Mi Note 2 là một chiếc smartphone tốt, có nên mua?

Mi Note 2 đã gần chạm đến ngưỡng hoàn hảo, nhưng chỉ vì một lý do duy nhất đã khiến nó mất điểm hoàn toàn trong mắt tôi
Màn hình ám xanh của Mi Note 2 cho thấy nó chỉ là một bản copy thiếu tinh tế của Galaxy Note7
Màn hình ám xanh của Mi Note 2 cho thấy nó chỉ là một bản copy thiếu tinh tế của Galaxy Note7

Mi Note 2 là một chiếc smartphone với rất nhiều ưu điểm. Nó sở hữu một thiết kế đẹp và cao cấp hơn bất kỳ chiếc điện thoại Trung Quốc nào mà tôi từng có dịp trên tay. Nó cho một trải nghiệm mượt mà với cấu hình mạnh thuộc hàng top hiện nay. Nó có một thời lượng pin "khủng" nhờ vào dung lượng lên đến 4070mAh.

Và trên hết, nó đem lại một giá trị tuyệt vời khi bạn có thể sở hữu tất cả những yếu tố trên chỉ với mức giá khoảng 11 triệu đồng. Thế nhưng, mặc cho hàng loạt những ưu điểm trên, tôi không đánh giá cao chiếc điện thoại này, đặc biệt khi xét đến việc đây là một chiếc máy thuộc phân khúc cao cấp của Xiaomi.

Một điều tôi cần phải thừa nhận là mặc dù có cơ hội được sử dụng Mi Note 2 trong vòng hơn 1 tháng, nhưng chiếc máy này thường bị tôi bỏ xó ở một góc. Điều trớ trêu là tôi bỏ mặc nó không phải để sử dụng những chiếc máy khác "xịn" hơn như Galaxy S7 edge hay iPhone 7, mà là vì chiếc Redmi Note 3 Pro cũng đến từ Xiaomi.

Đến đây bạn sẽ tự hỏi: tại sao tôi có Mi Note 2 mà lại thích sử dụng Redmi Note 3 Pro hơn? Lý do gói gọn ở hai chữ: màn hình. Xiaomi Mi Note 2 có lẽ là chiếc máy flagship có màn hình tệ nhất trong vòng một vài năm trở lại đây mà tôi từng được thấy.

Trước hết hãy cùng đi vào một vài thông số kỹ thuật của nó. Màn hình của Mi Note 2 do LG sản xuất, sử dụng công nghệ OLED, có độ phân giải Full HD, tương đương với mức ppi là 386. Mặc dù chỉ có độ phân giải Full HD, nhưng với mức ppi khá cao, nhiều người sẽ nghĩ rằng màn hình của Mi Note 2 vẫn sẽ rất sắc nét. Nhưng sự thật thì không phải như vậy.

Cũng như đa số các màn hình OLED/AMOLED hiện nay, màn hình của Mi Note 2 sử dụng công nghệ Pentile, hay cụ thể hơn là Diamond Pentile. Thông thường trên các màn hình LCD, mỗi pixel bao gồm 3 sub-pixel nhỏ, tương ứng với 3 màu là đỏ (R), xanh lá (G), và xanh biển (B) để tạo nên ma trận RGB. Trong khi đó với công nghệ Diamond Pentile trên Mi Note 2, mỗi điểm ảnh chỉ bao gồm 2 sub-pixel, bao gồm 1 sub-pixel lớn xanh lá, 0.5 sub-pixel xanh biển và 0.5 sub-pixel đỏ. Những nửa sub-pixel xanh biển và đỏ kia sẽ được chia sẻ giữa các pixel với nhau để đảm bảo khả năng tái tạo màu sắc.

Do sở hữu số lượng pixel ít hơn so với màn hình LCD thông thường, các màn hình OLED/AMOLED Pentile luôn có độ sắc nét thấp hơn mặc dù có cùng kích thước và độ phân giải. Samsung tăng độ phân giải trên màn hình smartphone của họ lên 2K không phải là không có lý do. Chính độ phân giải cao đã che lấp lỗ hổng về độ sắc nét, đặc biệt là trên các thiết bị màn hình lớn như Galaxy Note.

Tuy nhiên, Xiaomi vẫn quyết định sử dụng độ phân giải Full HD trên chiếc máy của mình. Điều này khiến độ sắc nét của màn hình Mi Note 2 tương đương với chiếc Galaxy Note 3 cách đây 3 năm trước (cũng có kích thước 5.7 inch và độ phân giải Full HD). Năm 2013, màn hình của Galaxy Note 3 thuộc vào hàng rất tốt, nhưng ở thời điểm 2016 hiện tại thì mọi chuyện đã khác.

Minh chứng rõ ràng nhất là khi so sánh giữa màn hình của Mi Note 2 với Redmi Note 3 - một chiếc máy với giá chỉ bằng 1/4, màn hình của Mi Note 2 cho độ sắc nét kém hơn hẳn.

Không chỉ vậy, màn hình của Mi Note 2 cũng bị ám xanh rất nặng, đặc biệt là khi hiển thị màu trắng. Điều này khiến cho trải nghiệm bị ảnh hưởng khá nhiều, do các thành phần giao diện của MIUI sử dụng rất nhiều màu trắng.

Khả năng hiển thị màu tối của Mi Note 2 cũng có vấn đề. Khi thử nghiệm với bài kiểm tra gradient/banding, tôi khá bất ngờ khi thấy màn hình của máy không thể hiển thị chính xác sự chuyển dịch màu sắc từ sáng sang tối, mà cụ thể ở đây là gam màu xám. Thay vì hiển thị gam màu tối dần một cách từ từ, Mi Note 2 lại hiển thị thành màu đen hoàn toàn, kèm theo hiện tượng banding xảy ra rất rõ rệt.

Đến đây bạn sẽ tự hỏi: "Điều này ảnh hưởng gì đến chất lượng hiển thị?" Hãy xem hình ảnh so sánh dưới đây và để ý tới phần nước.

Nhưng vấn đề vẫn chưa kết thúc ở đây. Độ sáng cũng là một điểm yếu không thể bỏ qua của màn hình này. Khi đặt độ sáng ở mức thấp nhất, màn hình của Mi Note 2 vẫn rất sáng, gây khó chịu cho mắt của con người khi sử dụng điện thoại trong bóng tối. Nếu bạn là một người có thói quen đọc truyện trước khi đi ngủ, hay nửa đêm bạn bạn tỉnh dậy và bật chiếc Mi Note 2 để xem giờ, tôi tin chắc rằng bạn sẽ cảm thấy căm ghét chiếc điện thoại này hơn bao giờ hết.

Mặc dù vậy, khi đi ra ngoài nắng, Mi Note 2 lại... tắt điện khi cho độ sáng khá thấp và người dùng sẽ gặp khó khăn để đọc nội dung trên màn hình. Trên thực tế, khi kéo thanh điều chỉnh độ sáng, sự thay đổi là không nhiều. Điều này cho thấy những hạn chế rõ ràng của màn hình Mi Note 2, khi khoảng cách giữa độ sáng thấp nhất và cao nhất là rất ít.

Rõ ràng, màn hình không phải yếu tố duy nhất để đánh giá một chiếc smartphone, thế nhưng, nó đóng một vai trò quan trọng bậc nhất trong việc quyết định trải nghiệm của người dùng. Cấu hình mạnh, lướt web đã, chơi game mượt, chụp ảnh đẹp liệu có còn ý nghĩa khi chúng đều được hiển thị qua một cái màn hình tệ hại? Đối với tôi thì câu trả lời là không - và cũng chính vì vậy nên cứ mỗi lần nhìn thấy chiếc Mi Note 2 trên bàn, tôi chỉ cầm nó trong một vài giây để cảm nhận thiết kế, và rồi lại cất vào hộp sau khi bấm nút nguồn và nhìn thấy màn hình của nó.

Mi Note 2 là một trong những lựa chọn sáng giá nhất trong phân khúc, nếu như bạn có thể "chịu đựng" được màn hình của nó. Nhưng, sau bài viết này, tôi nghĩ rằng sẽ không nhiều người sẵn sàng bỏ ra hơn 10 triệu đồng cho một chiếc smartphone có màn hình thậm chí còn thua kém cả nhiều mẫu máy tầm trung.

Đương nhiên, để đạt được mức giá cạnh tranh, Mi Note 2 cần phải hy sinh vài thứ, và màn hình chính là một trong số những yếu tố đó. Rõ ràng, với việc Samsung không bao giờ bán công nghệ tiên tiến nhất của mình cho đối thủ, kèm theo kinh phí hạn chế, Xiaomi buộc phải sử dụng màn hình có chất lượng thấp hơn, và kết quả thì các bạn đã thấy rồi đó. Màn hình cong, tưởng chừng là ưu điểm lớn nhất của Mi Note 2, bỗng chốc trở thành điểm yếu chí mạng.

Có thể thấy Mi Note 2 là nỗ lực của Xiaomi trong việc sao chép chiếc phablet từng làm mưa làm gió trước đó - Galaxy Note7. Sao chép không phải lúc nào cũng là xấu, nhưng, đằng sau đó cần là những suy nghĩ thấu đáo. Đối với Mi Note 2, việc sao chép đối thủ có vẻ như mang lại nhiều vấn đề hơn là lợi ích. Nếu như Xiaomi quyết định sử dụng một tấm nền IPS LCD thay cho công nghệ OLED dẻo đắt đỏ, và sử dụng khoản tiết kiệm đó để đầu tư hơn cho hệ thống camera, tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm được chiếc điện thoại hoàn hảo ở trong phân khúc.

Nhưng rất tiếc, Xiaomi đã không làm vậy. Và cũng chính vì thế nên Mi Note 2 à, chúng ta sẽ không bao giờ có thể đến được với nhau.

Theo Trí thức trẻ