Không cần thẻ BHYT giấy từ 2021
Năm 2021, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có công văn hướng dẫn: Từ 1/6/2021, người dân không cần phải mang thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) giấy khi đi khám, chữa bệnh nếu có ứng dụng VssID. Cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng đầu đọc để quét QR-Code hoặc ghi trực tiếp số thẻ BHYT trên ứng dụng Vss-ID (trường hợp cơ sở không có đầu đọc).
Năm 2021 và 2022, Bộ Y tế cũng đã có công văn chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện theo hướng dẫn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế, tại một số bệnh viện ở Hà Nội, bệnh nhân đi khám, chữa bệnh đã xuất trình căn cước công dân gắn chip hoặc xuất trình hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam, hoặc trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an, nhưng bệnh viện vẫn không giải quyết hưởng chế độ BHYT, mà yêu cầu người bệnh phải về mang thẻ BHYT giấy để làm thủ tục KCB BHYT.
Điều này gây phiền hà cho người dân. Vì thế, Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội đã có công văn gửi Bộ Y tế phản ánh về vấn đề này.
Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh khi đi khám, chữa bệnh BHYT, cuối tuần qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị khám chữa bệnh chấn chỉnh các khoa, phòng, các nhân viên y tế để xảy ra tình trạng nêu trên, đồng thời, giải quyết chế độ BHYT khi người bệnh khi đi khám, chữa bệnh BHYT xuất trình căn cước công dân gắn chip hoặc xuất trình hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam hoặc trên ứng dụng VNelD của Bộ Công an theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị rà soát, chấn chỉnh kịp thời các cơ sở y tế, cá nhân thuộc quyền quản lý còn để xảy ra tình trạng chậm gửi dữ liệu, hạn chế thấp nhất việc phải gửi đề nghị thay thế, làm ảnh hưởng đến công tác giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT của cơ quan BHXH; tuân thủ việc gửi dữ liệu điện tử chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo quy định trong quản lý và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, chuẩn bị nguồn lực (phần cứng, phần mềm) để triển khai ký số file XML xác thực dữ liệu điện tử chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo Thông tư số 48/2017/TT-BYT trước khi gửi dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu thuộc Hệ thống thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Việt Nam. Cơ sở KCB sử dụng chứng thư số đã được cấp của cơ quan, đơn vị để ký số, xác thực dữ liệu XML theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam.
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hiện 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT đã triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip, đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân. Do đó, người dân không cần mang thẻ BHYT giấy khi đi khám, chữa bệnh.
Hiện có hơn 68,5 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân thành công phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT.
Trẻ em có phải mang thẻ BHYT?
Trẻ em được tham gia BHYT miễn phí từ khi sinh ra cho đến khi 6 tuổi. Để trẻ được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh BHYT miễn phí tại các bệnh viện công, bố mẹ cần làm hồ sơ cấp thẻ BHYT cho trẻ.
Trong Thông tư liên tịch của Bộ Y tế, Bộ Tài chính thì trẻ em dưới 6 tuổi đến khám, chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Trường hợp không xuất trình thẻ BHYT vẫn được hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT nhưng phải xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở y tế và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định...”.
Như vậy, nếu cha mẹ chưa làm thủ tục xin cấp thẻ BHYT cho con nhưng xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh của bé để chứng minh bé dưới 6 tuổi, vẫn được hưởng quyền lợi như những trẻ có thẻ và xuất trình được thẻ BHYT.
Việc thanh toán chi phí cho trẻ dưới 6 tuổi không có thẻ BHYT được căn cứ vào Nghị định 146/2018/NĐ-CP: Trẻ dưới 6 tuổi chưa có thẻ BHYT thì cơ sở khám, chữa bệnh tổng hợp danh sách và chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo phạm vi được hưởng và mức hưởng gửi cơ quan BHXH thanh toán theo quy định.
Vì thế, trẻ dưới 6 tuổi không có thẻ BHYT thì khi khám, chữa bệnh vẫn được Nhà nước hỗ trợ chi phí khi thanh toán.
Mức hỗ trợ phụ thuộc vào việc trẻ được khám, chữa bệnh đúng tuyến hay trái tuyến: Được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh nếu trẻ đi khám thông tuyến theo quy định; được hưởng 60% chi phí điều trị nội trú nếu trái tuyến tỉnh; được hưởng 40% chi phí điều trị nội trú nếu trái tuyến trung ương.