Masan lãi 5.700 tỉ đồng từ bán MNS Feed

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đúng như VietTimes từng đề cập, lợi nhuận từ ‘deal' bán MNS Feed của Masan ấn tượng hơn nhiều so với kỳ vọng.
Dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi của MNS Feed (Nguồn: Masan MeatLife)
Dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi của MNS Feed (Nguồn: Masan MeatLife)

CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021, trong đó ghi nhận khoản doanh thu hoạt động tài chính lên tới 6.799,5 tỉ đồng, cao gấp 4,7 lần so với năm trước.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, nguồn thu này chủ yếu đến từ khoản lãi 5.699,1 tỉ đồng "từ việc bán trái phiếu hoán đổi và mất quyền kiểm soát trong các công ty con". Cụ thể, đó là thương vụ bán MNS Feed cho đối tác nước ngoài.

Theo đó, vào tháng 10/2021, CTCP Masan MeatLife (Mã CK: MML) – công ty con của MSN – đã phát hành 7.283,99 tỉ đồng trái phiếu số MMLH2124001 cho các cổ đông, trong đó MSN mua vào tới 3.756,9 tỉ đồng trái phiếu (chiếm hơn một nửa tổng số trái phiếu phát hành).

Đến tháng 11/2021, Công ty TNHH De Heus – công ty con của De Heus Group (Hà Lan) – đã mua lại toàn bộ số trái phiếu này từ các chủ sở hữu. Nhà đầu tư này sau đó đã thực hiện quyền hoán đổi trái phiếu lấy 99,99% phần vốn chủ sở hữu của MNS Feed với giá hoán đổi là 10.000 đồng/cổ phần.

Việc hoán đổi được hoàn tất vào ngày 1/12/2021, qua đó MNS Feed không còn là công ty con và công ty liên kết sở hữu gián tiếp của MSN.

Đối với MML, 'deal' MNS Feed cũng giúp doanh nghiệp này ghi nhận khoản lãi đột biến 1.343,2 tỉ đồng trong năm 2021, nâng tổng doanh thu hoạt động tài chính lên 1.520,6 tỉ đồng, cao gấp 13,9 lần so với năm trước.

Luỹ kế cả năm 2021, lợi nhuận sau thuế của MML đạt 1.253,6 tỉ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020.

Ngoài việc bán MNS Feed, Masan tích cực củng cố vị thế và phát triển các mảng kinh doanh khác.

Cụ thể, cuối tháng 5/2021, Công ty TNHH The Sherpa – công ty con sở hữu trực tiếp của MSN – đã mua 20% vốn cổ phần tại CTCP Phúc Long Heritage (chủ sở hữu chuỗi bán lẻ trà và cà phê thương hiệu Phúc Long) với tổng giá trị 345,6 tỉ đồng.

Tới tháng 2/2022, công ty này tiếp tục mua thêm 31% cổ phần Phúc Long với tổng số tiền thanh toán là 2.490,9 tỉ đồng, trở thành cổ đông chi phối với tỉ lệ sở hữu 51%.

Ngoài ra, vào tháng 9/2021, Công ty TNHH The Sherpa cũng hoàn tất thương vụ mua lại 70% cổ phần của CTCP Mobicast – chủ sở hữu thương hiệu mạng di động Reddi – với tổng giá trị là 295,5 tỉ đồng.

Sau các thương vụ này, Masan liên tiếp khai trương các cửa hàng mô hình CVLife, tích hợp tiện ích “5 trong 1” gồm: WinMart+, Phúc Long, Phano, Reddi và Techcombank. Kết quả thử nghiệm ban đầu rất tích cực với mức tăng trưởng 30% về số lượng khách hàng, trong khi doanh thu bình quân ngày để đạt điểm hòa vốn giảm đến 40%.

Trong năm 2022, Masan có kế hoạch mở rộng tối đa 2.000 cửa hàng CVLife ở các điểm mới hoặc nâng cấp từ các cửa hàng WinMart+ cũ./.