'Mùa đông crypto' làm chùn bước các quỹ đầu cơ: Đừng nhầm!

VietTimes – Các nhà đầu tư tổ chức đặc biệt quan tâm tới lợi ích dài hạn khi tham gia đầu tư vào tài sản số, bất chấp những biến động trong ngắn hạn của các loại tài sản này. 

'Mùa đông crypto' là thuật ngữ chỉ giai đoạn ảm đạm của thị trường tiền mã hoá, khi giá các đồng coin liên tục sụt giảm và khó phục hồi trong thời gian dài.

Thuật ngữ này càng được nhắc tới nhiều hơn sau hàng loạt vụ phá sản của các 'tay chơi' đình đám trong lĩnh vực này, kể như Three Arrows Capital, Terra.

Nhưng một báo cáo thường niên của PwC về quỹ phòng hộ tiền mã hoá toàn cầu (Annual Global Crypto Hedge Fund Report 2022) công bố hồi tháng 6/2022 cho thấy, ngay cả khi tài sản số đang chứng kiến nhiều biến động, các quỹ đầu cơ tiền mã hoá cũng 'sinh sôi nảy nở' với tốc độ ngày càng nhanh, ước tính có hơn 300 quỹ đầu cơ đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Đâu là nguyên nhân khiến các tổ chức vẫn muốn đầu tư vào tài sản số (?!).

VietTimes xin gửi tới độc giả quan điểm của Franz Bergmueller - Giám đốc điều hành của ngân hàng kỹ thuật số SEBA Bank - được đăng tải trên Barron's về nội dung này.

'Mùa đông crypto' làm chùn bước các quỹ đầu cơ: Đừng nhầm!

Các tài sản số đang ở một điểm uốn. Sự tham gia của các tổ chức vào lớp tài sản này đang đạt đến mức độ chưa từng có tiền lệ. Diễn biến này có thể được coi là lạ lùng nếu như nhìn vào đà giảm của thị trường tiền mã hóa mà chúng ta đã chứng kiến, dù thị trường giá xuống không giống bất cứ thị trường nào khác mà chúng ta từng thấy trước đây.

Các tay chơi tổ chức hiện đang nhìn vào lợi ích dài hạn khi tham gia đầu tư vào tài sản số, bất chấp sự dễ đổ vỡ trong ngắn hạn.

Trong mùa Hè năm nay, hàng loạt các hãng quản lý tài sản hàng đầu bao gồm Abrdn, Blackrock và Charles Schwab đã đầu tư vào tài sản số. Những diễn biến này đại diện cho một xu hướng rộng hơn, với hàng loạt kiểu nhà đầu tư tìm cách tiếp cận lĩnh vực này. Theo một báo cáo mà PwC công bố đầu năm nay, hơn 1/3 các quỹ bảo hộ truyền thống giờ đầu tư vào tài sản số, tăng gần gấp đôi so với trước đó một năm.

Năm nay cũng là thời điểm mà người ta chứng kiến sự sụp đổ của một số công ty tài chính tập trung, được gọi tắt là CeFi. Phần lớn các công ty tài chính này chịu rất ít sự quản lý, nếu không muốn nói là không hề chịu sự quản lý nào.

Những nền tảng hàng đầu như Celsius, Voyager và Vauld đều tuyên bố phá sản trong khi không rõ điều gì sẽ xảy ra với tài sản của khách hàng. Các nhà đầu tư muốn tham gia vào lĩnh vực này giờ đang muốn có sự minh bạch, sự đảm bảo tài sản và bảo vệ tiền gửi của họ.

Dù hiểu rằng đây là lớp tài sản dễ đổ vỡ, nhưng nhu cầu vẫn có. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này cần phải giải quyết được một số vấn đề quan ngại chủ chốt để các nhà đầu tư tổ chức có lòng tin khi tham gia và mở khóa cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.

Chúng ta có thể bắt đầu từ bài học về CeFi. Sự sụp đổ của một số nền tảng CeFi là lời cảnh báo nghiêm túc đối với giới đầu tư.

Mặc dù những nền tảng này bắt chước các ngân hàng truyền thống – nhưng dựa trên nền tảng blockchain – sự thiếu quản lý hay quy định đối với hoạt động của họ khiến cho mô hình kinh doanh này trở nên không bền vững. Cứ mỗi khi thị trường có dấu hiệu bất ổn, mô hình này lại gặp vấn đề, và có một điều rõ ràng là một số nền tảng không có đủ tiền ký gửi để hỗ trợ cho hoạt động rút tiền của khách hàng.

Sự thất bại của những nền tảng này là lời cảnh báo rằng, cần phải có một bộ quy định để các tay chơi tổ chức tham gia vào lĩnh vực tài sản số với quy mô lớn.

Các hãng quản lý tài sản lớn nhất thế giới không tham gia chắc chắn sẽ không tham gia vào các thị trường không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về tài chính, hay không được quản lý một cách hiệu quả. Để khuyến khích những công ty như vậy tham gia lĩnh vực tài sản số, các cơ quan hữu quan cần phải thiết lập những yêu cầu về vốn và thanh khoản. Họ cần phải áp dụng các biện pháp bảo vệ tiền gửi tiêu chuẩn để phục vụ các nhà đầu tư và kiểm soát chúng một cách hiệu quả.

Nhiều nhà đầu tư đến giờ vẫn chưa nhận lại được tiền mà họ từng ký gửi cho các nền tảng CeFi đã phá sản. Do thiếu sót trong khung pháp lý và quy định đối với tài sản số mà vẫn chưa rõ đến bao giờ các nhà đầu tư này mới lấy lại được tiền gửi, hoặc nếu có thì sẽ nhận lại được bao nhiêu. Nhà chức trách cần phải giải quyết những vấn đề này.

Chính phủ một số nước đã bắt đầu có động thái đầu tiên đối với tài sản số: Thụy Sĩ và Singapore đưa ra 2 khung làm việc được cho là đầy đủ nhất, đưa ra những quy định rõ ràng đối với các bên tham gia vào lĩnh vực này. Nhiều nước khác cũng đã bắt đầu quy trình này, với mong muốn mở khóa đà tăng trưởng và sự sáng tạo trong lĩnh vực tài sản số.

Trong tháng 6, EU đã nhất trí thông qua một bộ luật quản lý về tài sản số. Bộ luật này, “Marjets in Crypto Assets” (MiCa), đưa ra các quy định chung về tài sản và cơ sở hạ tầng số áp dụng với 27 nước thành viên, và trao quyền lực cho Cơ quan Chứng khoán và Thị trường châu Âu áp lệnh cấm hoặc hạn chế hoạt động những nền tảng tiền mã hóa không có đủ biện pháp bảo vệ nhà đầu tư. Bộ luật này sẽ đảm bảo rằng, những tay chơi tổ chức lớn có thể tự tin đầu tư vào lĩnh vực tài sản số.

Các trung tâm tài chính hàng đầu khác cũng đang quan sát kỹ lưỡng kế hoạch của EU.

Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden về tiền mã hóa đã gây sức ép để các cơ quan quản lý của Mỹ phối hợp phát triển một khung làm việc toàn diện đối với lớp tài sản này.

Tương tự, Anh đã tuyên bố kế hoạch trở thành một trung tâm tài sản số toàn cầu, trong đó Bộ Tài chính nước này cho hay sẽ phát triển một bộ khung quản lý và sớm công bố “khuôn khổ cơ sở hạ tầng thị trường tài chính” để tạo điều kiện cho các công ty sáng tạo trong lĩnh vực này.

Các nước trên thế giới có thể phối hợp với nhau để đưa ra các bộ quy tắc tốt hơn. Làm như vậy sẽ tránh được việc gây ra sự xung đột trong cơ sở hạ tầng tài chính. Các quy định mới cũng nên tính đến tác động từ các vụ CeFi phá sản và yêu cầu tính minh bạch cao hơn, những yêu cầu khắt khe hơn về vốn và thanh khoản đối với các bên tham gia.

Mảnh ghép cuối cùng chính là an ninh. Hơn 2,4 tỉ USD trong ngành công nghiệp tiền mã hóa đã bị đánh cắp trong các vụ hack tính từ tháng 1 năm nay. Các nhà đầu tư cần có cơ sở hạ tầng ở cấp độ tổ chức để giảm thiểu rủi ro đối với tài sản của họ.

Đã có nhiều cuộc tranh luận tập trung vào tính hợp pháp của những công nghệ quản lý đặc biệt dành cho các tổ chức. Các nhà đầu tư nên nhìn xa hơn công nghệ khi đánh giá các bên đối tác. Báo cáo độc lập thường xuyên về các giải pháp giám hộ nên được xem như một yêu cầu thiết yếu về mặt an ninh, trong khi việc bảo vệ tiền gửi cũng sẽ giúp cho quá trình hoàn trả tài sản cho khách hàng trong trường hợp xảy ra vấn đề.

Như đã thấy từ sự sụp đổ của CeFi, các nhà quản lý cũng cần phải yêu cầu các công ty tham gia tách riêng tài sản trong bản cân đối kế toán của họ. Tài sản của các nhà đầu tư sử dụng đối tác mà không tách riêng sẽ chịu nguy cơ bị mất trắng trong trường hợp sụp đổ tài chính.

Rõ ràng là sự tham gia của các tổ chức vào lĩnh vực tài sản số đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.

Những bước đi đầu tiên nhằm phát triển bộ quy định rõ ràng, cùng sự sẵn có của cơ sở hạ tầng cấp độ tổ chức, đang khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này với lòng tin lớn hơn.

Tài sản số cùng với cơ sở hạ tầng liên quan sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai của dịch vụ tài chính. Trong lúc các tổ chức đang dần chấp nhận lĩnh vực này, giới đầu tư cũng muốn đảm bảo rằng họ không bị bỏ lại phía sau./.

Theo Barron's