|
Mẹo giải phóng không gian lưu trữ trên Windows 10 |
Điều này không thành vấn đề với người dùng HDD 500GB hay 1TB, nhưng sẽ gây khó chịu nếu bạn dùng SSD 128GB do túi tiền eo hẹp hay thậm chí là eMMC 16/32/64GB với những mẫu tablet Windows giá rẻ. Đừng lo lắng, Windows 10 có một số công cụ cho phép giải phóng không gian chiếm dụng của hệ điều hành, mang lại dung lượng lưu trữ cho người dùng. Dưới đây là các công cụ giải phóng không gian đĩa cứng trên Windows 10 do trang MakeUseOf thực hiện:
1. Storage Sense
Từ bản cập nhật Creators Update, tính năng tự động dọn dẹp mang tên Storage Sense được bổ sung rất hữu ích trong trường hợp file hệ thống chiếm quá nhiều không gian lưu trữ. Nó không làm gì ghê gớm cả, chỉ giúp bạn xóa file một cách tự động mà thôi.
Để kích hoạt Storage Sense, bật Settings -> System -> Storage -> Storage Sense -> chọn On để kích hoạt Storage Sense.
Bạn có thể nhấn vào Change how we free up space để tùy chỉnh sâu hơn Storage Sense với 2 tùy chọn: Delete temporary files that my apps aren't using (xóa file tạm mà các app không còn sử dụng), Delete files that have been in the recycle bin for over 30 days (xóa file đã đưa vào thùng rác hơn 30 ngày).
2. Compact OS
Đây là tính năng cho phép Windows nén file hệ thống và file từ Windows Store giúp giải phóng bớt không gian chiếm dụng của chúng trên ổ cứng. Compact OS mất một chút thời gian để nén, nhưng bạn có thể tiết kiệm khoảng 1.5GB (32-bit) và 2.6GB (64-bit) không gian lưu trữ khi quá trình nén hoàn tất.
Tính năng đòi hỏi một ít bộ nhớ RAM do phải tiến hành giải nén khi có file cần truy cập, nhưng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến hiệu suất tổng thể. Cũng cần lưu ý rằng Compact OS sẽ xóa phân vùng khôi phục hệ thống, do đó bạn sẽ không thể khôi phục cài đặt gốc về nguyên bản của nhà sản xuất nếu máy tính gặp lỗi bất ngờ.
Biên tập viên trang MakeUseOf đã thử kích hoạt Compact OS trên Dell XPS 13 với phân vùng khôi phục chiếm khoảng 7.3GB. Sau khi bật Compact OS thì ổ cứng trống thêm khoảng 9GB (32-bit) và 11GB (64-bit), thậm chí máy tính còn chạy nhanh hơn sau khi nén.
Nếu đã quyết định sử dụng Compact OS, bạn có thể bắt đầu bằng cách kích hoạt Command Prompt với quyền Admin, sau đó nhập dòng lệnh dưới đây rồi nhấn Enter:
Compact /CompactOS:query
Nếu kết quả hiện ra giống như hình trên, bạn có thể bắt đầu nén hệ thống với dòng lệnh sau:
Compact /CompactOS:always
Quá trình nén mất khoảng vài phút, lưu ý không được tắt máy hay để máy tắt đột ngột trong khi nén vì hệ thống sẽ gặp lỗi, bạn có thể phải cài lại Windows để sử dụng. Tốt nhất là nên backup lại tất cả các file trong máy trước khi nén.
Nếu muốn tắt Compact OS, bạn nhập dòng lệnh sau:
Compact /CompactOS:never
Việc giải nén cũng cần vài phút để hoàn tất, bạn cũng không được tắt máy khi đang giải nén.
3. Nén NTFS
Bạn có biết rằng Windows còn chọn lọc các file và thư mục để nén trong khi vẫn cho bạn truy cập chúng bình thường không? Tính năng này gọi là nén NTFS và nó tốt hơn nhiều so với các phần mềm nén như 7-Zip hay WinRAR.
Kích hoạt File Explorer rồi chọn bất cứ tập tin hay thư mục nào, nhấp chuột phải -> Properties -> trong tab General chọn Advanced -> đánh dấu tick vào ô Compress contents to save disk space rồi chọn OK để hoàn tất.
Cần lưu ý rằng khi bật tính năng này, máy sẽ dùng nhiều tài nguyên CPU mỗi lần truy cập file để giải nén chúng. Lượng tài nguyên tiêu tốn còn tùy vào loại file và dung lượng, tuy nhiên sẽ không thành vấn đề nếu CPU của bạn đủ nhanh. Ngoài ra, chỉ áp dụng nén NTFS cho các file thường dùng (như tài liệu), tránh dùng cho file phim hay nhạc vì chúng đã được nén sẵn bởi bộ giải mã riêng. Không được nén NTFS cho file hệ thống.
4. Lưu app và file media vào bộ nhớ ngoài
Một trong những cải tiến lớn nhất trên Windows 10 là khả năng cài app từ Windows Store vào các thiết bị lưu trữ ngoài (như ổ lưu trữ USB, thẻ nhớ SD hay ổ cứng HDD rời). Tính năng trên cũng áp dụng với các file media như phim, nhạc, ảnh giúp giải phóng rất nhiều không gian đĩa cứng.
Trước khi bắt đầu thực hiện, nhớ cắm sẵn thiết bị lưu trữ ngoài vào máy:
Bật Settings -> System -> Storage -> More storage settings -> Change where new content is saved.
Tại đây, bạn có thể chọn phân vùng lưu file mặc định cho từng loại dữ liệu (mặc định sẽ là ổ C), nhấp vào mũi tên xổ xuống rồi chọn phân vùng mới. Nhấn Apply để hoàn tất.
5. Dùng dịch vụ đám mây
Các dịch vụ lưu trữ đám mây là giải pháp hoàn hảo để tiết kiệm không gian đĩa cứng. Với OneDrive, Microsoft cho phép chỉ đồng bộ các file hay thư mục nhất định xuống chứ không cần tải tất cả chúng. Nếu tắt tất cả, bạn sẽ có một phân vùng riêng và không liên quan gì đến ổ cứng trong máy, nhưng phải mất thời gian chờ file tải về nếu muốn truy cập chúng.
Bật OneDrive. Từ thanh taskbar, nhấp chuột phải vào biểu tượng OneDrive rồi chọn Settings. Trong tab Account, chọn Choose folders, tiếp theo bỏ chọn các thư mục mà bạn không cần đồng bộ về ổ cứng, cuối cùng nhấp OK để hoàn tất.
Một số dịch vụ đám mây khác cũng hỗ trợ tính năng này, bạn có thể tìm chúng trong phần cài đặt của từng dịch vụ.
6. Những khu vực được "đặt hàng" trước
Có 2 khu vực chính trong Windows 10 được "đặt hàng trước" cho từng tính năng cụ thể và chúng cũng chiếm khá nhiều dung lượng.
Hibernate
VnReview đã có bài viết chi tiết về tác dụng của Hibernate (và file hiberfil.sys có dung lượng hàng GB để lưu dữ liệu dành cho Hibernate), cũng như cách tắt Hibernate để giải phóng không gian đĩa cứng. Bạn đọc có thể xem chi tiết tại đây.
Lưu ý rằng Hibernate phải được bật nếu muốn dùng tính năng Fast Startup (khởi động nhanh) trên Windows 10.
System Restore
Windows 10 không có sẵn phân vùng phục hồi, nó sử dụng System Restore, tính năng tạo và lưu lại toàn bộ hệ thống để phục hồi trong trường hợp hệ thống gặp lỗi.
Đây là tính năng thực sự hữu ích, nhưng nó chiếm rất nhiều không gian ổ cứng. Theo mặc định, Windows 10 dành 15% dung lượng ổ cứng để chứa file dùng cho System Restore, tức nếu bạn dùng ổ cứng 500GB thì khu vực cho System Restore chiếm đến 75GB. Nếu cảm thấy không cần thiết, bạn có thể tắt tính năng này đi (hoặc giảm mức độ chiếm dụng không gian của khu vực). System Restore thực sự rất hữu dụng, vì vậy tôi không khuyến khích bạn đọc tắt nó mà chỉ cần giảm dung lượng "đặt chỗ" là được.
Bật Control Panel -> tìm kiếm System Restore. Trong kết quả hiện ra dưới phần System, chọn Create a restore point. Cửa sổ System Properties hiện ra -> chọn Configure.
Để vô hiệu System Restore, chọn Disable system protection. Để giảm dung lượng cho khu vực bị chiếm dụng bởi System Restore, kéo thanh trượt ở phần Max Usage về bên trái đến số mà bạn thích.
7. Disk Cleanup
Chạy Disk Cleanup mỗi tháng một lần có thể giúp giải phóng kha khá dung lượng ổ cứng khỏi các file không còn cần thiết. Tôi thường chạy Disk Cleanup mỗi khi nâng cấp Windows thông qua Windows Update.
Khi Windows cập nhật, nó sẽ sao lưu hệ thống trước vào một thư mục riêng phòng khi hệ thống gặp lỗi hoặc bạn muốn quay về trạng thái trước khi cập nhật. Folder này có thể rất lớn, từ vài GB đến vài chục GB.
Kích hoạt ứng dụng Disk Cleanup -> chọn Cleanup system files. Chờ vài phút để Windows tập hợp các file không cần thiết, sau đó chọn các file mà bạn thấy không cần như Windows Update, Tempopary internet files, Temporary files hay Recycle Bin. Sau khi chọn xong, nhấp OK để bắt đầu dọn dẹp. Hãy chắc chắn bản cập nhật mới của Windows hoạt động ổn định và bạn không còn cần đến file nào trong thùng rác nữa.
Bạn giải phóng không gian đĩa cứng như thế nào?
Hy vọng với những mẹo và công cụ trên, bạn sẽ có thêm không gian lưu trữ trên máy cho các dữ liệu mà mình cần thiết. Nếu biết các thủ thuật tiết kiệm dung lượng bộ nhớ khác, bạn hãy chia sẻ để mọi người cùng biết nhé.