Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cho biết, phía Hàn Quốc đang yêu cầu Việt Nam phải giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại thị trường này xuống còn 30% mới có thể xem xét nối lại việc đưa người lao động sang làm việc. Các địa phương đang trong quá trình vận động đưa lao động về nước.
Đến thời điểm này, tỷ lệ lao động bỏ trốn đã giảm như thế nào?
Trước đó, có những lúc tỷ lệ này lên cao khoảng hơn 40%. Nhưng hiện còn khoảng hơn 30%.
Trong 15 nước phái cử lao động tới Hàn Quốc thì Việt Nam có tỷ lệ lao động ở lại bất hợp pháp quá đông (các nước khác chỉ khoảng 15-16%). Phía Hàn Quốc rất mong Việt Nam có những giải pháp, trước mắt là giảm xuống còn khoảng 30%.
Chúng tôi luôn hy vọng 15 tỉnh có số lao động ở lại đông nhất vận động con em họ về nước, để tạo cơ hội cho những người khác. Bên cạnh đó, vấn đề này còn liên quan đến thể diện quốc gia.
Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì?
Chúng tôi cố gắng tuyên truyền vận động nhưng vẫn vấp phải những trở ngại nhất định. Bởi thu nhập tại Hàn Quốc của người lao động khá cao, từ 25 đến 40 triệu một tháng. Nếu họ về nước, trong tình hình kinh tế khó khăn thì khó có chỗ nào đảm bảo được mức thu nhập này.
Tuy nhiên, những năm 2010-2011, chúng ta đều có 14.000-15.000 lao động đi Hàn Quốc, nhưng từ 2012 đến nay, trong vòng 3 năm, chỉ được hơn 10.000 người đi. Tức là mỗi năm mất đi cơ hội của 12.000 người, 3 năm là khoảng 30.000-40.000 người không có cơ hội đi Hàn Quốc.
Vì thế, người lao động cũng nên chia sẻ. Việc mình ở lại sẽ làm mất đi cơ hội của rất nhiều ngàn người không đi được. Mọi người nên có trách nhiệm với người lao động khác.
Theo thông tin từ Bộ LĐ,TB-XH, sau 31/12, nếu tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại thị trường này không giảm, thì nhiều khả năng lao động ở 15 tỉnh (chiếm 85% lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc) sẽ không được xét tuyển sang thị trường này?
Theo chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ năm 2014, hiện Bộ cũng xây dựng chương trình trình Chính phủ. Theo đó, nếu nối lại được thỏa thuận thông thường, có thể lao động tại những tỉnh đông người ở lại bất hợp pháp sẽ không được tham gia. Còn căng hơn, các tỉnh có thể tham gia nhưng huyện đông lao động bất hợp pháp thì không được.
Mục đích của giải pháp này để tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ví dụ tại sao tỉnh này đi được mà tỉnh kế bên không đi được? Theo đó, hội đồng nhân dân tỉnh này phải chất vấn Sở Lao động là tại sao lại có việc như thế? Trách nhiệm của họ ra sao, từ đó tạo ra sức ép cho cộng đồng cố gắng tuân thủ.
Ngoài Hàn Quốc, ông đánh giá như thế nào về thị trường xuất khẩu lao động phổ biến như Đài Loan, Nhật Bản?
Thời gian qua, thị trường Đài Loan cũng có nhiều vấn đề. Thứ nhất là về số đơn khiếu nại thu phí cao rất nhiều.
Câu chuyện này giải quyết không dễ. Bởi lao động Philippines đi Đài Loan chỉ mất 2.500-4.000 USD nhưng ngoại ngữ của họ tốt. Trong khi đó, lao động Việt Nam yếu ngoại ngữ nên nhiều khi khó cạnh tranh hợp đồng với lao động nước ngoài. Ngoài chất lượng còn khó cả về mặt tuân thủ luật pháp.
Còn Nhật Bản, con số lao động cư trú bất hợp pháp mới ở mức cảnh báo, tỷ lệ khoảng 4%. Nhưng phía Nhật cũng yêu cầu nếu quá 5% thì sẽ dừng thị trường này.
Chúng tôi cũng đã có một loạt yêu cầu doanh nghiệp trong việc công khai minh bạch thông tin trong việc đàm phán với các đối tác Nhật Bản để làm sao không tạo sức ép tài chính với người lao động. Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo doanh nghiệp nào có số lao động ở lại hơn 5% sẽ phải rút khỏi danh sách cung ứng lao động.
Các doanh nghiệp phải công khai minh bạch tất cả hợp đồng cũng như thông tin lao động từ thời gian làm việc, nghỉ ngơi, lương thưởng, tiền điện, nước… Người lao động có quyền khiếu nại, tố cáo khi không đúng với hợp đồng ban đầu.
Cảm ơn ông!
Theo Zing