Ngày 25/4, Ngân hàng Nhà nước (NHN) đã phát đi thông báo là sẽ mua lại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) với giá 0 đồng. Như vậy, đây là trường hợp thứ hai, sau ngân hàng Xây dựng bị NHNN mua lại bắt buộc.
Theo thông báo, thời gian qua, hoạt động của OceanBank đã bộc lộ nhiều yếu kém, việc quản trị, điều hành ngân hàng vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật.
Trước tình hình đó, để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất tài sản của Ngân hàng, NHNN đã quyết định đặt OceanBank vào diện kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật.
Với tổn thất tài chính nặng nề, trong khi OceanBank không có các giải pháp khả thi để tăng vốn điều lệ đảm bảo mức vốn pháp định theo yêu cầu của NHNN. Nhằm xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại yếu kém của ngân hàng, NHNN đã tuyên bố mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại OceanBank.
NHNN trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của OceanBank, đồng thời chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích, và tư cách của cổ đông hiện hữu của OceanBank.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao NHNN không để cho Ngân hàng Xây Dựng hay OceanBank phá sản mà lại chọn hình thức mua lại với giá 0 đồng? Bởi lẽ hiện nay, về mặt pháp lý đã có các quy định phá sản đối với TCTD. Gần nhất là Thông tư số 07/2013/TT-NHNN ngày 14/3/2013 của NHNN quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với TCTD, trong đó có quy định về vấn đề phá sản đối với TCTD.
Theo đó, trong trường hợp TCTD được kiểm soát đặc biệt sau khi đã áp dụng mọi biện pháp mà không thể phục hồi hoạt động bình thường, NHNN có thể xem xét, tiến hành thủ tục phá sản đối với TCTD đó theo quy định của pháp luật về phá sản.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận, việc phá sản, giải thể các doanh nghiệp yếu kém nói chung và TCTD nói riêng là hiện tượng bình thường trong nền kinh tế thị trường và xảy ra phổ biến ở các nước phát triển trên thế giới.
Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tế, trong thời gian qua, việc tái cơ cấu các TCTD Việt Nam được thực hiện theo đúng các nguyên tắc và giải pháp nêu tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” thì chưa áp dụng giải pháp phá sản TCTD theo quy định của Luật Phá sản trong giai đoạn hiện nay để bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
NHNN khuyến khích việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Với thực tế Việt Nam hiện nay, việc phá sản TCTD, đặc biệt là phá sản ngân hàng là vấn đề nhạy cảm, có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế và hệ thống tài chính quốc gia, đặc biệt là người gửi tiền, dẫn đến nguy cơ rút tiền hàng loạt, gây đổ vỡ dây chuyền đối với hệ thống TCTD Việt Nam.
Do đó, thời gian qua, trong quá trình triển khai các biện pháp tái cơ cấu các TCTD yếu kém, NHNN đã ưu tiên áp dụng các giải pháp tối thiểu hóa chi phí cho Nhà nước và xã hội như các ngân hàng tự củng cố dưới hình thức kêu gọi các đối tác mới tham gia hoặc tìm kiếm đối tác để thỏa thuận tự nguyện sáp nhập, hợp nhất… Trường hợp không thực hiện được các giải pháp này, NHNN mới can thiệp theo quy định của pháp luật.
Trên quan điểm này, đến nay, NHNN chưa phải áp dụng biện pháp phá sản đối với bất kỳ ngân hàng yếu kém nào – Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng nói.
Còn nguyên thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm thì gọi việc mua lại NHTM với giá 0 đồng như đã áp dụng với ngân hàng Xây Dựng và OceanBank là một hình thức phá sản kiểu mới.
Và ông Kiêm cũng lưu ý rằng, trường hợp NHNN phải tính tới chuyện quốc hữu hóa một NHTMCP, dù là phương thức mới và thế giới đã làm, song cơ quan điều hành phải cân nhắc rất thận trọng trong từng trường hợp.
“Vì quốc hữu hóa là giải pháp khá tốn kém khi chi phí để xử lý nợ xấu, đảm bảo nguồn tiền trả cho người gửi tiền là không hề nhỏ. Chưa kể chi phí, trách nhiệm sự tham gia đóng góp của một NHTMCP Nhà nước được chỉ định giúp NHNN trong quá trình quốc hữu hóa các nhà băng nhỏ là không hề nhỏ" - Ông Cao Sĩ Kiêm nói.
Theo Trí thức trẻ