Mỗi giây đại dương nóng lên với tốc độ 5 quả bom nguyên tử, đe dọa sự sống

VietTimes – Đại dương đang nóng lên từng giây, đe dọa sự sống của nhiều loài sinh vật biển, khiến băng tan nhanh hơn, gây ra các cơn bão với cấp độ mạnh.
Đại dương đang nóng lên từng giây, đe dọa sự sống của nhiều loài sinh vật biển, gây ra các cơn bão với cấp độ mạnh. Ảnh: AFP
Đại dương đang nóng lên từng giây, đe dọa sự sống của nhiều loài sinh vật biển, gây ra các cơn bão với cấp độ mạnh. Ảnh: AFP

Đại dương ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu, là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, cùng với sự nóng lên của Trái Đất, đại dương cũng nóng lên với mức nhiệt độ khủng khiếp.

Thông tin từ tờ Vietnamnet, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ những năm 1950 đến năm 2019, xác định nhiệt độ trung bình của các đại dương trên thế giới vào năm 2019 cao hơn 0,075 độ C so với trung bình giai đoạn 1981-2010. Con số tuy nhỏ nhưng với thể tích của đại dương, đòi hỏi phải có luồng nhiệt khổng lồ, khoảng 228 nghìn tỷ tỷ joules nhiệt mới có thể có sự gia tăng đó.

Các nhà khoa học đã tính toán và so sánh nguồn năng lượng này với năng lượng của bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Hiroshima, Nhật Bản vào năm 1945. Họ nhận ra bom nguyên tử phát nổ ở Hiroshima với năng lượng khoảng 63 nghìn tỷ joules.. Như vậy, nhiệt lượng mà đại dương nhận được trong 25 năm qua tương đương 3,6 tỷ vụ nổ bom nguyên tử.

John Abraham - Chuyên gia tại Đại học St. Thoma, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết trong vòng 25 năm qua, mỗi giây đại dương nhận nhiệt lượng bằng 4 quả bom Hiroshima. Nhưng đáng nói, con số này mỗi ngày một tăng lên.

Thông tin từ tờ Thông tấn xã Việt Nam, 2019 là năm nóng kỷ lục của các đại dương. Đại dương hấp thụ nhiều hơn 25 Zetta Joule năng lượng so với năm 2018, tương đương nhận 5 quả bom Hiroshima nổ mỗi giây. Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng khẳng định 5 năm vừa qua là giai đoạn nóng nhất của đại dương.

Sự nóng lên của đại dương kéo theo nhiều hệ lụy: băng tan nhanh khiến mực nước biển dâng cao, các sinh vật biển chết dần vì chúng không kịp thích nghi, lượng nước bay hơi lên khí quyển tăng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hành tinh, bão mạnh hơn và mưa cũng dữ dội hơn.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt mục tiêu giảm mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, đại dương có khả năng hấp thụ nhiệt cao hơn khí quyển, do đó, ngay cả khi con người đạt được mục tiêu thì nó vẫn tiếp tục nóng lên.