|
TS Nguyễn Đức Khương (thứ 2 từ trái sang). Ảnh: Đại Đoàn Kết |
Danh sách danh giá này được chọn ra từ 20.490 nhà kinh tế có bất cứ thể loại xuất bản nào trong vòng 10 năm trở lại đây tính tới tháng 12 năm 2014.
Đứng thứ 12 trong danh sách là Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương. Ông Khương có bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành Tài chính của ĐH Grenoble II (Pháp) và được cấp phép giám sát nghiên cứu tiến sĩ ngành Khoa học quản lý vào tháng 6/2009. Ông cũng hoàn thành chương trình “Lãnh đạo Phát triển” tại ĐH Harvard và Trường Quản lý giáo dục John F.Kennedy vào năm 2013.
Tháng Giêng năm 2013, ông làm việc tại Trường Kinh doanh IPAG với tư cách giảng viên Tài chính kiêm Phó giám đốc nghiên cứu. Trước khi tham gia Trường Kinh doanh IPAG, ông là giảng viên Tài chính và Chủ nhiệm khoa Tài chính và Hệ thống thông tin tại Trường Quản lý ISC Paris (2006-2012). TS. Nguyễn Đức Khương cũng từng là trợ giảng Tài chính tại Trường Kinh doanh EM Lyon (2003-2005) và tại Viện Kinh doanh Grenoble Graduate (2005-2006).
Ông Khương hiện cũng đang là trợ lý nghiên cứu tại ĐH Paris 1 Panthéon-Sorbonne.
Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là thị trường tài chính mới nổi, tài chính năng lượng, mô hình biến động và quản lý rủi ro ở các thị trường vốn quốc tế. Ông có nhiều bài viết đăng trên nhiều tạp chí chuyên ngành như Applied Economics, Economic Modelling, Emerging Markets Review, Energy Economics…
Được biết, ông Nguyễn Đức Khương sinh ra và lớn lên tại Sóc Sơn, Hà Nội. Ông cũng thường xuyên tổ chức và tham gia các hoạt động nghiên cứu, hội thảo, giảng dạy tại Việt Nam.
Ông là chủ tịch Hội các nhà khoa học và chuyên gia người Việt tại Pháp (2011-2016), từng là chủ tịch Hội Tài chính quốc tế Việt Nam (2012-2014) và hiện đang là tổng thư ký của hội này. Ngoài ra, ông cũng là thành viên ban quản trị Hội Tài chính châu Á (2014-2016).
Dự án nghiên cứu kinh tế học RePEc (Research Papers in Economics) là nỗ lực hợp tác của hàng trăm tình nguyện viên tới từ 82 quốc gia trên thế giới nhằm tăng cường phổ biến nghiên cứu về kinh tế học và các ngành khoa học liên quan. Các tài liệu, sách báo và phần mềm được thu thập và duy trì bởi các tình nguyện viên được phục vụ cho nhiều mục đích nghiên cứu khác nhau. Cho tới nay, đã có hơn 1.750 tài liệu lưu trữ đóng góp trong khoảng 1,7 triệu nghiên cứu. |
Theo: VietnamNet