Mô hình mới nào sẽ mở đường cho báo chí Việt Nam phát triển?

VietTimes – Báo chí phải có công nghệ, có giải pháp, có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các nhà mạng viễn thông và quan trọng nhất là có sự đồng thuận, liên kết của các cơ quan báo chí nhằm tạo ra sức mạnh để tồn tại, phát triển và tạo sức mạnh chung chống lại sự lấn át của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng những yếu tố trên là đáp án tối ưu hiện nay để báo chí giải quyết bài toán vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị, tồn tại và phát triển vừa bắt kịp xu thế vận động, phát triển của thời đại công nghệ.

Thông tin này được đưa ra tại Diễn đàn "Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí", vừa được tổ chức sáng nay (22/7) tại Quảng Ninh.

Dẫn ý kiến đánh giá của các chuyển gia về giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh, cũng như các cơ quan, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí cần tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, vừa tiết giảm chi phi, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

Trong đó, việc chuyển đổi số, sử dụng công nghệ làm nền tảng sẽ tạo ra mô hình kinh doanh mới và từ mô hình kinh doanh mới sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh, tạo ra doanh thu và tạo ra những giá trị mới cho các cơ quan báo chí.

“Để làm được việc này, chúng ta phải có công nghệ, có giải pháp, có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các nhà mạng viễn thông và quan trọng nhất là có sự đồng thuận, liên kết của các cơ quan báo chí nhằm tạo ra sức mạnh. Việc này vừa giúp cho các cơ quan báo chí tồn tại và phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của báo chí khu vực và thế giới và quan trọng hơn là tạo ra một sức mạnh chung chống lại sự lấn át của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google” – Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nói.

Báo chí quá phụ thuộc vào nguồn thu từ quảng cáo


Theo ông Đỗ Công Anh – Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT – các cơ quan báo chí đang đối mặt với rất nhiều khó khăn như sự sụt giảm nguồn thu từ quảng cáo, bán báo, từ ngân sách nhà nước, thói quen đọc, xem, nghe của bạn đọc thay đổi, phương thức làm báo truyền thống không còn thu hút độc giả như trước đây cùng với sự áp đảo của truyền thông xã hội…

Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, quảng cáo và các chuyên gia trên cả nước.

“Một trong những nghịch lý thực tế ghi nhận trong nửa đầu năm 2020, dịch COVID-19 khiến lượng truy cập vào hệ thống cơ quan báo chí tăng mạnh nhưng doanh thu quảng cáo lại giảm 50 - 60%, thậm chí có đơn vị giảm doanh thu tới 70%. Trong khi báo chí hiện vẫn phụ thuộc quá lớn vào nguồn thu quảng cáo, dẫn tới khó khăn lớn hơn cho hoạt động của các cơ quan báo chí” - ông Công Anh nói.

Bày tỏ sự thống nhất cao độ về nghịch lý phát triển của báo chí trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, ông Lê Xuân Trung – Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ TP.HCM – đưa ra thực tế: Khối lượng công việc, nội dung xuất bản tăng lên nhưng nguồn thu từ báo giấy, báo online thì giảm đi.

Nghịch lý này là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Số phát hành và quảng cáo báo giấy giảm do thị trường đình trệ, nhiều doanh nghiệp bị đóng băng. Báo online tăng trưởng bạn đọc và lượt truy cập nhưng giảm quảng cáo cũng vì lý do nhiều sự kiện, chương trình phải tạm ngưng trong mùa giãn cách xã hội.

Cùng với đó, báo chí Việt Nam quá phụ thuộc vào nguồn thu quảng cáo, đặc biệt là với các cơ quan báo chí không được hưởng nguồn ngân sách nhà nước hay nguồn tài trợ khác.

Đồng thời, ông Trung chỉ ra, báo chí Việt Nam chưa có nguồn thu từ người dùng – với tư cách là độc giả. Để giải quyết bài toán này, các cơ quan báo chí Việt Nam phải sẵn sàng đầu tư thực hiện dự án thu phí bạn đọc.

“Muốn vậy, các cơ quan báo chí phải làm được 3 việc: Phát triển nội dung sao cho có thể bán được cho bạn đọc; Đầu tư công nghệ thanh toán tiện lợi; và Lập ban chuyên trách chăm sóc khách hàng, chăm sóc bạn đọc” - Phó Tổng Biên tập Tuổi trẻ TP.HCM gợi ý.

Diễn đàn "Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí" nằm trong khuôn khổ “Dự án phát triển Báo chí Việt Nam" giai đoạn 2020 – 2024. Đây là chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.