|
Trong khi hàng trăm hộ dân thuộc các huyện vùng trũng của Phú Yên hối hả chạy lũ, hàng ngàn người Quảng Ngãi gồng mình gánh lũ thì Bình Định, Quảng Nam gần như "thất thủ" trước lũ dữ (ảnh Tiến Sỹ, Binh Dinh Online) |
Dân hối hả chạy lũ!
Do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc và nhiễu động gióng Đông, liên tiếp 2 ngày qua, các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa trên 150mm. Riêng khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa to đến rất to từ 200-300mm. Mưa lớn kết hợp với các hồ thủy điện trên địa bàn xả lũ khiến hàng ngàn ngôi nhà của hàng ngàn hộ dân tại khu vực chìm trong nước lụt.
Nước lên nhanh khiến người dân trở tay không kịp đành bỏ lại tài sản, hối hả chạy lũ. Nhiều khu vực thuộc địa bàn các huyện vùng thấp tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên bị ngập sâu từ 0,5-1m, có nơi bị ngập lên đến 2m khiến nhà cửa, ruộng vườn, hoa màu bị hư hại nặng nề.
Tại huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên), đã có 11 xã, thị trấn của huyện này bị cô lập hoàn toàn. "Toàn huyện di dời hàng ngàn hộ dân vùng trũng thấp lên cao an toàn. Nước sông Kỳ Lộ dâng cao, nguy cơ ngập lụt còn diễn biến phức tạp", ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT, Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Đồng Xuân chia sẻ.
Không chỉ Phú Yên mà ở Quảng Ngãi, cơ quan chức năng tỉnh này đã phải sơ tán khẩn cấp người dân khu vực hạ du sông Trà Câu, Trà Khúc,.. do khu vực bị ngập nặng và cô lập hoàn toàn.
Theo báo cáo của Văn phòng Chi cục phòng, chống thiên tai khu vực MTTN, mưa lũ từ 12/12-15/12 đã làm 3 người chết (Huế: 01 người; Quảng Ngãi: 01 người; Khánh Hòa: 01 người), 6 người ở Phú Yên bị thương; Mưa lũ làm 51 ngôi nhà bị sập, hư hỏng (Quảng Ngãi: 02 nhà; Bình Định: 11nhà; Khánh Hòa: 11nhà; Gia Lai: 02 nhà; Phú Yên: 25 nhà); 4.974 nhà bị ngập (Thừa Thiên Huế: 1.420 nhà; Quảng Nam: 716 nhà; Quảng Ngãi: 1.629 nhà; Bình Định: 985 nhà; Khánh Hòa: 224 nhà); 03 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất.
Tại Quảng Ngãi, hơn 820 hộ dân của huyện Tư Nghĩa bị nước lũ cô lập. Nhiều khu vực thuộc các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa bị ngập sâu từ 0,5- 1,5m và buộc phải sơ tán đến nơi an toàn vì nguy cơ nước lũ chia cắt, sạt lở. Chỉ trong ngày 15/12, các ngành chức năng Quảng Ngãi đã tổ chức di dời, sơ tán xen ghép 1.579 hộ dân nằm trong vùng bị ngập sâu, sạt lở núi đến nơi an toàn.
Bình Định, Quảng Nam "thất thủ!
Mưa lớn liên tục khiến hầu hết huyện trên địa bàn tỉnh Bình Định bị chìm trong nước. Các xã thuộc các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, TP Quy Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn… lâm vào cảnh cô lập, người dân không thể di chuyển ra ngoài, phải chờ được tiếp tế lương thực, mì tôm, nước uống… và di dời khỏi vùng nguy hiểm.
Tại huyện Hoài Nhơn (Bình Định), lực lượng Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện phải đã chở mì tôm và nước uống xuống các xã vùng hạ du sông Lại Giang để cứu trợ, đồng thời chỉ đạo di dời dân ở các vùng bị cô lập.
Đồng thời lực lượng quân đội thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5 được điều động để cứu hộ người dân vùng bị lũ cô lập và di chuyển người dân bị kẹt, nhất là người già, trẻ em và phụ nữ mang thai ra khỏi vùng nguy hiểm. Ngoài ra vận chuyển 6 chuyến hàng gồm nước uống, mì tôm và các nhu yếu phẩm khác cho người dân ở những vùng không có điều kiện nấu ăn.
Đặc biệt, tại huyện thôn Vạn Hội, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, do mưa lớn làm sạt lở một khối lượng đất trên núi xuống hồ Vạn Hội gây ra mực nước dâng cao khiến hồ chứa có nguy cơ vỡ. Trước sự việc, Lữ đoàn 572, Quân khu 5 đã cắt cử cán bộ, chiến sỹ cùng phương tiện túc trực ứng cứu nếu hồ bị vỡ.
Chỉ tính riêng ở huyện Tây Sơn (Bình Định) đã có 10/15 xã, thị trấn của huyện bị ngập nặng với 4.609 hộ, đã có 1 nhà bị sập. Một số xã bị ngập nặng và có nhiều thôn, xóm bị nước lũ cô lập như: 3 xóm của thôn Phú Lạc (Bình Thành) với 400 hộ, 1.200 nhân khẩu; Khối 1A, khối Phú Xuân (thị trấn Phú Phong) với 1.067 hộ với 4.953 khẩu; các xóm: Xóm Đồng, xóm Đình, thôn Lai Nghi, xóm Trung, thôn 3, Xóm Trung, thôn 1 (xã Bình Nghi) với 270 hộ với trên 1.000 nhân khẩu.
Trước diễn biến của lũ, tỉnh Bình Định đã phải sơn tán hàng ngàn người dân ở các xã thuộc các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, TP Quy Nhơn, Phù Mỹ,... ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tại Quảng Nam, mưa lớn diễn ra trên diện rộng khiến nhiều huyện đồng bằng như Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Nông Sơn... bị ngập sâu. Các huyện miền núi cũng ghi nhận những thiệt hại đầu tiên do sạt lở.
Tại Điện Bàn, Phú Ninh đã xảy ra 2 trường hợp đi làm bị nước lũ cuốn trôi buộc chính quyền địa phương huy động lực lượng tìm kiếm. Huyện Phú Ninh có gần 6.000ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, không thể chuẩn bị cho vụ Đông xuân 2016-2017.
Các tuyến đường QL 14B, 14E, đường liên huyện Phước Sơn, Tiên Phước, Tây Giang,... bị sạt lở nghiêm trọng khiến giao thông bị ách tắc, một số khi vực lở đất khiến nhiều nhà dân bị vùi lấp, thiệt hại nhiều tài sản của người dân.
Theo thông tin từ Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam, các quốc lộ QL40B, QL14E, QL14B, 14D, 14E, 40B và 24C bị sạt lở taluy dương với khối lượng đất đá lên đến gần 100.000m3 cả ở taluy âm và taluy dương. Bên cạnh đó, các tuyến ĐT liên huyện cũng bị hư hỏng nặng khiến giao thông trên địa bàn các huyện bị chia cắt.
Đặc biệt tại huyện Điện Bàn, các xã Điện Phương, Điện Minh (trừ tuyến quốc lộ 1) và một phần ở các địa phương Vĩnh Điện, Điện Nam Đông, Điện Hòa, Điện Phong... đã ngập hoàn toàn trong lũ 1-2m. Mọi tuyến đường vào xã Điện Phương đều đã bị cô lập nên người già, trẻ em đang được ưu tiên di tản bằng ghe. Chỉ huy Quân sự thị xã Điện Bàn đã di dời hơn 5.000 hộ dân dân tại đến nơi an toàn.
Thiệt hại nặng nề nhất là TP Hội An, lũ lên nhanh đã nhấn chìm nhiều vùng trũng thấp của các xã, phường như Cẩm Kim, Thanh Hà, Cẩm Nam, Minh An, Cẩm Phô, Cẩm Châu..., có nơi bị ngập sâu hơn 3m. Nhiều khu vực gần như ngập hoàn toàn. Ngoài ra nhiều tuyến phố, tuyến đường nối khu dân cư bị lũ chia cắt, gây cô lập với bên ngoài.
Trước diễn biến của mưa lũ, UBND TP.Hội An đã chỉ đạo có các ngành hữu quan thông báo rộng rãi trên hệ thống thông tin của thành phố và giao cho các lực lượng chức năng cùng các địa phương ở vùng thấp lụt tăng cường công tác quản lý, kiểm soát người và phương tiện, sơ tán du khách lưu trú và theo dõi bảo đảm an toàn đối với nhà cổ.