E-magazine Mối quan hệ đặc biệt giữa ông Erdogan và ông Putin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thổ Nhĩ Kỳ cần tiền mặt, khí đốt và hoạt động thương mại của Nga trong lúc ông Erdogan hướng tới một kỳ bầu cử khó đoán định, trong khi Moscow cần những người bạn để lách lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trong bối cảnh căng thẳng tăng nhiệt giữa NATO và Nga do cuộc chiến ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO - vẫn duy trì được quan hệ hợp tác gần gũi với Moscow. Để lý giải về mối quan hệ đặc biệt, có phần lạ lùng này, tờ New York Times đã đăng tải bài viết về mối quan hệ giữa lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. VietTimes trân trọng gửi quý độc giả nội dung chuyển ngữ bài viết.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ tại Sochi, Nga trong tuần trước (Ảnh: Getty)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ tại Sochi, Nga trong tuần trước (Ảnh: Getty)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang gặp khó khăn về mặt chính trị trước khi kỳ bầu cử ở nước này được tổ chức vào năm sau, trong lúc nền kinh tế suy giảm, ngân hàng trung ương gần cạn ngoại tệ và mức lạm phát tăng đột biến ở mức 80%.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có những vấn đề riêng, trong đó cuộc chiến ở Ukraine kéo theo các đòn trừng phạt chưa từng có tiền lệ mà phương Tây áp đặt, tác động hết sức tiêu cực tới nền kinh tế và các ngành công nghiệp của Nga.

Những thách thức trên đã đẩy hai nhà lãnh đạo xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Họ đã gặp gỡ 2 lần trong vòng 3 tuần lễ, gần đây nhất là vào cuối tuần trước ở Sochi, Nga, với nỗ lực giảm thiểu những rủi ro bằng cách tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác kinh tế, trong đó ông Erdogan nói rằng ông hy vọng giá trị thương mại giữa hai nước sẽ lên 100 tỉ USD.

Đây là một mối quan hệ mà các đồng minh của ông Erdogan trong NATO không hài lòng, bởi ông Erdogan đã tạo ra một lỗ hổng vừa đủ trên “con đập” các lệnh trừng phạt mà phương Tây cố gắng xây dựng để ngăn chặn cuộc chiến của ông Putin ở Ukraine. Một số người tự hỏi lòng trung thành thực sự của ông Erdogan nằm ở đâu, có đứng trên lợi ích của bản thân ông hay không.

Ở thời điểm hiện tại, ít ai nghi ngờ rằng mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo này dựa trên lợi ích đôi bên, như những chi tiết trong các cuộc đàm phán giữa họ được đưa ra. Đối với ông Putin, lợi ích này bao gồm bán năng lượng và vũ khí, cùng mối liên hệ thân thiết với một thành viên của NATO – khối liên minh đang cố gắng cô lập ông và viện trợ quân sự cho Ukraine.

Ông Erdogan và Ngoại trưởng của ông, Mevlut Cavusoglu, nói chuyện cùng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào tháng 6 (Ảnh: NYTimes)

Ông Erdogan và Ngoại trưởng của ông, Mevlut Cavusoglu, nói chuyện cùng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào tháng 6 (Ảnh: NYTimes)

Thổ Nhĩ Kỳ, không phải một nước thành viên EU, đã từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Họ đang tìm ra những cách thức để hợp tác với các ngân hàng Nga đang bị trừng phạt và chấp nhận các khoản thanh toán thông qua thẻ tín dụng của Nga. Dòng chảy khí đốt của Nga thông qua đường ống dẫn TurkStream vẫn không bị ảnh hưởng. Có một số báo cáo cho rằng Nga đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ để cung cấp “hệ thống phụ” cho các loại vũ khí của họ, bởi không thể tìm kiếm linh kiện trực tiếp từ phương Tây nữa.

Đối với ông Erdogan, lợi ích ở đây liên quan tới việc bơm tiền vào trong ngân hàng trung ương, năng lượng giá rẻ, vai trò quan trọng trên trường quốc tế, một thị trường xuất khẩu lớn, ngành công nghiệp du lịch của Nga và quan trọng hơn là, sự chấp nhận của Nga đối với nỗ lực chính trị của ông nhằm triệt hạ chủ nghĩa ly khai người Kurd ở Syria, nơi mà Nga ủng hộ chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad.

Nhưng hai nhà lãnh đạo vẫn có những bất đồng. Khi họ gặp gỡ ở Tehran trong tháng trước, ông Erdogan đã bỏ lại ông Putin ngồi một mình trong gần 1 phút, trong khi nhà lãnh đạo Nga, vốn nổi tiếng với mẹo chờ đợi, tỏ ra khá khó chịu ngay trước ống kính camera.

Hành động của ông Erdogan được hiểu như một lời nhắc nhở về cán cân sức mạnh đang thay đổi giữa họ - trước đây ông Putin từng để ông Erdogan chờ đợi – trong lúc hợp tác với nhau. Mối quan hệ giữa hai nước giờ đang dần trở thành mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo. Các cuộc thảo luận giữa họ cũng được tổ chức kín, trong đó Bộ Ngoại giao tỏ ra khá kín tiếng.

“Chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ đã bước vào giai đoạn rất nguy hiểm,” Ilhan Uzgel, nhà khoa học chính trị từng làm việc tại ĐH Ankara, nhận định. “Hai nhà lãnh đạo hợp tác với nhau và đàm phán. Nhưng chỉ có họ ngồi bên trong phòng họp cùng vài người khác, một nhóm rất nhỏ, biết được nội dung của các cuộc đàm phán này.”

Công tác xây dựng tại đường ống TurkStream của Nga ở Bulgaria (Ảnh: Reuters)

Công tác xây dựng tại đường ống TurkStream của Nga ở Bulgaria (Ảnh: Reuters)

Ông Erdogan đã mua các hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi của Nga, gây ảnh hưởng tới an ninh của NATO, và cũng từng chặn không cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối này – hiện tại ông đã từ bỏ nỗ lực này. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nhận định rằng ông Erdogan có thể sẽ tiếp tục đưa ra những động thái kịch tính khác khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu chấp nhận 2 quốc gia trên gia nhập NATO trong mùa Thu năm nay.

Sự phản đối của ông Erdogan đối với Thụy Điển và Phần Lan chắc chắn làm hài lòng ông Putin, người từ lâu đã cảnh báo về việc hai nước Bắc Âu gia nhập NATO.

Washington đang theo dõi hết sức thận trọng, tuyên bố chính thức rằng “chúng tôi đã thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ không trở thành nơi ẩn náu an toàn cho tài sản hoặc giao dịch của Nga,” và hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Tuyên bố này cũng nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine, và rằng ông Erdogan đã gọi cuộc chiến mà Nga phát động là “không thể chấp nhận.”

Trên thực tế, đúng là Thổ Nhĩ Kỳ phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine, họ đã chặn các chiến hạm của Nga đi vào Biển Đen và không bán vũ khí cho Kiev, bao gồm các loại drone hiện đại có thể sẽ gây bất lợi cho quân đội Nga.

Đối với phương Tây, khả năng của ông Erdogan trong việc đạt thỏa thuận với ông Putin không hoàn toàn tồi tệ. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao gần gũi với Moscow và đang đóng vai trò trung gian chính giữa Nga và Ukraine trong việc tháo dỡ phong tỏa các cảng xuất khẩu nông sản của Kiev. Ông Erdogan hay các cố vấn hàng đầu của ông đã nói thảo luận với ông Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vài lần trong một tuần.

Hình ảnh tàn phá của cuộc chiến Nga-Ukraine ở Sloviansk, miền Đông Ukraine (Ảnh: NYtimes)

Hình ảnh tàn phá của cuộc chiến Nga-Ukraine ở Sloviansk, miền Đông Ukraine (Ảnh: NYtimes)

“Ông Erdogan đang cởi mở với mọi lựa chọn,” Ivo Daalder, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO, nói. “Ông ấy đã tìm ra cách để chơi ván bài của mình, nhưng ông ấy đang thực hiện điều đó dựa trên lợi ích của khối đồng minh vốn đóng vai trò quan trọng đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.”

Mục đích chính của ông Erdogan, theo phần lớn các nhà phân tích của Thổ Nhĩ Kỳ, chính là tái đắc cử trong cuộc bầu cử sắp tới, và ông đang vừa phải tìm cách vực dậy nền kinh tế nước nhà vừa phải chiến đấu chống lại cái mà ông gọi là chủ nghĩa khủng bố người Kurd ở Syria và cả trong nước.

“Mục đích của chính phủ ông Erdogan không phải là để giúp đỡ ông Putin, mà là tạo nên những điều kiện cần có để hướng đến kỳ bầu cử,” Giáo sư Uzgel nói.

“Ông Erdogan có 3 nỗi lo,” vị chuyên gia nói thêm. “Thứ nhất là nói với phương Tây rằng ông có thể làm việc với ông Putin. Thứ hai, ông kỳ vọng nguồn tiền đến từ Nga sẽ giúp đỡ cho nền kinh tế. Thứ ba, ông muốn thỏa thuận được với Nga trong trường hợp ông muốn thực hiện một chiến dịch quân sự bên trong Syria.”

Người Syria biểu tình trước cuộc tuần tra chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria (Ảnh: AFP)

Người Syria biểu tình trước cuộc tuần tra chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria (Ảnh: AFP)

Tỷ lệ ủng hộ của ông Erdogan trong các cuộc thăm dò dư luận mới đây khá tồi tệ, trong khi kỳ bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 6 năm tới. Điều này chủ yếu là do nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang suy giảm, và việc chính phủ nước này tiếp nhận hàng triệu người tị nạn.

“Trong cả hai vấn đề này, ông Putin đều có thể hỗ trợ ông Erdogan,” Asli Aydintasbas đến từ Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nói. Nga là nguồn cung tiền mặt, năng lượng giá rẻ và công ăn việc làm, bà nói, trong khi chỉ cần Nga thực hiện vài đòn không kích ở miền Bắc Syria là đã đủ để đẩy thêm 2 triệu người tị nạn vượt biên vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Các mối đe dọa an ninh khu vực cho thấy rằng bất kỳ một chính phủ nào của Thổ Nhĩ Kỳ đều mong muốn có một mối quan hệ hợp tác cân bằng với Nga, Sinan Ulgen, Giám đốc của viện nghiên cứu EDAM ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định.

“Thổ Nhĩ Kỳ cần một quan hệ đối tác với Nga trong khu vực, trong bối cảnh có nhiều khu vực khủng hoảng như Syria hay Nagorno-Karabakh, bởi vậy họ khó có thể cô lập Nga,” ông Ulgen nói.

Việc ông Erdogan kéo được các Ngoại trưởng Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán và đạt thỏa thuận cho phép dỡ bỏ thế phong tỏa hàng nông sản xuất khẩu của Ukraine ở Biển Đen “đã cho thấy hướng tiếp cận cân bằng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Nga,” ông Ulgen nói. “Thổ Nhĩ Kỳ vừa ủng hộ Ukraine, lại vừa không chống Nga.”

Một tàu chở nông sản xuất khẩu của Ukraine đi qua Biển Đen, gần Istanbul ngày 3/8 (Ảnh: Reuters)

Một tàu chở nông sản xuất khẩu của Ukraine đi qua Biển Đen, gần Istanbul ngày 3/8 (Ảnh: Reuters)

Mối quan hệ Erdogan-Putin cũng khá lạ lùng, khi cả hai quốc gia “hợp tác một cách cởi mở nhưng cùng lúc cũng tham gia vào các cuộc chiến ủy thác” ở Syria và Libya, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cần sự chấp nhận của Nga để chiến đấu chống người Kurd ở Syria và bảo đảm lệnh ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan, theo bà Aydintasbas.

“Không ai ở Ankara lại vui vẻ khi Nga kiểm soát nhiều phần thuộc rìa phía Bắc của Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Đen và nhiều phần ở rìa phía Nam với Syria, nhưng họ hiểu rằng họ phải đàm phán để tạo dựng quan hệ với Nga và tạo dựng một tạm ước,” bà nói. “Lựa chọn duy nhất còn lại là chiến đấu.”

Thứ Sáu tuần trước, trở về sau cuộc gặp với ông Putin ở Sochi, ông Erdogan nói với các phóng viên: “Ông Putin có thái độ công bằng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Sự hiểu biết lẫn nhau mà chúng tôi đã xây dựng với ông Putin dựa trên niềm tin và sự tôn trọng sẽ giúp đảm bảo cho mối quan hệ giữa hai bên.”

Theo New York Times