Không đeo khẩu trang thì không check-in
“Một người nhiễm buộc phải cách ly khoảng 280 người. Cho nên, cần kiểm soát chặt từ các cửa khẩu, yêu cầu thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Chỉ có cách đó, chúng ta mới có thể khoanh vùng dịch” – Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh các nội dung này tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM chiều tối hôm qua 16/3.
Với đối tượng khách đi máy bay, đi tàu, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp không cho check-in nếu không đeo khẩu trang.
Nhưng đối tượng người nước ngoài, theo quan sát của phóng viên VietTimes, bao gồm cả khách du lịch và công dân nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam, vẫn còn rất nhiều người chưa chịu tuân thủ quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi xuất hiện ở nơi công cộng như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Ngoại giao Việt Nam, và mới nhất là chỉ đạo từ Lãnh đạo TP.HCM.
Khách Việt đến các trung tâm thương mại lớn tại TP.HCM đều đeo khẩu trang
|
Người dân tuân thủ đeo khẩu trang khi đến Saigon Centre
|
Nhưng một số người nước ngoài thì vẫn chưa chịu đeo khẩu trang khi đến trung tâm thành phố
|
Một số người nước ngoài xuất hiện ở Bưu điện Trung tâm vẫn chưa chịu đeo khẩu trang
|
Vẫn còn khách du lịch quốc tế chưa chịu đeo khẩu trang khi đi ra nơi công cộng
|
Trong khi đa số người Việt đã chấp hành nghiêm quy định về việc đeo khẩu trang tại nơi làm việc và xuất hiện trong các không gian công cộng, thì nhiều du khách quốc tế và người nước ngoài đi siêu thị, đến không gian công cộng ở Việt Nam vẫn chưa chịu đeo khẩu trang, dù nhiều loại khẩu trang được bày bán ngay bên ngoài các điểm tham quan, với giá hợp lý.
Ai muốn bị cách ly khỏi cộng đồng?
Tình hình dịch bệnh càng lúc càng diễn biến phức tạp, với tổng số ca mắc và thiệt mạng trên toàn thế giới đã vượt Trung Quốc, dịch rất nóng ở châu Âu, đặc biệt là các nước Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Anh… đều tăng rất nhanh cả ca mắc lẫn số tử vong.
Tình hình tại Việt Nam cũng nhiều diễn biến mới với càng lúc càng nhiều số ca mắc được phát hiện, chủ yếu là từ nước ngoài về, kéo theo đó là gần 30.000 trường hợp tiếp xúc gần buộc phải có biện pháp cách ly tại nơi cư trú, gây căng thẳng cho cơ quan chức năng và tâm lý hoang mang, lo lắng trong người dân.
Chỉ một khu phố, một phường bị cách ly đã là vài trăm hộ dân sợ hãi, chỉ một khu chung cư phải phong tỏa nghĩa là hàng ngàn con người bị ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống.
“Các khu cách ly của TP.HCM được phân bổ tại nhiều quận, với quy mô lớn, đáp ứng các kịch bản ứng phó theo từng quy mô và diễn biến của dịch bệnh. Số giường bệnh điều trị cách ly cho bệnh nhân COVID-19 cũng đã sẵn sàng 1.600 giường” – Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết.
Tuy nhiên, sẽ chẳng ai muốn hình dung tới cảnh phải sử dụng tới cả ngàn giường điều trị COVID-19. “Một người nhiễm buộc phải cách ly khoảng 280 người” – Bí thư Nhân đã nhấn mạnh, nhắc đi nhắc lại tại cuộc họp chiều 16/3 – “Cho nên, cần kiểm soát chặt từ các cửa khẩu, yêu cầu thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Chỉ có cách đó, chúng ta mới có thể khoanh vùng dịch”.
Hàng người chờ nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất hôm 15/3 (Ảnh nhân vật cung cấp)
|
Chính vì buộc phải nghĩ đến những kịch bản xấu nhất, Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất kiểm soát chặt chẽ công tác kiểm dịch, phân luồng hành khách nhập cảnh về các khu cách ly, lấy tờ khai y tế và mẫu xét nghiệm nhanh, theo sát các đối tượng nhiễm và nghi nhiễm và người tiếp xúc gần; tuyên truyền mạnh mẽ chủ trương động viên công dân có người thân người nhà từ nước ngoài về không thuộc diện phải cách ly tập trung cũng nên tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.
Chỉ cần làm một phép tính đơn giản cũng đủ thấy, nếu dịch bệnh lan rộng, buộc phải sử dụng hết 1.600 giường bệnh điều trị COVID-19 nghĩa là có thể có 448.000 người buộc phải cách ly. Ngay cả giữa một thành phố 10 triệu dân như TP.HCM, nếu phải cách ly đến 448.000 người nghĩa là virus Corona đã tồn tại dày đặc trong mọi ngõ ngách.
Sở Y tế TP.HCM và lãnh đạo TP.HCM đều đã nhiều lần nhắc lại yêu cầu nghiêm túc triển khai quy định bắt buộc theo chỉ đạo của Thủ tướng về quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở không gian công cộng.
Cơ quan chức năng nghĩ gì?
Trao đổi với VietTimes về tình trạng người nước ngoài xuất hiện tại các siêu thị lớn không đeo khẩu trang, mang lại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh không nhỏ, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng không dễ để có cơ chế phạt cho việc này.
“Các cửa hàng, siêu thị, doanh nghiệp đều đã báo cáo về Sở là đã triển khai thực hiện quy định này, có những nơi phát tặng khẩu trang, có những nơi thì bày bán ngay ở trên quầy. Tuy nhiên, thực tế là rất khó để 100% khách nước ngoài thực hiện chấp hành đeo khẩu trang. Chúng ta chỉ có thể yêu cầu thực hiện trên tinh thần tự giác thôi” – Bà Trang nói.
Cần tuân thủ việc đeo khẩu trang khi xuất hiện ở nơi công cộng, trung tâm thương mại
|
Về tình trạng đã phải nói đi nói lại nhiều lần khi du khách quốc tế đến TP.HCM không đeo khẩu trang, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cảm ơn VietTimes đã phản ánh tình hình sâu sát tới các Sở, ban, ngành của thành phố.
Bà Ánh Hoa cung cấp các chi tiết để lý giải cho thực tế nói trên: “Ngay khi Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu đeo khẩu trang, Sở Du lịch đã có triển khai ngay tới tất cả các doanh nghiệp lữ hành, đa số khách quốc tế đã chấp nhận thực hiện, nhưng đúng là vẫn còn một số du khách cần được thuyết phục nhiều hơn, cần giải pháp đồng bộ. Với đối tượng này, Sở cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành phải vừa mềm mỏng, vừa cương quyết để hướng dẫn và yêu cầu du khách chấp hành quy định của nước sở tại”.
Khách du lịch đến các điểm tham quan cần tuân thủ quy định của nước sở tại
|
Khẩu trang được người dân bày bán cho khách du lịch ngay ngoài cửa Bưu điện Trung tâm
|
Theo bà Ánh Hoa, Sở Du lịch sẽ truyền thông mạnh hơn tới các du khách lẻ chưa đeo khẩu trang
|
“Riêng đối với du khách lẻ, Sở Du lịch sẽ tăng cường truyền thông bằng nhiều thứ tiếng, để khách hiểu và chấp hành. Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tăng cường kiểm tra thực tế, để tư vấn cho lãnh đạo thành phố các giải pháp. Ngành du lịch sẽ tham gia tích cực nhất vào công tác phòng, chống dịch COVID-19” – Bà Ánh Hoa nói thêm.
Động viên người dân không nên quá lo lắng về việc xuất hiện số lượng người phải cách ly khá lớn, đồng thời chia sẻ về công tác huy động các khách sạn, nhà nghỉ, điểm cách ly được cung cấp từ các đơn vị lưu trú, lữ hành, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết hiện tại đã có đến hàng chục điểm cách ly nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ chủ trương của lãnh đạo TP.HCM, trong đó có cả các khách sạn 5 sao và resort ở cách khá xa khu dân cư.
“Có hai loại cơ sở cách ly. Loại thứ nhất là cơ sở lưu trú do khách lựa chọn, có trả phí. Loại thứ hai là cơ sở tự nguyện cho thành phố mượn để làm khu cách ly. Chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát điều kiện của các cơ sở này xem đã đạt tiêu chuẩn y tế hay chưa, trang thiết bị cần đầu tư thế nào, tiến hành tập huấn, thống nhất quy trình cách ly, sẽ đưa vào vận hành càng sớm càng tốt” – Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cung cấp thông tin chi tiết.
Bài và chùm ảnh: Hòa Bình (thực hiện)