Nghe giọng nói, cách nói của mẹ, không ai nghĩ mẹ là người Thái Lan 100%. Tên khai sinh của mẹ là Khăm Xón Chèm Chăn. Quê hương mẹ ở tỉnh Xà Cồn, đông bắc Thái Lan. Người dân ở đây ai cũng biết mẹ theo cái tên Việt Nam: Tống Thị Hiền, vốn là họ và tên của chồng mẹ - ông Tống Văn Hiền.
Theo chồng rời nơi chôn nhau cắt rốn
“Ngày đó bố tôi đã có hộ khẩu và cả ruộng đất ở Thái Lan. Ông làm thợ may. Khi Bác Hồ kêu gọi Việt kiều về nước, ông đưa gia đình về” - ông Tống Nguyên Ước, con trai thứ bảy của mẹ Hiền, cho biết.
Còn mẹ thì tủm tỉm cười, kể: “Lúc đầu ông ấy cứ sợ tôi không về, ông khóc, ôm đứa ni, xoa đầu đứa tê bảo chắc mẹ con không về với bố đâu, anh em con có đứa ở lại có đứa theo bố về, phải xa nhau thôi. Nhưng tôi nghĩ rằng chồng ở đâu mình sẽ ở đó”.
Tháng 4-1961, mẹ theo chồng về Việt Nam. Lúc đó mẹ đang mang thai người con thứ bảy được 4 tháng. Cả gia đình mẹ ở trong căn nhà tranh vách đất trộn rơm, lợp lá cọ. Trong nhà chỉ có hai chõng tre, một phản gỗ.
“Tôi nhớ bố mẹ, nhớ các chị, nhớ từng ngọn cỏ, nhớ đến không ngủ được ngày, không ngủ được đêm” - mẹ Hiền nhớ lại.
Niềm vui của mẹ những ngày mới về đất nước xa lạ này là... hứng cá ngoài đồng. Mẹ kể ngày đó cá tràu, cá trê đồng nhiều vô kể, cứ lấy rổ hứng chứ không phải bắt. Mẹ bảo: “Mỗi lần nhìn cảnh cá nhảy ầm ầm vào rổ là vui, quên hết buồn, quên hết khổ sở”.
Gia đình mẹ được hợp tác xã cho mượn đất trồng lúa. Mẹ cấy có tiếng cả vùng. Mùa đầu tiên, chuẩn bị gặt thì lụt, mất trắng lúa. Chồng ở nhà may vá cho hợp tác xã, tới tháng trả công bằng lúa.
Mẹ trồng chè, trồng sả, gừng, trồng mía, trồng khoai, tỉa bắp... Hết mùa này sang mùa khác. Mỗi mùa trồng một loại.
Nhưng cái khổ nhất là không biết tiếng Việt. “Khổ tiền khổ bạc cũng không bằng không biết tiếng. Như người điếc người câm. Những ngày đầu, nói chuyện với ai đều phải có ông nhà phiên dịch. Đi chợ người ta mua được rẻ, mình mua đắt. Họ mời ăn cơm cũng không biết người ta nói gì. Cho nên tôi quyết tâm phải học” - mẹ bảo.
Hai năm sau mẹ đã nói sõi tiếng Việt. Lúc này, gia đình mẹ đã chuyển về Nghệ An. Mẹ đi học văn hóa ở xã.
“Tôi học để biết về đất nước chồng mình - mẹ Hiền giải thích - Học xong, thi trình độ, tôi sợ vì không biết viết. Tôi xin được không thi viết mà sẽ trả lời nhiều câu hơn người khác. Hỏi bao nhiêu cũng được. Người ta hỏi tôi về tiểu sử, thành tích của chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Võ Thị Sáu, chị Út Tịch... tôi đều nói được hết. Không biết mặt chữ nhưng tôi nghe đọc qua là nhớ được hết. Thi tôi được 10 điểm”.
Mẹ tích cực tham gia hợp tác xã rồi được mời đi họp. Mẹ làm cán bộ hội phụ nữ xã rồi trong những năm bom đạn ác liệt, chín khóa liền vô hội đồng nhân dân, làm Mặt trận thị trấn Thái Hòa, 17 năm làm xóm trưởng của khối Đồng Tâm (P.Hòa Hiếu, thị trấn Thái Hòa). Hồi đó không có lương, vậy mà mẹ cứ đi miết...
Bom đạn nã xuống ngày càng ác liệt. Bốn năm sau khi về Việt Nam, mẹ biết đào hầm, quen với cảnh sống dưới hầm.
Mẹ nhớ lại: “Máy bay cánh cụp cánh xòe thả bom đỏ rực, nhìn lên cây cối không có lá, chết đứng. Trường học ở đây nó đánh sập. Người chết nhiều lắm. Cha con nhà ông Nhiệm trong xóm chết hết. Tôi đánh kẻng, gọi mọi người cứu thương khiêng đi bệnh viện. Tôi tuyên truyền bà con mấy giờ không được thắp đèn, không hút thuốc là nghe răm rắp”.
Di ảnh chồng và hai người con trai của mẹ: liệt sĩ Tống Văn Hiếu và Tống Văn Xiên - Ảnh: My Lăng |
“Đứa mô đi cũng hứa sẽ về...”
Ở bên Thái Lan, mẹ sinh được sáu người con. Về Việt Nam thêm hai người nữa. Mẹ đặt tên con theo tên Thái Lan là Hiếu, Xiên, Niên, Chền, San, Nang, Ọt, Tiếp. Lớn lên, năm người con của mẹ lần lượt xung phong đi bộ đội. “Mình nghe chủ trương rồi, thấm rồi. Mỗi người dân phải có trách nhiệm với đất nước” - mẹ bảo.
Năm 1963, mẹ động viên người con trai lớn Tống Văn Hiếu đi trước. Mẹ Hiền kể: “Thằng Hiếu xin mẹ một đèn pin. Tôi hỏi nó: Con đi bộ đội sao lại xin đèn pin? Hút thuốc à? Hút thuốc là nhử thằng Mỹ tới thả bom chết hết anh em bộ đội đấy.
Nghe tôi nói vậy, nó cúi gằm mặt khóc rồi đứng dậy bồng em, bảo: Mẹ ơi, con biết rồi. Nó đi, chữ Việt không viết được, chữ Thái thì lèm nhèm. Nó mượn thằng bạn thân tên Xính viết giúp lá thư cho mẹ”. Mẹ khóc...
Tháng 3-1966, trên đường hành quân đến Rú Nài (Hà Tĩnh), anh Hiếu bị trúng bom. Năm đó anh mới 21 tuổi. Một năm sau, tin báo tử mới về đến nhà. Không lâu sau, cũng trong năm 1966, cha anh mất vì bệnh. Năm đó, cậu con trai út mới 9 tháng tuổi.
“Hai vợ chồng về nước được tám năm thì chồng mất. Cả xóm cũng khóc theo tôi. Mới biết tiếng tăm thì chồng mất. Ông hiền lắm, thương vợ con lắm. Được cái con không cha nhưng đứa mô cũng ngoan. Trên bom dưới đạn vẫn cõng nhau đi học” - mẹ chảy nước mắt, nói.
Nhận tin anh trai hi sinh, người con thứ hai và thứ ba của mẹ là Tống Văn San và Tống Văn Xiên tiếp tục lên đường. Năm 1968 và 1970 mẹ lần lượt tiễn hai con nhập ngũ.
Mẹ bảo: “Thằng cả hi sinh, tôi vẫn cho mấy đứa em nhập ngũ. Đó là trách nhiệm của mình, của toàn dân với đất nước. Việt Nam đã là đất nước của tôi. Anh đi. Em đi. Tôi không can đứa mô. Ở đây có ba gia đình người Thái nhưng hai người kia không cho con đi vì nhớ con lắm. Thằng Xiên viết thư về dặn mẹ cố gắng nuôi các em ăn học. Nó còn bảo con bận đánh giặc nên không có thời gian viết thư cho mẹ nữa, mẹ thông cảm. Ai ngờ đó là lá thư duy nhất của nó...”.
Tháng 4-1972, mẹ nhận được giấy báo tử ghi tên anh Tống Văn Xiên hi sinh.
Anh đã nằm lại tại đường 9 Nam Lào, cũng ở cái tuổi 21 như anh trai mình.
Mẹ lau nước mắt, giọng run run: “Đứa mô đi cũng hứa sẽ về... Cứ nhắc tới là nhớ lời ăn tiếng nói từng đứa. Thằng Xiên ngoan lắm. Trước ngày nó đi, tôi cho 30 đồng bạc nhưng nó không lấy. Nó bảo con có tiền gánh củi thuê rồi. Nó mua xà phòng, khăn, bút, giấy, phong bì... rồi lên đường.
Nó đi, tôi chỉ nhận được một lần thư báo: Bọn con đi giúp Lào, ở trong rú tập nói tiếng Lào. Nó ít nói, hay cười, cười mỉm chứ không thành tiếng. Ngày nó đi, nó rưng rưng nước mắt bảo lo bố mẹ và các em ở nhà đói ăn. Tôi cho một cái chăn bông, một tấm vải dài tôi dệt hồi bên Thái làm khăn tắm và 10 đồng...”.
Năm người con của mẹ đi bộ đội, hi sinh hai người, hai người là thương binh. Riêng cô con gái duy nhất Tống Thị Nang là trung tá quân đội về hưu, hiện đang sống ở Nha Trang.
“Sợ chiến tranh thật - mẹ Hiền nói, đôi mắt đẹp thẫn thờ nhìn lên bàn thờ nơi di ảnh hai con trai mẹ cười tươi rói, trong veo ở cái tuổi 21 - Khi mô ăn cơm dọn ra tôi cũng nhìn lên bàn thờ, khấn: Hai con xuống ăn cơm với mẹ...”.
Từ ngày theo chồng về Việt Nam, mẹ chỉ về lại cố hương được hai lần. “Tôi không hối hận khi về Việt Nam. Ở đây tôi không thiếu bạn thiếu bầu. Mỗi lần ốm đau hàng xóm kéo đến thăm ầm ầm” - mẹ lau nước mắt, mỉm cười bảo.
Theo Tuổi trẻ