Hình ảnh từ vệ tinh của NASA cho thấy một khối cát bụi khổng lồ từ sa mạc Sahara rộng lớn, vượt qua hơn 3.200 km, xuất hiện gần nhóm đảo Lesser Antilles, phía Đông Bắc Đại Tây Dương.
Thông tin từ tờ Infonet, vệ tinh Suomi NPP đã chụp ảnh khối bụi Sahara trên. Theo Colin Seftor - Nhà khoa học khí quyển tại Trung tâm Bay vũ trụ Goddard, đám mây bụi Sahara khổng lồ hình thành do những luồng khí mạnh bốc lên cao. Sau đó, nó được gió Tây tiếp tục thổi qua Đại Tây Dương và sẽ đến Bắc Mỹ, Nam Mỹ.
Mỗi năm, có hàng trăm triệu tấn bụi từ các sa mạc ở châu Phi và thổi qua Đại Tây Dương. Chính lượng bụi này đã góp phần tạo ra các bãi biển ở vùng biển Caribbean, làm phân bón cho đất ở Amazon.
Thông tin từ tờ Dân trí, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), những đám mây bụi này có khả năng ức chế sự hình thành của bão. Bụi cũng là nguồn dinh dưỡng cho thực vật phù du ở đại dương, thực vật phù du lại quang hợp, tạo ra oxy cho sinh quyển. Nếu không có những đám mây bụi này, rừng Amazon có thể sẽ không có mạng lưới thức ăn đa dạng và sự đa dạng sinh học tuyệt vời.
Bên cạnh những lợi ích, nó cũng tồn tại những tác hại, một trong số đó là ảnh hưởng đến chất lượng không khí ở Bắc và Nam Mỹ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là những người có bệnh tiềm ẩn.
Hiện NASA đang tiếp tục nghiên cứu vai trò của bụi châu Phi đối với sự hình thành bão nhiệt đới. Năm 2013,các nhà khoa học đã có nhiều sự tranh cãi về Tầng không khí Sahara nóng, khô và bụi trong việc hình thành và mức độ của bão nhiệt đới.