|
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Hải quan |
Sáng ngày 24/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về "Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia (NSW), cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Ủy Ban chỉ đạo quốc gia về ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại đánh giá các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực và thực hiện được một khối lượng công việc lớn liên quan đến thực hiện NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành.
Tính trung bình, chi phí thông quan cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Tính tới cuối năm 2017, tiết kiệm được 205 triệu USD cho 10,81 triệu tờ khai; giảm hơn 15 triệu giờ lưu kho hàng xuất khẩu và 33 triệu giờ đối với hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, "bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc triển khai NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra vẫn chiếm tỷ trọng lớn; hiệu lực kiểm tra chuyên ngành thấp, tỷ lệ phát hiện sai phạm thấp (tính tới cuối năm 2017 là dưới 1%); số lượng văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung còn tồn lại tương đối nhiều; việc chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, ngành trong kiểm tra chuyên ngành vẫn phổ biến", Phó Thủ tướng lưu ý.
Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bên cạnh tạo thuận lợi thương mại, cần phải kiểm soát, chống gian lận thương mại, buôn lậu, bảo vệ sức khỏe người dân, kể cả hàng xuất và hàng nhập. Do đó, không thể thiếu chế tài xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm, gian lận thương mại.
“Tôi yêu cầu các ngành, các cấp phải cộng tác chung tay cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ thúc đẩy phát triển và tăng trưởng bền vững, đặc biệt thực hiện tốt Nghị quyết 01 và 19 của Chính phủ”, Thủ tướng phát biểu.
|
Thủ tướng mong muốn, Việt Nam phải là nơi thực thi tốt những cam kết quốc tế.
|
Thủ tướng nhấn mạnh, không dựa vào kiểm tra chuyên ngành để gây chậm trễ trong lưu thông hàng hóa; phấn đấu giảm tỉ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan Nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hóa đặc thù).
Theo đó, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, đối chiếu với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ và kế hoạch hành động nêu trên để sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan.