Chuyến thăm bí mật của Henry Kissinger tới Bắc Kinh 50 năm trước diễn ra thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 9/7 vừa qua, Trung Quốc tổ chức kỉ niệm trọng thể 50 năm chuyến thăm bí mật của ông Kissinger, Trợ lý An ninh Quốc gia Tổng thống Nixon. VietTimes xin trích đăng hồi ức của Kissinger về chuyến đi này.
Cái bắt tay lịch sử giữa Kissinger và Chu Ân Lai ngày 9/7/1971 (Ảnh: jielishi)
Cái bắt tay lịch sử giữa Kissinger và Chu Ân Lai ngày 9/7/1971 (Ảnh: jielishi)

“...Sự kiện kịch tính nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của Richard Nixon vào thời điểm đó ít được biết đến, bởi vì ông Nixon cho rằng nếu muốn chuyến thăm của ông tới Trung Quốc thành công, nó phải được giữ bí mật tuyệt đối. Nếu bị tiết lộ cho công chúng, nó cần phải được chấp thuận ở nhiều cấp trong chính phủ Hoa Kỳ và tuân theo các thủ tục phức tạp, các nước trên thế giới sẽ yêu cầu chúng ta bàn bạc với họ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cách chúng tôi đến Bắc Kinh để tìm hiểu thái độ của Trung Quốc. Minh bạch là quan trọng, nhưng để thiết lập một trật tự thế giới hòa bình hơn, cũng cần phải nắm bắt cơ hội lịch sử.

Nhóm chúng tôi đã đến Bắc Kinh qua Sài Gòn, Bangkok, New Delhi và Rawalpindi, về công khai thì tuyên truyền tôi thay mặt tổng thống đi ra nước ngoài điều tra khảo sát. Trong đoàn của chúng tôi, chỉ có một tổ nòng cốt đi Bắc Kinh, còn lại là người bên ngoài. Ngoài tôi, các thành viên trong tổ nòng cốt còn có các trợ lý của tôi là Winston Lord, John Holdridge và Dick Smeizer, cũng như các đặc vụ Jack Reddy và Gary McLeod.

Để đảm bảo sự kiện huy hoàng cuối cùng không bị ảnh hưởng, chúng tôi cố tình sắp xếp thời gian ở lại mỗi thành phố dọc đường đi cực kỳ nhàm chán, để không bị giới truyền thông săn đuổi. Sau khi chúng tôi đến Rawalpindi, tôi đã nói dối lấy cớ bị ốm, cần nghỉ ngơi và đến một khu nghỉ mát trên núi dưới chân dãy Himalaya ở Pakistan để tĩnh dưỡng trong 48 giờ. Ở Washington, chỉ có tổng thống và trợ lý cấp cao của tôi, Đại tá Alexander Haig (người sau này được thăng hàm Đại tướng) biết điểm đến thực sự của chúng tôi là Bắc Kinh.

Nguyên soái Diệp Kiếm Anh (thứ 2, bên trái) đón Kissinger tại sân bay Nam Uyển (Ảnh: baidu).

Nguyên soái Diệp Kiếm Anh (thứ 2, bên trái) đón Kissinger tại sân bay Nam Uyển (Ảnh: baidu).

Trước khi phái đoàn Hoa Kỳ đến Bắc Kinh vào ngày 9/7/1971, mặc dù chúng tôi đã hiểu rõ các ý tứ bóng gió của từ ngữ trong bức thư của phía Trung Quốc, nhưng chúng tôi vẫn chưa hiểu về phương pháp đàm phán thực tế của Bắc Kinh, cũng như cách cư xử với khách của người Trung Quốc. Ấn tượng của Hoa Kỳ về các nhà ngoại giao cộng sản vẫn dừng ở hình ảnh các nhà lãnh đạo Liên Xô, đặc biệt là Andrei Gromyko, ông ta thường biến các cuộc đàm phán ngoại giao thành một phép thử về nghị lực. Biểu hiện của ông ấy trong các cuộc đàm phán là hoàn hảo và ông ấy không bao giờ nhượng bộ trong các vấn đề thực chất, nhưng tính tự giữ mình của Gromyko đôi khi khiến người ngoài cảm thấy ông quá căng thẳng.

Khi phía Trung Quốc tiếp đoàn thăm bí mật của chúng tôi, không khí không có chút căng thẳng nào cả, và trong các cuộc hội đàm sau đó cũng thế. Trong toàn bộ giai đoạn chuẩn bị trước đó, khoảng thời gian giữa các tin nhắn phía Trung Quốc gửi tới khi lâu khi mau khiến chúng tôi rất khó hiểu. Khi đó chúng tôi nghĩ rằng điều này nhất định liên quan đến "Cách mạng Văn hóa". Nhưng bây giờ, nước chủ nhà ung dung và hào phóng, dường như không có gì có thể làm xáo trộn sự chỉn chu của họ, và dường như việc lần đầu tiên đón tiếp phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ cũng là một điều tất nhiên trong lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vậy.

Thực ra, phong cách ngoại giao này gần với phong cách ngoại giao truyền thống của Trung Quốc hơn là phong cách giáo điều mà chúng ta thường thấy khi đàm phán với các nước cộng sản khác. Trong lịch sử Trung Quốc, các chính trị gia luôn sử dụng lòng hiếu khách, phép xã giao và các mối quan hệ cá nhân được vun đắp cẩn thận như một thủ đoạn trị quốc.

Ông Chu Ân Lai đãi tiệc Kissinger (Ảnh: jielishi).

Ông Chu Ân Lai đãi tiệc Kissinger (Ảnh: jielishi).

Phong cách ngoại giao này rất thích hợp để đối phó với các thế lực bên ngoài trong lịch sử Trung Quốc để bảo vệ văn hóa canh tác của dân tộc không du mục. Nếu các dân tộc khác nhau xung quanh Trung Quốc liên kết lại, sức mạnh quân sự của họ có thể vượt qua Trung Quốc; và lý do tại sao Trung Quốc có thể tồn tại và giành được ưu thế nói chung chính là vì họ biết sử dụng cả thưởng lẫn phạt và nắm tình hình đối phương rất chính xác. Không chỉ biết rõ điều này, họ còn chiến thắng bằng một nền văn hóa sán lạn. Trong bối cảnh này, hiếu khách đã trở thành một chiến lược.

Đoàn chúng tôi vẫn ở Islamabad, còn chưa đến Bắc Kinh nhưng đã nhận được hậu đãi của phía Trung Quốc. Phía Trung Quốc thậm chí còn cử một số nhà ngoại giao Trung Quốc nói thạo tiếng Anh đến Pakistan tháp tùng để chúng tôi giảm bớt căng thẳng trong chuyến bay kéo dài 5 giờ đến một đất nước xa lạ. Họ đã lên máy bay trước chúng tôi, điều này khiến các đặc vụ tháp tùng chúng tôi rất ngạc nhiên, vì theo những gì mà họ nhận được khi huấn luyện, chiếc áo Trung Sơn cài cúc cổ kiểu Mao là đồng phục của kẻ thù (ý nói khuôn sáo và bảo thủ). Trên đường đi, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã kiểm tra những gì họ nghiên cứu được, luyện tập lời nói và hành vi của họ, đồng thời cũng thu thập thông tin cá nhân của những vị khách này cho thủ tướng của họ.

Ông Chu Ân Lai tiếp chính thức Kissinger tại Đại Lễ đường Nhân dân (Ảnh: jielishi).

Ông Chu Ân Lai tiếp chính thức Kissinger tại Đại Lễ đường Nhân dân (Ảnh: jielishi).

Nhóm người này đã được ông Chu Ân Lai lựa chọn cách đây hai năm, khi mà báo cáo của 4 vị nguyên soái đã gây ra cuộc thảo luận đầu tiên về việc có nên mở cửa với Hoa Kỳ hay không. Ba thành viên của nhóm này đến từ Bộ Ngoại giao. Một trong số họ, Đường Long Bân, sau này là một trong những quan chức lễ tân trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Nixon. Một người khác là Chương Văn Tấn, ông ta từng là đại sứ và chuyên gia về Tây Âu, Hoa Kỳ và Châu Đại Dương; sau này chúng tôi mới biết rằng ông ta cũng là một nhà ngôn ngữ học cừ khôi.

Hai người phụ nữ trẻ tuổi còn lại thực sự đại diện cho Mao Trạch Đông và trực tiếp báo cáo với ông ta: một người là Vương Hải Dung, cháu họ của Mao Trạch Đông; người kia là Nancy Tang (Đường Văn Sinh). Đường Văn Sinh sinh ra ở Brooklyn, New York, là một thông dịch viên xuất sắc đồng thời là một cố vấn chính trị. Cô ta từ Hoa Kỳ trở về Trung Quốc cùng với cha mẹ để tham gia cách mạng. Tất cả những điều này mãi sau này chúng tôi mới biết được.

Sau này, tôi nghe nói các quan chức của Bộ Ngoại giao khi mới nhận nhiệm vụ cũng phản ứng giống như 4 vị nguyên soái già (tức phản đối, không muốn nhận nhiệm vụ). Chu Ân Lai phải đích thân đảm bảo với họ rằng nhiệm vụ này là do ông Mao Trạch Đông giao, không phải là để thử thách lòng trung thành của họ với cách mạng.

Khi chúng tôi đến sân bay Bắc Kinh vào buổi trưa, chúng tôi được Nguyên soái Diệp Kiếm Anh, Phó Chủ tịch Quân ủy - một trong 4 nguyên soái được Mao Trạch Đông yêu cầu phân tích các phương án chiến lược của Trung Quốc, ra đón. Điều này tượng trưng cho sự ủng hộ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đối với mối quan hệ ngoại giao Trung - Mỹ mới.

Nguyên soái Diệp đưa tôi lên một chiếc ô tô do Trung Quốc sản xuất đã kéo rèm che kín. Chúng tôi đến Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài nằm trong một công viên ở phía Tây của Bắc Kinh, nơi đây vốn là nơi câu cá của hoàng gia, có tường bao quanh. Diệp Kiếm Anh đề nghị chúng tôi nghỉ ngơi một chút, nói rằng sau 4 giờ nữa, Thủ tướng Chu Ân Lai sẽ đến Nhà khách Quốc gia để chào đón chúng tôi và tiến hành vòng hội đàm đầu tiên.

Ông Mao Trạch Đông tiếp ông Kissinger năm 1972 (Ảnh: baidu).

Ông Mao Trạch Đông tiếp ông Kissinger năm 1972 (Ảnh: baidu).

Ông Chu Ân Lai đích thân đến thăm chúng tôi, đó thực sự là một phép lịch sự tuyệt vời. Căn cứ trình tự ngoại giao, nước chủ nhà nói chung sẽ tiếp các đoàn đến thăm trong trụ sở chính phủ, đặc biệt lại càng như thế nếu có sự chênh lệch lớn như vậy giữa hàm cấp của những người có trách nhiệm của cả hai bên. (Chức danh Trợ lý An ninh Quốc gia của tôi tương đương với Thứ trưởng, thấp hơn Thủ tướng Chu 3 bậc).

Chúng tôi sớm phát hiện ra rằng lịch trình mà nước chủ nhà sắp xếp cho chúng tôi rất thoải mái, điều này thật khó tin. Nó dường như cho thấy rằng sau hơn 20 năm xa cách, họ không vội vàng muốn đạt được một thỏa thuận thực chất ngay lập tức. Ban đầu chúng tôi dự định ở lại Bắc Kinh khoảng 48 giờ và không thể gia hạn vì tôi phải sang Paris để đàm phán về vấn đề Việt Nam. Chúng tôi đến Bắc Kinh bằng chuyên cơ của Tổng thống Pakistan, và chúng tôi không kiểm soát được lịch trình của chuyên cơ.

Xem chương trình do Bắc Kinh sắp xếp, chúng tôi thấy rằng ngoài khoảng thời gian nghỉ ngơi trước khi Chu Ân Lai đến, phía Trung Quốc còn bố trí 4 giờ để chúng tôi đi tham quan Tử Cấm Thành. Như thế, đã mất đứt 8 giờ trong 48 giờ. Chu Ân Lai không thể đi cùng chúng tôi vào đêm hôm sau. Ông ấy phải gặp một thành viên của Bộ Chính trị Bắc Triều Tiên. Không thể thay đổi thời gian — có lẽ không thể thay đổi thời gian cũng là để bảo vệ cho chuyến thăm bí mật của chúng tôi. Mất thêm hai đêm ngủ thời gian 16 tiếng nữa, hai quốc gia đã 20 năm không có tiếp xúc ngoại giao thực tế và từng giao chiến với nhau và sau đó lại suýt nữa sử dụng vũ lực với nhau, chỉ còn chưa đầy 24 giờ cho lần hội đàm đầu tiên này.

Ông Tập Cận Bình tiếp ông Kissinger trong chuyến thăm Bắc Kinh gần nhất tháng 11/2018 (Ảnh: THX).

Ông Tập Cận Bình tiếp ông Kissinger trong chuyến thăm Bắc Kinh gần nhất tháng 11/2018 (Ảnh: THX).

Trên thực tế, Trung Quốc chỉ sắp xếp hai cuộc hội đàm chính thức: cuộc họp thứ nhất được sắp xếp vào ngày tôi đến, từ 16 giờ 30’ chiều đến 23 giờ 20’ đêm, tổng cộng 7 giờ; cuộc họp còn lại là ngày thứ hai, từ trưa đến khoảng 18 giờ 30 phút chiều, tổng cộng khoảng 6 giờ. Cuộc gặp đầu tiên là tại Nhà khách quốc gia. Theo nghi thức của Trung Quốc, cuộc họp này do Hoa Kỳ chủ trì.

Khi Thủ tướng Chu đến, chúng tôi bắt tay nhau một cách tượng trưng. Về sau, sau khi Nixon đến Trung Quốc, ông ấy và Chu Ân Lai đã lặp lại động tác tượng trưng này trước công chúng. Sở dĩ nói đây là động tác tượng trưng vì tại Hội nghị Geneva năm 1954, Ngoại trưởng Dulles đã từ chối bắt tay Chu Ân Lai. Người Trung Quốc tỏ ra tức tối và thù dai về sự kiêu ngạo và bất lịch sự của ông Dulles, mặc dù họ ngoài miệng nói rằng điều đó không liên quan gì đến đại cục.

Sau khi bắt tay, chúng tôi đi đến một phòng họp trong Nhà khách Quốc gia và ngồi đối mặt nhau qua một chiếc bàn phủ vải xanh. Tại đây, lần đầu tiên phái đoàn Hoa Kỳ được biết đến nhân vật đặc biệt đã cộng sự với Mao Trạch Đông trong nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, chiến tranh, loạn lạc và hoạt động ngoại giao.

Hôm 9/7/2021, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức kỉ niệm 50 năm chuyến thăm bí mật của Kissinger (Ảnh: Dwnews).

Hôm 9/7/2021, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức kỉ niệm 50 năm chuyến thăm bí mật của Kissinger (Ảnh: Dwnews).

Đầu tiên tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với phía Trung Quốc vì sự tiếp đón nồng hậu của họ. Tôi nói: “Nếu có cơ hội, tôi cũng muốn tiếp đón Thủ tướng Chu tại Hoa Kỳ với sự nhiệt tình tương tự”. Chu Ân Lai nói một cách hào sảng: “Tôi chưa bao giờ đến Hoa Kỳ, tôi cũng chưa từng tới Tây bán cầu, nhưng chúng ta làm việc cùng lúc. Ông làm việc vào ban ngày còn tôi làm vào ban đêm". Tiếp đó, ông nói: "Theo tập quán Trung Quốc, xin mời khách nói trước".

Tôi đọc bản thảo đã chuẩn bị sẵn một cách cứng nhắc. Sau khi đọc xong lời khai mạc, tôi buông bản thảo và nói: "Ngày nay, xu hướng toàn cầu khiến chúng ta gặp nhau ở đây. Thực tế mang chúng ta đến với nhau, và thực tế cũng sẽ quyết định tương lai của chúng ta". "Chính với tinh thần đó, chúng tôi đã đến đất nước xinh đẹp và bí ẩn của các ông". Chu Ân Lai ngắt lời và nói: "Không, không, không có gì là bí ẩn, quen rồi các ông sẽ không thấy bí ẩn".

Sau đó tôi nói rằng Tổng thống Nixon giao cho tôi hai nhiệm vụ: một là thảo luận về ngày giờ và công tác chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của ông ấy; hai là tiến hành đàm phán chuẩn bị cho Nixon.

Tiếp đó, tôi nói về bảy vấn đề. Khi nói về vấn đề Đài Loan, tôi tập trung vào vấn đề rút quân: (1) Chính phủ Hoa Kỳ có kế hoạch rút 2/3 số lính Mỹ đóng ở Đài Loan sau khi Chiến tranh Đông Dương kết thúc và có kế hoạch giảm bớt lực lượng quân sự ở Đài Loan khi quan hệ Mỹ-Trung được cải thiện; (2) Hoa Kỳ không ủng hộ "hai Trung Quốc" hay "một Trung Quốc, một Đài Loan", nhưng hy vọng vấn đề Đài Loan có thể giải quyết một cách hòa bình; (3) Hoa Kỳ công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc và không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan; (4) Hiệp ước Hoa Kỳ-Tưởng Giới Thạch để chờ cho lịch sử giải quyết; (5) Hoa Kỳ không chỉ trích và cô lập Trung Quốc; Hoa Kỳ sẽ ủng hộ việc khôi phục vị trí của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, nhưng sẽ không ủng hộ việc trục xuất đại diện của Đài Loan.

Khi nói về vấn đề Đông Dương, tôi đảm bảo sẽ chấm dứt chiến tranh Việt Nam thông qua đàm phán. Hoa Kỳ đang chuẩn bị vạch ra một thời gian biểu cho việc rút các lực lượng vũ trang ra khỏi Việt Nam và Đông Dương, nhưng hy vọng sẽ có được một giải pháp để giữ được thể diện và lòng tự tôn của Hoa Kỳ. Sau đó, tôi nói về Nhật Bản, quan hệ Xô-Mỹ, tiểu lục địa Nam Á ....

Cuộc họp thứ hai diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân, nơi đại diện của chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp chúng tôi. Có thể nói, thái độ sang trọng như vậy của phía Trung Quốc đã gây cho chúng tôi một loại áp lực tâm lý. Nếu chúng tôi quay trở về mà không thành công, Tổng thống Nixon tất nhiên sẽ mất mặt, ông ấy còn chưa thông báo cho các thành viên nội các khác về chuyến thăm bí mật của tôi. Nếu phân tích của chúng tôi về quan hệ ngoại giao với Trung Quốc trong hai năm qua là đúng, và nếu sứ mệnh của phái đoàn Mỹ tới Trung Quốc bị thất bại, thì tình huống khẩn cấp thúc đẩy Mao Trạch Đông mời chúng tôi đến thăm Trung Quốc có thể phát triển đến mức không thể kiểm soát.

Ông Kissinger phát biểu về quan hệ Mỹ - Trung qua truyền hình hôm 9/7/2021 (Ảnh: Dwnews).

Ông Kissinger phát biểu về quan hệ Mỹ - Trung qua truyền hình hôm 9/7/2021 (Ảnh: Dwnews).

Cuộc đối đầu bất lợi cho cả hai bên, đây là lý do tại sao chúng tôi đến Bắc Kinh. Nixon bức thiết hy vọng chuyển hướng chú ý của Mỹ khỏi Việt Nam, trong khi Mao Trạch Đông quyết tâm buộc Liên Xô phải nhìn trước ngó sau và do dự tính toán trước khi tấn công Trung Quốc. Cả Trung Quốc và Mỹ đều hiểu rằng cuộc hội đàm có tầm quan trọng lớn lao và chỉ có thể thành công chứ không thể thất bại.

Hai bên đã nhất trí quyết định dành phần lớn thời gian để tìm hiểu quan điểm của nhau về trật tự quốc tế. Thật hiếm thấy khi các phân tích của hai bên lại trùng khớp chặt chẽ như vậy. Vì mục tiêu cuối cùng của chuyến thăm của chúng tôi là để quyết định xem có nên điều chỉnh các chính sách đối ngoại thù địch trước đây của hai nước hay không, cho nên hình thức ngoại giao thực dụng cuối cùng là thảo luận về các khái niệm. Một cuộc thảo luận như vậy xem ra giống như hai giáo sư dạy quan hệ quốc tế đang nói chuyện, hơn là một cuộc đối thoại ngoại giao chính thức...”.

Theo Sohu