MIT phát triển công nghệ giúp xe tự lái nhìn xuyên sương mù và bụi

Chính xác thì đây là một loại cảm biến hứa hẹn sẽ giúp xe tự lái khắc phục được một số nhược điểm còn tồn tại để có thể sớm trở thành sản phẩm chủ đạo trên thị trường.
Loại cảm biến được kỳ vọng tạo ra đột phá đối với xe tự lái của MIT. Ảnh: MIT Tech.
Loại cảm biến được kỳ vọng tạo ra đột phá đối với xe tự lái của MIT. Ảnh: MIT Tech.

Phần lớn các cuộc thử nghiệm xe tự lái ở Mỹ đều được tiến hành ở California, Arizona hay Nevada, những nơi có khí hậu khô nóng – lý do là bởi loại cảm biến dẫn đường được trang bị trên các xe tự lái hiện nay thường hoạt động khá kém [tin cậy] trong điều kiện thời tiết xấu hoặc bị giới hạn về tầm nhìn. Và theo khẳng định của MIT thì công nghệ do họ phát triển đã giải quyết được vấn đề này.

Cụ thể, loại cảm biến mà MIT đang thử nghiệm sẽ có khả năng nhận biết bức xạ ở bước sóng dưới terahezrt (1 Terahezrt = 1000 tỷ Héc), nằm giữa viba và các bức xạ hồng ngoại trên phổ điện từ, đồng nghĩa với việc chúng hoàn toàn có thể nhận diện xuyên qua màn sương mù và bụi dày đặc. Trong khi đó, loại cảm biến Lidar (radar phát sáng từ tia laser) đang được trang bị trên hầu hết các xe tự lái hiện nay đều hoạt động dựa trên bước sóng hồng ngoại, cho nên rất khó tránh khỏi gián đoạn trong điều kiện bất lợi như vậy. Mặc dù vậy, loại cảm biến sub-terahertz lại tồn tại một số hạn chế khi chúng thường chỉ hoạt động hiệu quả đối với tín hiệu bức xạ mạnh, bên cạnh những trang thiết bị cồng kềnh và đắt tiền – đó cũng là lý do mà tại sao công nghệ này ít được thử nghiệm trước kia.

Các nhà khoa học của MIT đã tạo ra đột phá khi chế tạo thành công một nguyên mẫu cảm biến sub-terahertz vừa vặn bên trong kích thước của một con chip song vẫn đủ nhạy để cung cấp những thông tin hữu ích, ngay cả trong điều kiện xuất hiện nhiều tiếng ồn lớn. Sở dĩ làm được điều này, theo lý giải của các chuyên gia, đó là nhờ vào cơ chế “decentralization” (phân tán) bao gồm một bảng pixel (điểm ảnh) bố trí trên thân con chip để hỗ trợ nhiệm vụ xác định khoảng cách tới các vật thể ở gần xe nhất – nguyên lý khá giống lidar nhưng thậm chí còn ưu việt hơn khi được điều hướng để ghi lại hình ảnh độ phân giải cao về môi trường xung quanh.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng rất nhiều kết quả nghiên cứu hứa hẹn trong phòng lab hiện vẫn chưa thể được nhân rộng lên thành các sản phẩm hữu dụng trong thực tế. Ngoài ra, công nghệ cảm biến trên đây chỉ là một trong số nhiều dự án mới của MIT liên quan đến xe tự lái. Được biết, học viện kỹ thuật danh tiếng này còn đang phát triển một thuật toán giúp xe thực thi các tác vụ như đổi lái chính xác hơn, hay thử nghiệm một hệ thống điều hướng cho khu vực đường nông thôn – nơi hệ thống GPS hoạt động chưa được tốt như mong đợi.

Theo Khoa học & Phát triển

http://khoahocphattrien.vn/cong-nghe/mit-phat-trien-cong-nghe-giup-xe-tu-lai-nhin-xuyen-suong-mu-va-bui/20190222031846451p1c859.htm