Mất đi đôi bàn tay không phải là rào cản ​

VietTimes -- Trở về từ chiến trường khi đôi tay đã bị cụt quá nửa, tưởng rằng những ngày tháng còn lại là những ngày tháng cùng cực, nhưng với nghị lực của người lính ông Nguyễn Văn Linh (SN 1949, trú tại xóm Bích Thị, xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, Nghệ An, thương binh hạng 1/4 đặc biệt) đã vươn lên làm được nhiều việc phi thường trong cuộc sống bằng chính bản thân mình.
Ông Linh nuôi đàn ong mật với những dụng cụ đã được cải tiến để phù hợp với bản thân.
Ông Linh nuôi đàn ong mật với những dụng cụ đã được cải tiến để phù hợp với bản thân.

Gắn bó với chiến trường khốc liệt

Nguyễn Văn Linh cũng như bao đồng đội, nhân dân đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Chúng ta đừng né tránh cũng như đừng sợ hãi khi phải thống kê các cuộc chiến tranh. Lịch sử Việt Nam là lịch sử các cuộc chiến tranh nối tiếp nhau, cuộc nào cũng vô cùng thảm khốc với vô vàn góc khuất mà Nguyễn Văn Linh là một trong số đó.

Ông tốt nghiệp trường Trung cấp Điện Vĩnh Phú năm 1969, chàng trai 20 tuổi Nguyễn Văn Linh (trú xã Thanh Giang, Thanh Chương, Nghệ An) được giữ lại trường công tác. Lúc này, cuộc chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Chàng thanh niên Nguyễn Văn Linh hăng hái nạp đơn xin ra trận và được phiên vào C4, D8, E210 Binh trạm 41, đường dây 559, đóng quân ở tỉnh Xavanakhet (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào). Đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh – con đường vận chuyển huyết mạch vào chiến trường miền Nam trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ.

“Khoảng 3h sáng ngày 19/5/1971, máy bay Mỹ cấp tập thả bom vào các trọng điểm hòng xóa sổ đường mòn Hồ Chí Minh. Anh em chúng tôi nhào ra nhưng trận địa pháo bị trúng bom bi của địch, chỉ kịp nhảy vào hầm cá nhân. Dứt loạt bom, mọi người lại nhảy lên mâm pháo nhưng lúc này nòng pháo bị kẹt. Khi lên kiểm tra để thông nòng pháo thì tôi bị thương”, ông Linh nhớ lại.

Vốn là người khỏe mạnh, lành lặn như vậy, nên việc mất đi đôi bàn tay đã để lại nhiều nuối tiếc cho người thân và đồng đội. Tỉnh dậy với hai tay và một phần chân bị nát bét, trước mắt người lính 22 tuổi tương lai dường như đã khép lại. Rời trận địa pháo binh, anh bước vào một cuộc chiến mới, cuộc chiến với chính bản thân để không buông xuôi, gục ngã.

Mùa mưa 1971, thương binh Nguyễn Văn Linh được chuyển dần ra Bắc điều trị. Ông âm thầm chịu đựng nỗi đau của một người tàn phế, thỉnh thoảng nhờ người viết thư về nói dối bố mẹ là mình vẫn khỏe, đang công tác tốt. 

Mất đi đôi tay trong trận chiến với pháo phòng quân của Mỹ năm 1971- Ảnh QT.
Mất đi đôi tay trong trận chiến với pháo phòng quân của Mỹ năm 1971- Ảnh QT.

“Số cán bộ cùng trường ra trận với tôi đợt đó không có ai trở về. Những thanh niên trong làng tôi vào chiến trường, lần lượt hi sinh. Tôi, dẫu mất hai cánh tay, vẫn thấy mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội, đồng chí. Ở Trại điều dưỡng thương binh 582 (Đoàn 582, Quân khu Hữu Ngạn), có nhiều thương binh còn nặng hơn tôi, chúng tôi nương tựa vào nhau, động viên nhau. Những người bị thương cả hai mắt, họ còn khổ hơn tôi nhiều. Tôi còn đôi mắt, còn đôi chân, còn một phần của đôi tay, lẽ nào lại đầu hàng số phận”, người lính già nhớ lại.

Nghị lực phi thường của người lính Cụ Hồ!

Quá trình tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của ông, chúng tôi còn được biết, ông là người sống rất có nghị lựcVới ý chí phi thường và quyết tâm sắt đá, ông Linh bắt đầu lại từ đôi tay… không còn bàn tay. Ông tập làm những công việc đơn giản nhất bằng mẩu thịt dưới khuỷu tay. Ông bắt nó phải “cầm, nắm”, bắt nó phải tuân theo sự điều khiển của trí não. Dần dần, Nguyễn Văn Linh có thể tự mình phục vụ bản thân, có thể viết được cả thư.

Vượt qua mọi rào cản, cô giáo dạy Văn Hồ Thị Cúc (SN 1950) đem lòng yêu thương và lấy người thương binh Nguyễn Văn Linh. Lấy nhau rồi, ông “trốn” trại an dưỡng về phụ vợ công việc nhà. Khó ai có thể nghĩ được rằng người đàn ông không còn đôi tay ấy vẫn thay vợ chăm con, cho con bú mớm, thay tã…

Vợ ông tậm sự: " Ông ấy thương vợ, thương con nên chịu khó lắm. Tôi sinh được 2 tháng là phải đi làm, một tay ông ấy chăm con cả đấy. Con bé thứ 2 nghịch lắm, thế mà ông ấy cho con ăn đâu vào đấy. Mấy chục năm làm vợ ông ấy, tôi không chê trách được ông ấy điểm chi”

Thương vợ vất vả chèo lái gia đình, đồng lương ít ỏi khó có thể lo toan cho cả gia đình 6 miệng ăn, ông quyết định đi buôn. Ngày đó tiêu chuẩn thương binh nặng được phân phối 1 chiếc xe đạp. Ông đạp xe đi mua lạc, rồi lại đạp xe xuống Vinh bán kiếm lời. “Tôi không có tay, đi xe cực lắm. Tôi tập “nắm” ghi đông rồi đạp, cũng không khó như mình tưởng, miễn là giữ được tay lái. Cái khó nhất là “bàn tay” không thể bóp phanh khi xuống dốc hay dừng lại. Tôi "chế" thêm chiếc phanh sang trục bánh sau, khi cần, chỉ việc với chân ra, đạp vào phanh là xe dừng. Mình khiếm khuyết đôi tay thì phải dùng trí óc mà bù vào”, ông kể.

Cứ 1 bì lạc 6 yến buộc vào gác baga, ông vượt chặng đường hơn 50 cây số xuống Vinh bán. Có đợt nhận được mối hàng lớn, ông tự mình “áp tải” hàng ra Hà Nội. Có những chuyến hàng lãi bằng cả 4-5 lần tiền lương, ông tích góp đủ để dựng một căn nhà rộng rãi khang trang cho gia đình 6 con người.

Từ sự tần tảo chịu khó của người mẹ, sự lèo lái, tháo vát của người cha, 4 người con của ông bà học hành đỗ đạt thành tài, có vị trí trong xã hội. Ở cái tuổi 70, đáng lẽ ra ông đã có thể nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, thảnh thơi nhìn ngắm thành quả mình làm ra nhưng người lính pháo binh ấy vẫn xem lao động là nguồn vui.

Ông nuôi đàn ong mật với những dụng cụ đã được cải tiến để phù hợp với bản thân. Rảnh rỗi, ông vào bếp giúp vợ cắm cơm, nấu nướng. Với đôi cánh tay thiện nghệ, ông không khác một đầu bếp lành nghề.

“Bà ấy một đời vất vả vì chồng con, mình giúp được gì thì giúp thôi. Cô con gái của tôi không may sớm chịu cảnh góa bụa, một mình nuôi hai đứa con vất vả, tôi cũng phải đỡ đần chúng nó chứ. Còn sức thì còn làm việc, so với đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, mình còn may mắn lắm!”, ông chia sẻ đầy lạc quan.