Một lính gác Xô Viết bắn chết hợp pháp một điệp viên Mỹ, vì sao Liên Xô lại phải xin lỗi Mỹ?

VietTimes – Năm 1985, một điệp viên Mỹ đột nhập vào doanh trại quân đội Liên Xô ở CHDC Đức, bị một lính Xô Viết bắn chết. Người lính đã hành động đúng, nhưng vì sao Liên Xô lại phải xin lỗi Mỹ?
Thập niên 80 Liên Xô đồn trú một lực lượng lớn quân trên lãnh thổ CHDC Đức và các nước Đông Âu

Ngày 25/4/1985 các cựu chiến binh Hồng quân Liên Xô đã đến thành phố Torhou để kỷ niệm lần thứ 40 năm ngày gặp mặt bên dòng Elbe. Nhưng nhiều cựu binh Mỹ đã không có mặt. Lý do là sự cố xảy ra ở Cộng hoà dân chủ Đức với thiếu tá Mỹ Artur Nicolson. Điệp viên đột nhập vào mục tiêu quân sự Liên Xô được gọi là “nạn nhân cuối cùng của Chiến tranh lạnh”.

Người lính gác…

Thành phố Ludwigslust nằm cách Berlin 150 km về phía Tây-Bắc, thời Chiến tranh lạnh là nơi đồn trú của các đơn vị GSVG (Cụm quân đội Liên Xô ở Đức). Ngày 24/4/1985 hạ sĩ Alecxandr Riabtsev trực gác tại mục tiêu bí mật của Liên Xô. Vắng mặt trong vài phút, khi quay lại Riabtsev phát hiện một người lạ mặc bộ đồ nguỵ trang có mang theo máy ảnh. Sau khi mở cửa sổ nhà chứa xe tăng, kẻ này đã chụp ảnh những chiếc xe tăng T-80 mới nhất. Trông thấy lính gác, người đó vội vã bỏ chạy.

Theo giả thuyết chính thức của sự việc, lúc đầu Riabtsev ra lệnh cho người lạ đứng lại bằng tiếng Nga và tiếng Đức. Người đó không nghe lời và hạ sĩ đã bắn cảnh cáo lên trời. Vẫn không có ích gì, Riabtsev đã nổ súng trúng đích. Về hình thức Riabtsev đã hành động hoàn toàn đúng theo điều lệnh tuần tra và doanh trại. Bị trúng vài viên đạn, kẻ vi phạm đổ vật xuống và qua đời.

Artur Nicolson, nhân viên phái bộ quân sự của Hoa Kỳ ở Đông Đức.

…và điệp viên

Người bị bắn chết là thiếu tá liên lạc 37 tuổi người Mỹ Artur Nicolson, nhân viên phái bộ quân sự của Hoa Kỳ ở Đông Đức. Thủ tục bàn giao thi thể của Nicolson cho người Mỹ qua trạm kiểm soát trên cầu Glienicke ở Berlin diễn ra trong không khí căng thẳng: cả hai bên đều hiểu rằng người bị bắn là gián điệp quân sự.

Vấn đề nằm ở chỗ Washington rất quan tâm đến quá trình trang bị lại của GSVG bằng những mẫu kỹ thuật quân sự mới. Bộ chỉ huy đã giao cho Nicolson thu thập tin tức về toàn bộ xe tăng diễn tập – chiến đấu của Liên Xô. Viên thiếu tá tham gia các chiến dịch do thám không phải là lần đầu, theo một số tài liệu, ngành đặc biệt Đông Đức đã 15 lần vạch mặt anh ta trong việc đột nhập vào khu vực cấm.

Cùng với trung sĩ Jesse Shchats, Nicolson đến mục tiêu bí mật bằng xe ô tô. Sau khi dùng dụng cụ cắt hàng rào dây thép gai, người này lọt vào khu vực của trung đoàn tăng độc lập của GSVG. Và như đã biết, cuộc đột nhập có kết cục bi thảm. Riabtsev đã “choảng” Nicolson khi anh ta lọt vào nhà chứa xe tăng và chụp ảnh. Suốt thời gian đó Shchats ngồi trong xe và quan sát Nicolson. Anh ta đã bị các quân nhân Nga bắt giữ.

Hậu quả

Vụ bắn Artur Nicolson đã gây ra khủng hoảng ngoại giao giữa Mỹ và Liên Xô. Ngày 27/3 báo “Sự thật” đã nhắc lại rằng các nhân viên phái bộ bị cấm qua lại các địa điểm đóng quân của các đơn vị quân đội. “Hoạt động tình báo của các quân nhân Mỹ là hành vi vi phạm thô bạo Hiệp ước về các phái bộ liên lạc quân sự ngày 3/4/1947, phái bộ Mỹ ở Potsdam đang hành động trên cơ sở đó” - bài báo viết.

Báo chí đã cáo buộc người Mỹ lan truyền “thông tin lừa dối về sự việc xảy ra”, còn đại sứ quán Liên Xô phản đối Washington. Thời gian đó Nicolson được an táng ở nghĩa trang quốc gia Arlington. Anh ta được truy phong quân hàm trung tá.

Chính quyền Mỹ không che giấu việc người bị bắn đã hoạt động tình báo. Nhưng họ lại khẳng định rằng lính gác Liên Xô không hề có cảnh báo nào đã bắn ngay. Thêm một hòn đá cản đường nữa là câu hỏi Nicolson đã chết nhanh như thế nào. Phía Liên Xô khẳng định cái chết của anh ta xảy ra trong khoảnh khắc (có bằng chứng xác nhận rằng viên đạn đã trúng tim). Người Mỹ nói rằng người ta đã không cho phép Shchats gọi xe cấp cứu, cũng như sử dụng thuốc cấp cứu.

“Yếu tố bi kịch của tình huống là các quân nhân Liên Xô không cho phép người đồng hành của Nicolson gọi cấp cứu, điều đó có thể cứu mạng thiếu tá" - các nhà sử học quân sự Peter Guntkhauzen và Alecxandr Sheldon Diuple nhận xét - "Nicolson đã mất nhiều máu, còn quân nhân Liên Xô và Mỹ chỉ quan sát mà không thể giúp đỡ”.

Với quân số lớn tại CHDC Đức, rõ ràng trang bị khí tài hạng nặng trên mặt đất của Hồng quân Liên Xô là vô cùng khủng khiếp. Thật vậy, theo thống kê mang tính tương đối, số lượng vũ khí Quân đội Liên Xô có thể nói là khó tưởng tượng. Nguồn ảnh: wikipedia

“Reagan đã ép chúng ta”

Phía Mỹ đòi Liên Xô phải xin lỗi và bồi thường. Các đại diện của Liên Xô hoàn toàn đứng về phía Riabtsev. Họ cho rằng anh không thể nhận biết đó là nhân viên phái bộ, mà chỉ bắn “kẻ vi phạm lạ mặt đã không tuân theo yêu cầu của mình”. Quan điểm quyết đoán như thế không phù hợp với logic của “tư duy chính trị mới” mà Mikhail Gorbachev tuyên bố năm 1985. “Chúng ta dã không hành xử bằng cách tốt nhất trong vụ việc với Nicolson, và Reagan đã ép chúng ta”, - trợ lý của Gorbachev, Anatoli Cherniaev đã viết trong nhật ký.

Dưới áp lực của Nhà Trắng, chính quyền Liên Xô đã lùi bước. Tháng 6/1986 ở Potsdam hai bên đã ký biên bản bổ sung về việc giải quyết sự cố. Bây giờ quân nhân Xô Viết cần ghi nhớ đặc biệt để xoá bỏ việc lặp lại bi kịch đổ máu.

Hai bên thoả thuận không sử dụng vũ khí khi bắt giữ hay trục xuất nhân viên các phái bộ. Còn trong năm 1988, trong cuộc gặp tại Zurich, bộ trưởng quốc phòng Liên Xô Dmitri Iazov đã chính thức xin lỗi cho những sự việc đã xảy ra ở Liudvigslust trước đồng nghiệp Mỹ Frank caluchchi của mình. Moscow có phải bồi thường cho thân nhân của Nicolson hay không, không có thông tin công khai.