|
Ông Trần Bắc Hà tử vong vào sáng 18/7 khi đang trong thời gian bị tạm giam tại một trại giam ở Hà Nội. Ông Hà được xác định bị bệnh nặng và tử vong trên đường đưa tới bệnh viện. |
Cái tin cựu chủ tịch Ngân hàng đầu tư Phát triển Việt Nam ( BIDV) Trần Bắc Hà đã tử vong do trọng bệnh trên đường chuyển từ trại tạm giam đến bệnh viện 105 đương loang khắp các mặt báo.
Người ta nhớ lại, trong hai ngày 27 và 28/6- 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) đã họp kỳ 27.
Tại kỳ họp này, UBKT đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 26 của UBKT Trung ương. Ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng BIDV bị đề nghị kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng.
Rồi sau đó là ông Trần Bắc Hà bị bắt. Bị tạm giam. Và cái kết là cái chết.
Lẩn thẩn nghĩ tới cái câu của người xưa “cái quan định luận” (Tạm hiểu, khi nắp quan tài đã đóng thì cái hay, dở của người ấy mới có thể định luận được). Với Trần Bắc Hà, rồi cái quan sẽ định luận, cao hơn thế, luật pháp sẽ kết luận.
Thời điểm tiễn đưa ông Trần Bắc Hà về cõi, xin mượn lại một cái tên sách tôi đã dùng “Mọi linh hồn đều được đưa tiễn” và chợt nhớ đến hai câu của cổ nhân.
Câu thứ nhất ấy là “bất đắc kỳ tử” (Tạm hiểu, chết mà không đạt, chẳng đến cái chết) theo nghĩa đen của nó. Với tội trạng của ông Trần Bắc Hà, còn phải một lộ trình dằng dặc những điều tra, xét hỏi rồi Tòa án phán xử… Rồi luật sư và những tự biện hộ, lời cuối cùng này khác… Nhưng ông Trần Bắc Hà đùng cái, đã đem tất tật các thứ kể cả những bí mật (nếu có?) của mình xuống mồ! Quả là đáng tiếc. Nhưng biết làm sao được khi có tờ báo đã nói nguyên nhân cái chết là do ông Hà lâu nay từng đeo trọng bệnh (ung thư gan)
Câu thứ hai là “cái quan định luận” (tạm hiểu, khi nắp quan tài đã đóng thì cái hay, dở của một người nào đó mới có thể định luận được). Với Trần Bắc Hà, rồi cái quan sẽ định luận, cao hơn thế, luật pháp sẽ kết luận.
Có người nói, viết báo là cái nghề một nửa cuộc đời để lờ đi những gì mình biết và nửa cuộc đời còn lại để viết những gì mà mình không biết! Có thể như thế lắm. Nhưng với người viết bài này, xin nói ngay cho vuông là không có cái hân hạnh gần gũi tỏ tường này khác với ông Trần Bắc Hà rồi để mà lờ đi những gì mình biết. Và có thể những dòng mạo muội dưới đây cũng chỉ là thứ viết những gì mà mình không biết?
Đó là vài cuộc với ông Trần Bắc Hà ở một cự ly gần với tư cách nhà báo bám theo sự kiện.
Sonkran - Tết Thái. BunPimay - Tết Lào.
Lào, Thái, hai quốc gia đều ăn cái tết theo Phật lịch. Tùy duyên phương tiện. Phật từng dạy như thế…
Và như một cơ duyên, tôi được ghé qua cái Tết hai quốc gia đều bắt đầu từ thời điểm 13 tháng 4 dương lịch.
… Theo chân đoàn cán bộ BIDV, tôi đã có một đêm vui dịp Tết Sonkran gần biên giới NongKhai. Được ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV giới thiệu cho gặp Văn Tâm.
Văn Tâm vốn là người thân thiết của Sứ quán Việt Nam tại Thái Lan. Tâm là con út của một gia đình Việt kiều có tới 10 người con ở tỉnh Udon Thani. Tâm có em rể, chị dâu mang quốc tịch một số quốc gia. Thầm nghĩ, nội cái gia tộc đông đúc của nhà Văn Tâm mà phát tán, mà nhân lên, chia ra cái gien Việt thì chả mấy hồi mà thành thứ tiểu liên hiệp quốc? Kiến trúc sư Văn Tâm là người thiết kế Tòa Lãnh sự Việt Nam ở Khoản Khen - cách Udon hơn trăm cây số.
|
Vui tết với Việt kiều Thái.
|
Văn Tâm cũng vừa hoàn tất một việc tâm linh. Anh thiết kế (bà con Việt kiều bỏ tiền thi công) khu mộ 5 Liệt sĩ Việt kiều khá hoành tráng ngay tại thành phố Udon. Năm vị ấy từng hoạt động cùng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có nhân vật Đặng Thúc Hứa nổi tiếng. Ông Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đã cất công về dự ngày khánh thành khu mộ. Và cái cổng bề thế của Sứ quán Việt Nam tại Bangkok cũng một tay Tâm thiết kế.
Còn cái dáng vậm vạp nhô lên trong số người ngồi kia là ông Trưởng Quận 4 của tỉnh Udon Thani có cái tên ngồ ngộ, Trần Cộp. Hình như trong hệ thống chức danh hành chánh của tỉnh và thành phố Udon vắng khuyết đi cái tên thuần Việt Trần Cộp mà sẽ mang một cái tên đặc Thái nào đó?
Trần Cộp? Có cái lạ là ngay ở trong nước, khi ngồi chuyện, biết tôi từng sang đất Thái đến Udon qua ngả cửa khẩu Noongkhai, nhiều người cứ hỏi là đã gặp ông Cộp chưa? Ông Cộp cảnh sát Hoàng gia Thái Lan! Ông Cộp là doanh nhân Việt kiều có tiếng ở Udon… Nhưng chưa thấy ai nhắc đến một ông Cộp Quận trưởng cả? Những lần nhắc nhớ ấy khiến tôi đâm tò mò. Và lần này ông Cộp Quận trưởng đang ngồi kia…
Như bao gia đình Việt kiều nhiều đời tá túc ở Udon Thani, Trần Cộp có bố người Huế, mẹ quê ở Ba Đồn Quảng Bình. Gia đình Trần Cộp cũng mới mát mặt gần đây chứ trước đời sống cùng chỉ tàm tạm. Có lẽ do Trần Cộp biết làm ăn kinh tế, dần dà trở thành một doanh nhân có tiếng. Trước khi thành doanh nhân, có thời gian Trần Cộp trong lực lượng cảnh sát Hoàng gia Thái ở Udon. Hình như có nhiều người Việt đi du lịch đi làm ăn qua ngả Noongkhai để sang Udon này biết ông cảnh sát Hoàng gia Thái vì ông nhiệt tình giúp đỡ những việc cơ nhỡ khó khăn này nọ về thủ tục xuất, nhập cảnh?
|
Trần Cộp (giữa) bây giờ đang chững chạc ở vị thế Quận trưởng một quận sầm uất giao thương buôn bán làm ăn của cả Việt kiều lẫn người Thái.
|
Từ doanh nhân đến quan chức địa phương. Con đường hoạn lộ của Trần Cộp chẳng rõ gian nan hay hanh thông ra sao nhưng sau những cuộc cọ sát bầu bán cùng tranh cử theo luật sàng lọc nhân sự nghiêm ngặt của Thái Lan, Trần Cộp bây giờ đang chững chạc ở vị thế Quận trưởng một quận sầm uất giao thương buôn bán làm ăn của cả Việt kiều lẫn người Thái.
Cái duyên ông Cộp bện quện với cộng đồng người Việt ở Udon Thani là cả một câu chuyện dài… Dịp Trần Cộp trúng cử chức Quận trưởng, có hai thủ tục hình như cấp chứng chỉ và đeo lon (như gắn phù hiệu Quận trưởng lên ve áo hoặc cầu vai?). Chứng chỉ thì quan trên Trần Cộp thực thi. Còn thủ tục gắn lon thì ông đòi được về… Việt Nam để tiến hành!
Mà về Việt Nam, người ông nhờ đeo lon là ai? Đó là Trần Bắc Hà. Tu bổ nâng cấp Khu Di tích tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Udon có sự hằng tâm hằng sản của bộ đôi doanh nhân Trần Bắc Hà và Đoàn Nguyên Đức (“Bầu” Đức). Tích cực làm cầu nối khuyến khích việc làm ăn giao thương giữa bà con và doanh nhân Thái tại Udon với thị trường Việt, ông Trần Bắc Hà luôn là một đầu mối quan trọng. Như một sự tự nhiên, nhiều doanh nhân Thái và Việt kiều, trong đó có Trần Cộp đã tìm đến cú hích Trần Bắc Hà?
Minh chứng cho cú hích ấy đêm đó là khi ông GS Hiệu trưởng Trường Đại học Hoàng gia Udon xúc động phát biểu thành quả bước đầu của sự hợp tác giữa tỉnh Bình Định của Trường Đại học Quy Nhơn với Đại học Hoàng gia Udon. Trong đó, sự kiện hai chục sinh viên Bình Định hiện đang theo học tiếng Thái để mai kia bổ sung cho một số Dự án kinh tế mà Thái Lan sắp triển khai ở Bình Định. Tôi nghe rõ cụm từ cũng nhờ sự giúp đỡ tích cực của ông Trần Bắc Hà… Rồi kia là đội hình 20 sinh viên đang sắp hàng để được tham gia chúc phúc cho khách.
Ông Cộp, tên nghe trụng trượng vậy mà chưa nhiều tuổi. Sinh năm Mậu Thân 1968. Trong cuộc gặp, có một lúc, tôi để ý đến động thái thân mật của Trần Bắc Hà khi vén ống tay áo bên trái của Trần Cộp lên… Trời ơi, vốn chẳng bắt mắt gì với những hình xăm chuế, nghịch mắt này khác, nhưng tôi không thể không ấn tượng khi bất ngờ chứng kiến rờ rỡ hiển hiện trên cơ múi dềnh dàng của cánh tay Trần Cộp là hình Bác Hồ và lá quốc kỳ bện quện nhau trông rất sinh động! Không phải kiểu dán trổ đang thịnh hành mà là xăm cổ điển hẳn hoi. Hỏi xăm lâu chưa, Trần Cộp cười với một chút hãnh diện rằng, bố mẹ Trần Cộp cho xăm từ hồi còn bé!
|
Trần Cộp (bìa phải) và nhà báo Xuân Ba (bìa trái)- tác giả bài viết.
|
Từ xứ Thái quay về Thủ đô Viêng Chăn để dự Tết Bunpimay, không dày đặc san sát mà thi thoảng hai bên đường phố rời rợi sắc vàng chanh tươi tắn của thứ hoa vàng có tên Lào, Dooc khun. Mùa Dooc khun báo hiệu mùa Tết Bunpimay đã về. Những tàn cây không chót vót mà quá tầm đầu người đương buông những dải hoa với sắc vàng thảng thốt.
Bun, tạm hiểu tiếng Lào là lễ là hội. Pimay là năm mới. Gần ba ngàn năm theo lịch Mặt trăng, người Lào đã ngần ấy các Bunpimay như thế? Bunpimay, tuần tự ngàn lần như một, chả thể thiếu sắc vàng sang trọng tinh khiết của Doockhun góp vui. Dooc là hoa. Rõ rồi. Nhưng Khun trong tiếng Lào mà tôi được giải thích những là bao hàm hết thảy những may mắn tốt đẹp na ná như Phúc Lộc Thọ…
Khi thấp thoáng, lúc hiển hiện trong ký ức là thời gian hành nghề với tư cách phóng viên từng mấy tháng gập ghềnh bươn chải những năm đầu tám mươi của thế kỷ trước trên những tuyến đường hữu nghị Bắc và Trung Lào. Những tuyến Mường Khoa, những Bản Ban… do các cô gái chàng trai Ban 64 sau này có tên là Liên Hiệp giao thông 8 đảm trách. Đó là thời điểm gian khó của cả hai nước Việt Lào. Mọi sự đâu đã rành rọt cụ thể về hợp tác ngoại giao, kinh tế… như bây giờ. Chứng kiến nạn sốt rét khiến trọc đầu bao cô gái trong rừng sâu của Ban 64. Cảnh các cô phải dùng giấy báo thay cho vải màn vệ sinh. Cảnh một tốp cô gái ngó thấy đàn ông lạ tự dưng bột phát cơn tâm thần thể nhẹ mà y học gọi là “hysteria” gì đó ôm lấy nhau la hét váng rừng…
Bất chấp tất tả, những ngả đường hữu nghị Bắc Lào, Trung Lào, Nam Lào được phát quang phát tuyến được xây bằng tuổi trẻ cứ lặng lẽ nhích dần về Viêng Chăn về những trung tâm kinh tế xã hội của đất nước Lào để thênh thang, suôn sẻ những chuyến đi hôm nay vo vo, thẳng thớm bánh xe lăn. Có lẽ đã may mắn bao lần được dự những cuộc lớn, nhỏ của lễ buộc chỉ cổ tay cầu mong sự may mắn theo phong tục đẹp của xứ sở hoa cham pa nên bỗng thấy mình như đã buộc chút lòng với đất nước Lào này rồi thì phải? Vậy nên mới có thứ may lớn là được dự một cái Tết Bunpimay này?
Ngày ba mươi Tết Bunpimay! Chợt giật thột trong tâm thức, thời điểm ba mươi Tết ở xứ mình thì tha hồ mà nhoáng nhoàng cùng là hối hả, tất tả. Nhưng bên tôi, dòng xe vẫn lừ lừ trôi. Tịnh không một tiếng còi. Những sải bước dân Lào cùng dáng nam thanh nữ tú cứ thư thả thậm chí đủng đỉnh. Cũng chả thấy các gương mặt hớt hải đăm đăm với những kích rích, ôm bê. Dường như thứ Quốc giáo là Phật giáo đã bao đời nay đã gạt lọc, tấp vứt sang bên đường bao thứ tham sân si hướng cho dân lành quốc gia này theo lối thiện? Hạnh phúc thay khi nước nhỏ này mà lẩu lâu rồi đã mặc định các loại quốc! Quốc phục (y phục Lào bận vào là ra ngay chất… Lào). Quốc vũ (Điệu Lăm vông). Quốc hoa (Hoa Champa). Quốc tửu ( Rượu Coongxađen) và mẫu số chung là Quốc giáo!
Bên tôi là vị cựu sứ thần họ Tạ, nhà thơ Tạ Minh Châu từng làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền hai quốc gia là Ba Lan và Lào. Hai nhiệm kỳ của nhà ngoại giao kiêm thi sĩ họ Tạ tại quốc giáo Thiên chúa giáo Ba Lan và Phật giáo CHDCND Lào mà ông luôn coi đó là một duyên may.
Tôi nghĩ mình cũng đang gặp một duyên may khi ông thi sĩ kiêm ngoại giao Tạ Minh Châu buông nhỏ rằng, chúng ta vẫn quen với cụm từ ngoại giao nhân dân nhưng thực thi công việc đó cần phải có những con người cụ thể với cách làm sinh động và cả… bất ngờ nữa!
… Xe chúng tôi đang trên lối vào tư gia của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Lào Chummaly Sayasone.
Tư gia tọa lạc trên một vùng rộng ngoại thành Viêng Chăn hao hao như một quả đồi. Cung cách bài trí xây cất cũng na ná như kiểu biệt thự nhà vườn có ao cá hồ bơi.
Ấn tượng đầu tiên là vị lão tướng Chummaly tuổi 79, trong màn mưa xuân rơi nhẹ, lái chiếc xe chở phu nhân từ khu nhà nghỉ ra nhà tiếp khách.
Cái bắt tay truyền đi cảm giác sinh khí ấm nóng mà người cao niên ít có? Ông và bà vợ đều lịch sự chắp tay cảm ơn các vị khách Việt Nam đến chúc Tết.
Thoáng nhanh đến câu chuyện của tướng Nguyễn Chuông lúc sinh thời. Thời trận mạc đánh Mỹ cánh đồng Chum, nhiều lần ông gặp làm việc và rất ấn tượng với Tư lệnh Liên quân Lào Việt ở Mặt trận Xiêng Khoảng Chummaly Sayasone lối năm 1968 đến 1975.
Anh lính Chummaly từng chiến đấu bảo vệ Khu căn cứ cách mạng Sầm Nưa. Rồi trưởng thành đến năm 1991 là Ủy viên Bộ chính trị, năm 1996 chững chạc vị thế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào. Cao hơn là Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang và quân đội Lào tháng 3-2006, khi ở cương vị Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước.
… Ông thân mật kéo Trần Bắc Hà ngồi bên. Như một vị cao niên, trưởng thượng bàn với đám con cháu việc làm ăn. Nhưng mà ở tầm lớn. Như hiện trạng đàn bò sữa giống của Úc và Nhật hàng ngàn con ở cao nguyên Attapeu. Những vướng mắc cần tháo gỡ. Cả kế hoạch xây dựng sân bay Attapeu và sẽ khánh thành giai đoạn I sắp tới đến từng chi tiết. Tôi loáng thoáng biết được sân bay này Bầu Đức đầu tư nhiều triệu USD.
Nhưng ông cựu Đại sứ Tạ Minh Châu không lạ với cung cách bàn chuyện làm ăn thân gần ấy… Cũng tại chỗ tiếp khách này, một lần ông Chummaly Sayasone bộc bạch với Đại sứ và Bầu Đức thế này: Quê nhà Attapeu còn nghèo lắm. Hơn 30 năm giải phóng rồi mà đời sống bà con vẫn khó khăn. Băn khoăn nhiều, từng là căn cứ địa cách mạng, Đường chiến lược Hồ Chí Minh chạy qua đó đồng bào chịu đựng gian khổ hy sinh mất mát nhiều mà mình chưa làm được gì nhiều cho bà con. Thú thực nhiều khi bác thấy xấu hổ không muốn về thăm quê. Các cháu xúm tay vào lo cùng với bác nhé…
Thời điểm gặp ấy không biết là khi nào nhưng việc trồng mía đường, cao su, nuôi bò sữa… và nhiều cụm công nghiệp khác đã làm biến đổi bộ mặt quê hương nhà lãnh đạo Lào. Từ tỉnh nghèo nhất nước Lào, Attapeu trở thành địa phương có GDP cao nhất, nhanh nhất nước Lào. Nạn du canh du cư giảm bớt. Rất nhiều người dân đã trở thành công nhân của các nông trường chăn nuôi, trồng mía, cao su…Attapeu vừa được Bầu Đức xây bệnh viện 200 giường và hơn 1000 ngôi nhà tình nghĩa. Sắp tới sân bay mới khánh thành…
Đang chuyện thì có một đoàn khách. Ông Chummaly Saysone xin lỗi đứng lên, chắp hai tay, cúi đầu vẻ khiêm nhường hướng về phía khách và nói một tràng tiếng Lào. Câu chót tôi nghe lỏm được là khốp chay lai lai (cảm ơn nhiều).
Kỳ 2:
Các bài viết đáng chú ý khác: