Nếu theo ước tính của Tổng cục Thống kê vào cuối tháng 8, nền kinh tế vẫn tiếp tục đà nhập siêu hầu như liên tục từ đầu năm đến nay, chứ không còn “ngập ngừng” khi thì xuất siêu, lúc lại nhập siêu như năm 2014.
Thế nhưng, theo số liệu thống kê vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trong khi kim ngạch xuất khẩu vẫn là gần 14,5 tỉ đô la Mỹ, thì kim ngạch nhập khẩu đã bất ngờ giảm xuống chỉ còn hơn 14,1 tỉ đô la Mỹ, cho nên nền kinh tế đã chuyển sang xuất siêu gần 350 triệu đô la Mỹ, đạt tỷ lệ xuất siêu 2,5%. Cho dù mức xuất siêu cũng chưa thật lớn, nhưng đây vẫn là kết quả rất đáng mừng, bởi đây mới chỉ là tháng thứ hai nền kinh tế nước ta xuất siêu từ đầu năm đến nay.
Các số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong khi tổng kim ngạch xuất siêu trong tháng 4 và tháng 8 vừa qua chưa đạt nửa tỉ đô la Mỹ, còn trong sáu tháng còn lại thường xuyên nhập siêu lớn, cho nên lũy kế nhập siêu tám tháng vẫn là gần 3,8 tỉ đô la Mỹ và tỷ lệ nhập siêu vẫn là 3,5%.
Cho dù vậy, những biến động của giá cả đã làm cho cả hai “rổ hàng hóa” xuất và nhập khẩu đều biến dạng rất lớn.
Thứ nhất, giá hàng xuất khẩu trong tám tháng đầu năm nay nhìn chung tiếp tục giảm mạnh, làm “rổ hàng hóa xuất khẩu” của nước ta tiếp tục co lại rất nhiều.
Cụ thể, các số liệu thống kê của hải quan cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu trong tám tháng đầu năm nay là 106,5 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng khiêm tốn 9,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Tuy nhiên, trong khi tổng kim ngạch 15 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu có đủ số liệu thống kê về lượng và giá trị chỉ đạt gần 15 tỉ đô la Mỹ, giảm rất mạnh 21,4% so với cùng kỳ năm 2014, thì ngược lại, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng còn lại đạt 91,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 16,7%. Nguyên nhân là giá xuất khẩu nói chung, nhất là các mặt hàng nông sản và nguyên liệu, vẫn tiếp tục xu thế giảm từ năm 2012 đến nay.
Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê xuất khẩu cho thấy, nếu cùng quy về giá năm 2011, thì tổng kim ngạch xuất khẩu 15 mặt hàng này trong tám tháng đầu năm nay là 21,3 tỉ đô la Mỹ.
Khoảng cách khổng lồ 6,3 tỉ đô la Mỹ giữa kim ngạch xuất khẩu thực tế và kim ngạch xuất khẩu quy giá năm 2011 đồng nghĩa với việc chúng ta bị thua thiệt kỷ lục 42,2% kim ngạch xuất khẩu thực tế do giá xuất khẩu đã giảm quá sâu.
Tuy giá hàng xuất khẩu giảm sâu ở các mặt hàng nông sản và nguyên liệu chủ yếu đã làm rổ hàng hóa xuất khẩu của nước ta “co lại” rất mạnh, nhưng nhờ gia tăng xuất khẩu các mặt hàng còn lại mạnh hơn nhiều, cho nên mới có được nhịp tăng 9,2% trong xuất khẩu nói chung, điều rất đáng khích lệ.
Thứ hai, cũng tương tự như trong xuất khẩu, giá hàng nhập khẩu cũng tiếp tục giảm mạnh, cho nên “rổ hàng hóa nhập khẩu” cũng “co lại” rất mạnh.
Các số liệu thống kê tám tháng đầu năm từ năm 2011 cho đến nay cho thấy, tổng kim ngạch nhập khẩu 17 mặt hàng chủ yếu có đủ số liệu thống kê về lượng và giá trị vẫn khá ổn định trong khoảng 23-25 tỉ đô la Mỹ.
Thế nhưng, nếu cùng quy về giá tám tháng đầu năm năm 2011 thì tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này tám tháng đầu năm nay đã “nở ra” kỷ lục 35,1 tỉ đô la Mỹ, tức là cao hơn đến 11,3 tỉ đô la Mỹ so với kim ngạch nhập khẩu thực tế chỉ ở mức 23,8 tỉ đô la Mỹ, tương ứng với tỷ lệ 47,4%.
Hẳn nhiên, khoản “co lại” 11,3 tỉ đô la Mỹ này trong nhập khẩu 17 mặt hàng chủ yếu đồng nghĩa với việc chúng ta được lợi rất lớn do giá giảm, nhưng chính nó đã “làm mờ” nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu rất lớn hiện nay.
Sở dĩ như vậy là bởi lẽ, trong khi nhập khẩu nhóm hàng này tám tháng đầu năm giảm 5,3%, nhưng tổng kim ngạch nhập đã khẩu tăng 16,8% thì trên thực tế nhập khẩu tất cả các mặt hàng còn lại đã tăng đến mức 24,8%.
Như vậy, nếu cùng quy về giá cùng kỳ năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu trong tám tháng đầu năm nay tuy đạt 112,8 tỉ đô la Mỹ, nhưng chỉ tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2014, còn nhập khẩu đã đạt kỷ lục 121,6 tỉ đô la Mỹ, tăng vượt trội 23,9%, cho nên nhập siêu cũng đã đạt hơn 8,7 tỉ đô la Mỹ và tỷ lệ nhập siêu đang là 7,8%.
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, tuy xuất khẩu vẫn tăng rất đáng khích lệ, nhưng nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu đã cao gần gấp đôi, cho nên nhập siêu cũng rất lớn. Như vậy, một khi giá hàng hóa trên thị trường thế giới ngừng giảm, nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu đương nhiên sẽ tăng mạnh hơn, nhưng nhập khẩu sẽ lại tăng phi mã và căn bệnh nhập siêu sẽ tái phát. Thực tế quy mô và tỷ lệ nhập siêu cao kỷ lục trong cùng kỳ năm 2011, thời điểm giá hàng hóa thế giới cao nhất trong vòng năm năm trở lại đây, là bằng chứng đủ sức thuyết phục.
Theo TBKTSG