Mua cổ phiếu nào khi lạm phát tăng cao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhiều doanh nghiệp vẫn có thể tận dụng được các cơ hội khi giá cả gia tăng, thậm chí doanh thu vẫn tăng trưởng tốt, đặc biệt trong ngành điện, nước, lương thực.
Các chuyên gia chia sẻ tại buổi Talk show Phố Tài chính tối ngày 13/6

Các chuyên gia chia sẻ tại buổi Talk show Phố Tài chính tối ngày 13/6

Trao đổi tại Talk show Phố Tài chính tối ngày 13/6, ông Trần Thăng Long – Giám đốc phân tích CTCK BIDV (BSC) – cho hay, nhiều doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng lớn khi giá xăng dầu, than đá tăng mạnh.

“Giá dầu tăng 60% so với năm ngoái, giá than đá tăng 2-3 lần so với mọi năm, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi hoạt động kinh tế. Những doanh nghiệp không liên quan trực tiếp đến nhóm hàng này cũng chịu ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển gia tăng.

Ngoài ra, các mặt hàng phái sinh khác như năng lượng, chất dẻo, hóa chất cũng tăng mạnh, ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của nhiều doanh nghiệp. Sức cầu của người tiêu dùng giảm đi đáng kể”, ông Long nói.

Giám đốc phân tích BSC đánh giá, Việt Nam có một nền kinh tế mở đối với thương mại và hội nhập quốc tế nên sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những biến động lớn của giá cả hàng hóa thế giới, nhất là những mặt hàng cơ bản như năng lượng, hóa chất, chất dẻo.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng áp lực lạm phát ở Việt Nam không lớn so với các quốc gia ở Châu Âu và Mỹ, do vẫn chủ động được nhiều nguồn nguyên liệu như lương thực, thực phẩm. Do đó, những điều chỉnh về chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ thấp hơn và ảnh hưởng về giá trị đầu tư của nhà đầu tư là không nhiều.

Đồng quan điểm, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội – cho rằng, lạm phát gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế thị trường. Các vấn đề như tài chính, cho vay, vận chuyển cũng bị gia tăng, từ đó ảnh hưởng đến chuỗi giá trị cung ứng trong khu vực và toàn cầu.

Đối với nhà đầu tư, ông Trần Thăng Long cho rằng, lạm phát tăng cao chưa chắc đã là không tốt cho việc đầu tư bởi nhiều doanh nghiệp đang tận dụng được các cơ hội khi giá cả gia tăng, thậm chí doanh thu vẫn tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, chuyên gia của BSC lưu ý rằng, lạm phát gia tăng cũng là giai đoạn nhạy cảm đối với nhiều thị trường tài chính khác nhau nên nhà đầu tư cần đánh giá lại chiến lược đầu tư phù hợp. Một số nhóm ngành được ông Long đánh giá sẽ hưởng lợi khi lạm phát tăng như điện, nước, lương thực…

Ông Mạc Quốc Anh bổ sung thêm một số lĩnh vực đáng chú ý khác như công nghệ thông tin, phần mềm, dịch vụ du lịch, dệt may và da giày – đều là những ngành kinh doanh chủ lực của nền kinh tế Việt Nam hiện nay./.