.
Trong một so sánh về mức độ tin cậy thông tin được thực hiện bởi Reuters năm 2020 (bảng trên), 38% nói rằng hầu hết họ tin tưởng các tin tức nói chung – 4% so với năm 2019. Chưa đến một nửa (46%) nói rằng họ tin tưởng vào tin tức mà chính họ sử dụng và tất nhiên mức độ tin tưởng thông tin đến từ kênh MXH vẫn là thấp nhất chiếm 22%
Thói quen chết người - nói một hiểu mười
Nếu như ở phần trước xác định được tính chính xác của thông tin là vai trò của Báo chí thì ở phần này MXH lại cho thấy một lát cắt khác trong bức tranh chân thực của cuộc sống.
Tôi vẫn khá tâm đắc với câu nói: “Buy rumors, sell facts” - có thể hiểu là “mua lời đồn, bán thực tại”. Tại sao phần lớn cộng đồng mạng lại quan tâm đến nội dung trên MXH đến vậy, cũng bởi lẽ có những điều mà chỉ có MXH mới có thể thông tin mang hàm ý “nói một hiểu mười”.
Suy nghĩ ấy cũng không ngoa, bởi thực tế cho thấy, nếu hôm nay một vài trạm xăng hạn chế bán thì ngày mai nhiều khả năng sẽ tăng giá xăng; hay vài dòng trạng thái bâng quơ nói chuyện nhân sự, “củi lửa” đăng lên là sẽ có nhiều ý kiến đồn đoán, tranh luận trên MXH.
Tất nhiên những đồn đoán, ý kiến tranh luận ấy có thể đúng, có thể sai, nhưng cá nhân tôi thấy khá thú vị khi quan sát những thực tế này và tự tìm cho mình câu trả lời sau đó vài giờ hay vài ngày.
Thực tế này có lẽ không riêng ở Việt Nam. Điều đó cũng lý giải tại sao trong báo cáo mới nhất từ Reuters Digital Report 2020, tính bình quân trong 12 nước (Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Ai Len, Đan Mạch, Phần Lan, Úc, Nhật và Brazil) từ 2014-2020 thì tỷ lệ người dùng đọc tin tức trên các kênh MXH rất nhiều và cao nhất là Facebook 36%, kế đến là YouTube 21% và WhatsApp là 16%.
Sự kết nối hay mối quan hệ?
Cũng với không gian mạng, mối liên kết giữa con người và con người trở nên dễ dàng hơn (phạm vị địa lý). Chúng ta có thể dễ dàng kết nối với bạn bè bốn phương, bất chấp giới hạn về lãnh thổ địa lý, không gian và thời gian. Chúng ta có thể dễ dàng tương tác, nói chuyện và thực hiện giao dịch.
Ảnh minh họa: BBC
|
Điều này là một lợi thế tuy nhiên xin nhấn mạnh đừng quên rằng chúng ta mới chỉ có sự kết nối (connections) chứ không phải là một mối quan hệ (relations). Thực tế, để từ các connections đó đi được lâu dài với nhau thì hơn ai hết chúng ta phải biến các kết nối ảo đó (virtual connections) đó thành các mối quan hệ thực tế bên ngoài. Nếu không thay vì đồng hành với nhau trong cuộc sống, công việc, gia đình thì mỗi cá nhân trong không gian mạng chỉ có thể tương tác với nhau qua từng nút phím máy tính mà thôi. Tại sao tôi lại đề cập với các bạn điều này vì bản thân tôi cũng đã từng vướng vào vấn đề này và may mắn nhận ra được điều đó.
Một bài báo, một câu dẫn, một lời chia sẻ xin nhắc lại chỉ là một lát cắt của một quá trình chứ không phải cả quá trình cố gắng. Tuy nhiên, đứng từ góc độ tiếp nhận thông tin của một bộ phận các bạn trẻ thì họ thường cho rằng những gì thể hiện trên báo chí hay MXH là kết quả tuyệt vời mà chẳng cần nỗ lực nào.
Khác với suy nghĩ của nhiều bạn trẻ, rằng các ca sĩ, người mẫu, người nổi tiếng, những người có tầm ảnh hưởng (KOLs/ Influencers) là những người nghiện “cõi mạng”. Thực ra, họ chắc chắn vẫn lao động cần mẫn và miệt mài để có được các giá trị hiện hữu (giá trị thật bên ngoài) và chuyển đổi các giá trị đó lên trên không gian mạng để lan tỏa nhanh hơn, rộng hơn. Bằng thái độ tôn trọng và cầu thị thì nên nhìn nhận những thành công trên MXH phải được tổng hợp và hình thành từ cuộc sống thật vì như vậy thì nó mới lâu dài và bền vững.
Thay cho lời kết, việc sử dụng không gian mạng mà cụ thể là MXH mang lại tác động tích cực hay tiêu cực hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi chúng ta những người dùng có trách nhiệm. Chủ động trong việc tìm kiếm các thông tin nhưng cũng cần phải sàng lọc và cân nhắc trước mỗi luồng thông tin. Có như vậy cái “ảo” mới mang lại giá trị thật. Cái “thật” mới có thể lan tỏa nhanh và rộng trên thế giới “ảo”. Dù ảo hay thật thì vẫn luôn cần học tập và làm việc cần mẫn miệt mài.