Môi trường của trí thức vẫn bị “ô nhiễm” và thiếu thuận lợi

VietTimes -- "Lúc nào và bất cứ ở đâu, trí thức Việt Nam vẫn cảm thấy chưa hài lòng về môi trường hoạt động, vẫn cảm thấy thiếu trọng dụng, thiếu minh bạch trong sử dụng trí thức và đây đó còn thấy bị đối xử thiếu công tâm..."- TS. Nguyễn Thành Vinh, Phó TBT Tạp chí Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương nói.
Diễn đàn "Tạo môi trường thuận lợi để phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong xây dựng và bảo vệ đất nước".
Diễn đàn "Tạo môi trường thuận lợi để phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong xây dựng và bảo vệ đất nước".

"Đó là một hiện thực mà ai cũng thấy, làm cho môi trường của trí thức dường như vẫn bị "ô nhiễm" và thiếu thuận lợi" - TS. Nguyễn Thành Vinh nói tiếp. Ông đã phát biểu như vậy tại Diễn đàn "Tạo môi trường thuận lợi để phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong xây dựng và bảo vệ đất nước"  Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 30/8,.

Tại diễn đàn, nhiều diễn giả cho rằng đội ngũ trí thức là một bộ phận của nguồn lực con người, vừa là nguồn tiềm năng khoa học, kỹ thuật, trực tiếp tham gia vào công cuộc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Vì thế, Đảng ta luôn luôn quan tâm đến công tác trí thức với nhiều chủ trương, chính sách quan hệ đến trí thức đã được ban hành, tạo điều kiện để đội ngũ này phát triển và hoạt động sáng tạo.

Đánh giá về vấn đề này, Ts. Nguyễn Thành Vinh nói, các chủ trương, chính sách đó còn thiếu đồng bộ, chậm đi vào cuộc sống, chưa đủ sức động viên phát huy sức mạnh và khắc phục những hạn chế, yếu kém của đội ngũ trí thức đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp phát triển đất nước. Vì thế, việc tạo môi trường thuận lợi để huy động sức mạnh to lớn của đội ngũ trí thức trong công cuộc đổi mới là rất cần thiết.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, "Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc..." nên Người luôn căn dặn Đảng và Chính phủ phải có chính sách trọng dụng, tôn vinh trí thức và phải thật sự dân chủ với trí thức. Nhưng thời gian qua, theo Ts. Nguyễn Thành Vinh "lúc nào và bất cứ ở đâu trí thức Việt Nam vẫn còn cảm thấy chưa hài lòng về môi trường hoạt động của họ. Họ vẫn cảm thấy thiếu sự trọng dụng, thiếu minh bạch trong sử dụng trí thức và đây đó còn thấy bị đối xử thiếu công tâm của các cấp lãnh đạo làm cho hiện tượng "chảy máu chất xám" trong các cơ quan của Đảng và của Nhà nước; trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước. Đó là một hiện thực mà ai cũng thấy, làm cho môi trường của trí thức dường như vẫn bị "ô nhiễm" và thiếu thuận lợi".

Theo TS Lê Công Lương, Chánh văn phòng Liên hiệp hội Việt Nam, với quy mô giáo dục phát triển nhanh chóng, số lượng trí thức (có trình độ từ cao đẳng) trở lên tăng lên nhanh chóng, từ trên 1,3 triệu người năm 2000 lên hơn 6,5 triệu người năm 2013 (tăng gần gấp 5 lần), trong đó số thạc sỹ từ 10.000 người lên hơn 118.653 người (tăng 11,86 lần), số tiến sĩ tăng từ 12.691 người lên 24.667 người (tăng 1,94 lần). Ngoài ra, còn có khoảng 400.000 trí thức Việt kiều , trong đó hơn 6.000 tiến sĩ tên tuổi được đánh giá cao) trong tổng số hơn 4 triệu người Việt Nam hiện đang sinh sống ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Để tạo môi trường thuận lợi cho trí thức phát triển, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại diễn đàn cho rằng các chính sách này chưa thực sự đi vào cuộc sống. Ví dụ, lương khởi điểm cho người có trình độ đại học tại một viện nghiên cứu của Nhà nước chỉ trên 3 triệu đồng, trong khi lương cho một người giúp việc gia đình từ 3 đến 4,5 triệu đồng. Lương một giáo sư đại học cũng chỉ trên 5 triệu đồng. Do đó, theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, tạo môi trường thuận lợi cho trí thức, trước hết phải cải cách tiền lương để trí thức có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình.

Còn theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam, bên cạnh tiền lương, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các viện nghiên cứu các xưởng sản xuất vừa để thực hành, ứng dụng các nghiên cứu vào sản xuất và đời sống, vừa tạo thêm thu nhập cho cán bộ. Trí thức chân chính nào, dù sống ở trong hay ngoài nước cũng muốn đóng góp ý kiến, năng lực cho đất nước, nhưng ý kiến đó phải được các cấp chính quyền lắng nghe và tiếp thu.

Cũng tại diễn đàn, PGS,TS. Trần Thị Anh Đào, Trưởng khoa Xây dựng Đảng- Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nguồn nhân lực nữ trí thức là bộ phận của nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò đặc biệt quan trọng trong nguồn nhân lực của địa phương, đất nước. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới trong đội ngũ trí thức khá rõ rệt, tỷ lệ nữ trí thức so với nam giới ở một số mặt là còn rất thấp chứng tỏ phụ nữ chưa được tạo điều kiện tốt để phát huy tối đa vai trò của mình, ngoài ra ở một số nơi nữ trí thức chưa được tạo điều kiện thuận lợi để học tập, nâng cao trình độ...

Theo PGS,TS. Trần Thị Anh Đào khác với nam giới, nữ trí thức phải mang thai, sinh đẻ, phải dành nhiều thời gian cho công việc nội trợ, quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái... nên nhiều người bị quá tải về sức lực, thiếu thời gian nghỉ ngơi.

Đây là một thách thức đặt đối với hầu hết phụ nữ, vì vậy, theo bà Trần Thị Anh Đào các cấp lãnh đạo cần tạo sự đột phá trong nhận thức, đánh giá và sử dụng nguồn nhân lực nữ trí thức; xây dựng kế hoạch và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực nữ trí thức; có chính sách chăm lo, đãi ngộ tương xứng, thỏa đáng đối với nữ trí thức...