“Mẹ Hồng”
“Mẹ Hồng” là cách gọi thân thương của bao đứa trẻ ở Trung tâm bảo trợ xã hội I - nơi chị Nguyễn Thị Hồng công tác gần hai mươi năm qua.
Từ một cô sinh viên 21 tuổi, tốt nghiệp Y sỹ với bao ước mơ hoài bão đã đưa Nguyễn Thị Hồng đến với Trung tâm Bảo trợ xã hội I, trở thành mẹ của biết bao đứa trẻ sớm côi cút cha mẹ khi vừa mới cất tiếng khóc chào đời.
Đồng nghiệp của chị ai cũng bảo: “Hồng nó rất tinh tế khi chăm sóc cho các con”.
Ở với các con nên chị biết rất rõ từng đứa nhỏ tính tình, thể trạng ra sao, đầu óc đang thế nào mà tùy vào đó chọn cách chăm sóc tốt nhất cho từng đứa. Từ bình sữa, cái áo, chiếc quần của các con đều được chị giặt giũ, pha rửa …
Cả hai đều có hoàn cảnh giống nhau - được sinh ra và bị bỏ rơi.
|
Với trẻ mới 5 tháng tuổi ăn bột loãng, trẻ 6 tháng ăn bột đặc, đến việc cầm bình sữa nghiêng khi cho trẻ bú đều được chị Hồng làm một cách rất tình cảm và khoa học.
Khi chia sẻ về điều này, chị bảo, mẹ nào chăm con cũng thế thôi. Trong 18 năm qua, không ít những lần “mẹ Hồng” gặp những khó khăn. Để chiến thắng được nó chị đã bao đêm thức trắng chăm cho con khỏi cơn sốt hành hạ, dỗ cho con nín rồi ngủ khi chúng không biết vì nỗi đau gì mà khóc xé lòng…
Có không ít lần chị nằm trên ghế trong bệnh viện cả đêm vì những trận ốm thập tử nhất sinh của các con.
Nhớ lại chuyện 4 năm về trước, những ngày mà cái Tết đã đang đến gần.
Thời tiết Hà Nội của tháng cuối năm ấy trời trở lạnh kinh khủng, nhiệt độ xuống thấp đến mức rét đậm, rét hại. Giữa cái lạnh dưới 15 độ C lúc bấy giờ, nhiều bé ở trung tâm với thể trạng yếu ớt, liên tục sốt ho và bị viêm phổi khá nặng. Có tới 6 trẻ phải nhập viện điều trị. Chị Hồng cùng một số cô nuôi khác thay nhau đến Bệnh viện Nhi trung ương, túc trực chăm sóc các con.
Khoảng thời gian ấy có lẽ là khoảng thời gian dài nhất trong cuộc đời của chị. Sáu con mắc bệnh khác nhau, nằm điều trị ở các khoa khác nhau nên vô cùng vất vả. Chị phải chạy đôn chạy đáo đưa các con đi làm hết xét nghiệm này đến kiểm tra khác. Dỗ dành con khỏi những cơn đau làm con khóc lả, con không ăn được sữa cũng khiến chị không thiết ăn cơm vì lo lắng, rồi cả những đêm ngủ gục bên giường bệnh của các con vì mệt mỏi căng thẳng.
Nhiều khi chị tưởng mình đã gục ngã …
Những đứa trẻ lớn lên trong vòng tay yêu thương của Mẹ Hồng.
|
Chị bảo, chạnh lòng nhất là khi nhìn vào các cháu khác, nhà người ta có người này người nọ đến thăm nom. Còn con mình chỉ có hai mẹ con lui cui với nhau trong bệnh viện mà thấy thương mình lại càng thương các con quá khổ.
Trong số những trẻ vào viện ngày ấy, có một bé mắc bệnh phải nằm trong phòng cách ly. Nhìn con thở nặng nề trong phòng bệnh, chị lại rơi nước mắt vì con nằm đó bệnh đau mà chị không được vào trong để ẵm con lên và dỗ dành, an ủi...
Chị chỉ có thể ngày trực đêm chờ trên hàng ghế xanh bên ngoài phòng bệnh, ngóng trông kết quả khả quan của con từ bác sĩ mà thôi.
Ngày ngày chị Hồng đều hướng ánh mắt về phía con và cầu nguyện cho con sớm khỏe, sớm được về với các bạn, các mẹ!
Ròng rã suốt 15 ngày chiến đấu với bệnh tật, dường như nghe thấy lời cầu nguyện của chị, các con đã dũng cảm vươn lên chống chọi với bệnh tật và dần khỏe... Ngày chị Hồng đón con khỏi phòng cách ly trở về với phòng điều trị thường, chị đã không cầm được nước mắt, giọt nước mắt hạnh phúc vì con đã chiến thắng lưỡi hái của tử thần để trở về với vòng tay yêu thương của mẹ.
Đó là một trong những kỷ niệm khó quên của cuộc đời chị. Nhìn các con giờ đã lớn, đều khỏe mạnh, chơi đùa bên các bạn tại trung tâm khiến chị không khỏi xúc động. Chính nhờ sự kiên trì và tình yêu thương của các mẹ đã giúp các con giữ được nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ….
Trái tim nhân hậu
Trở thành cô nuôi của trung tâm khi mới là thiếu nữ 21 tuổi xuân, trải qua 18 năm công tác, giờ chị Hồng đã có một gia đình nhỏ hạnh phúc, là mẹ của hai đứa con ngoan hiền.
Niềm vui của những mảnh đời bất hạnh.
|
Nhưng các con ở trung tâm vẫn luôn chiếm phần lớn trái tim chị. Và chị vẫn đau đáu một ước mơ, mong các con sớm có những người cha, người mẹ yêu thương một mái ấm với đầy đủ thành viên gia đình, để các con được học tập và đến trường như bao đứa trẻ khác. Các con nhỏ bé có tội tình gì đâu mà mà phải gánh chịu bao bất hạnh kiếp người! Đã đành có lúc con người cũng dại khờ như trong bài thơ “Dại khờ’ của Xuân Diệu:
"Người ta khổ vì thương không phải cách,
Yêu sai duyên, và mến chẳng nhằm người.
Có kho vàng nhưng tặng chẳng tùy nơi,
Người ta khổ vì xin không phải chỗ.
Đường êm quá, ai đi mà nhớ ngó!
Đến khi hay, gai nhọn đã vào xương.
Vì thả lòng không kìm chế dây cương,
Người ta khổ vì lui không được nữa.
Những mắt cạn cũng cho rằng sâu chứa;
Những tim không mà tưởng tượng tràn đầy;
Muôn ngàn đời tìm cớ dõi sương mây,
Dấn thân mãi để kiếm trời dưới đất.
Người ta khổ vì cố chen ngõ chật,
Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào.
Rồi bị thương, người ta giữ gươm dao,
Không muốn chữa, không muốn lành thú độc."
Nhưng đã là con người có bị thương vì “dại khờ’ đi chăng nữa nhưng những đứa trẻ có được chọn cha mẹ và có tội tình gì đâu mà vứt bỏ nó…
Nói về chị Hồng người “đỡ” những đứa trẻ bị vứt bỏ và chăm sóc các con ở trung tâm, mấy người làm cùng hay đọc câu thơ:
“Những ngôi sao thức ngoài kia
Không bằng mẹ đã thức vì chúng con
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”
Rồi họ bảo, chị Hồng là người mẹ thân thương của những đứa trẻ bị vứt bỏ… chị sẽ là ngọn gió thổi bùng lên sức mạnh để các con vượt qua mọi gian khổ thử thách sống xứng đáng với tình yêu thương con người.
Các tình nguyện viên chơi đùa với các cháu.
|
Còn TS Bùi Nguyên Kiểm thì bảo, những người sống như chị Hồng đã là bằng chứng cho điều kỳ diệu của trái tim yêu thương nhân hậu mà sách báo vẫn nhắc.
Rồi ông lý giải: Điều kỳ diệu của trái tim. Không ai hiểu vì sao nhưng quả tim đã trở thành biểu tượng toàn cầu về tình yêu. Người Hy Lạp tin rằng trái tim là cái nôi của linh hồn, còn theo người Ai Cập thì quả tim tạo ra cảm xúc và trí tuệ….
Người ta cũng tin rằng trái tim mang dấu ấn tình yêu tại thành phố Hy Lạp cổ Cyrene, nay là Libya. Thuộc địa này nổi tiếng với loài cây Silphium có quả hình trái tim. Silphium có một số đặc tính y học và có lẽ đã được sử dụng như một loại thảo dược tránh thai. Các nghiên cứu đã cho thấy việc chia tay với người yêu hoặc một ai đó trong gia đình mất đi thực sự có thể làm tan vỡ trái tim, dưới hình thức gia tăng nguy cơ đột quỵ.
TS. BS. Bùi Nguyên Kiểm nói, và báo chi mới đây đưa tin ở Cà Mau hơn 300 xác thai nhi bị bỏ theo rác thải tập kết về nhà máy xử lý rác thải trong 7 năm qua, mới thấy bao đứa trẻ chúng có tội tình gì đâu mà đau đớn tột cùng… Đâu rồi “Mẹ thương con có hay chăng/Thương từ khi thai nghén trong lòng/Chín tháng nắng chiều mưa ròng/Chín tháng so chín năm/Gian khó không lường/À ru hơi ơi hời ru” ..
Nhất là ”Không ai thương con bằng mẹ… Nghe TS Bùi Nguyên Kiểm nói và báo chí đưa tin, không hiểu sao cứ làm tôi nhớ tới câu nói của một cô nhà báo khi nói về tình trạng phá thai và bỏ con: “Những người đến những đứa trẻ con máu thịt của họ mà họ còn vứt bỏ thì sao có thể sống tử tế với người khác được!?”.