Công ty đã tiến hành nghiên cứu về kỳ mua sắm đạt kỷ lục về doanh số nhân dịp lễ vừa qua. Kết quả cho thấy có 76% người Mỹ - tức hơn ba phần tư số khách hàng - đã mua các sản phẩm được giới thiệu trên các trang mạng xã hội.
Cuộc khảo sát OnePoll cho thấy đã có sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, bởi vì các khách hàng đã mua những sản phẩm như áo, quần, váy, giày dép và các mặt hàng khác thông qua các mục giới thiệu thương hiệu hoặc quảng cáo được tài trợ trên Facebook, Pinterest, Twitter, Instagram và Snapchat. OnePoll đã khảo sát 1.000 người tiêu dùng trực tuyến trong mùa hè vùa qua theo đặt hàng của công ty Curalate.
Một điều không có gì đáng ngạc nhiên khi những người trẻ sinh sau năm 2000 lại đạt tỷ lệ cao nhất trong số người mua sắm qua các bài báo trên mạng truyền thông xã hội: 82% số người được hỏi trong độ tuổi từ 25 đến 34 đã mua một sản phẩm sau khi đọc bài trên mạng xã hội.
Curalate được thành lập cách đây 5 năm, có văn phòng ở Philadelphia, New York, Seattle và London, chuyên hỗ trợ các công ty quảng bá sản phẩm của họ thông qua các bài viết trên mạng xã hội và tạo các danh mục mua sắm trực tuyến các sản phẩm dành cho người tiêu dùng, với nhãn "Showroom". Công ty Curalate tin rằng các thương hiệu cần phải làm cho người tiêu dùng dễ dàng khám phá và mua sắm những sản phẩm mà họ được nhìn thấy trên mạng đúng như cách họ vẫn thường mua sắm tại các cửa hàng thông thường.
Ông Apu Gupta, đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc của công ty Curalate cho biết: "Chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi quan trọng trong hành vi của người tiêu dùng", khi các bài về sản phẩm trên mạng xã hội đã có tác động tương tự như các bảng quảng cáo giới thiệu sản phẩm trên khung kính của các cửa hàng, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng vào sản phẩm hoặc trang web của thương hiệu.
Theo ông Gupta, trước đây, các phương tiện truyền thông xã hội từng bị những nhà tiếp thị đánh giá thấp, vì họ thực hiện tìm kiếm các sản phẩm có thể mua trực tuyến nhưng lại không tìm được trên các phương tiện truyền thông xã hội. Thay vào đó, người tiêu dùng khám phá các sản phẩm trực tuyến và sau vài ngày hoặc vài tuần mới mua sản phẩm. Theo kết quả khảo sát, có tới 65% số khách hàng đã mua sản phẩm vài ngày sau khi đọc bài trên mạng xã hội. Có 20% mua hàng tại tại cửa hàng thông thường.
Kết quả điều tra hình như phản ánh thực tế về ảnh hưởng của phương tiện truyền thông xã hội đối với hoạt động mua sắm.
Một nghiên cứu do BigCommerce, một nền tảng thương mại điện tử ở Austin, tiểu bang Texas và công ty Kelton Global tiến hành vào tháng 3 năm 2016 chỉ ra rằng, 23% người tiêu dùng cho rằng khi mua sắm, họ chịu tác động bới các khuyến nghị của mạng xã hội, và có tới 30% nói rằng, họ sẽ mua hàng từ một mạng truyền thông xã hội như Facebook, Pinterest, Instagram, Twitter hoặc Snapchat. Tuy nhiên, nghiên cứu đó đã không chỉ ra được số người đã mua sắm hàng hóa họ đã thấy sau khi đọc các bài viết trên mạng xã hội.
Dựa trên số liệu bán hàng do Adobe Analytics Analytics công bố mới đây, Ngày Thứ Hai Không gian Mạng (Cyber Monday) vừa qua là ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Việc sử dụng các thiết bị di động, đặc biệt là điện thoại thông minh để mua sắm chiếm hơn một nửa thương vụ và gần 40% doanh thu. Adobe thông báo rằng trong ngày Cyber Moday chi tiêu trực tuyến đã đạt 6.59 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm ngoái. Doanh thu thông qua điện thoại thông minh đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Cũng theo khảo sát của OnePoll, Facebook là nền tảng phổ biến nhất đối với người mua sắm, theo đó 52% người được hỏi cho biết họ đã tìm thấy một sản phẩm từ đó. Dữ liệu so sánh cho các nền tảng khác là Pinterest, 22%; Instagram, 18%; Twitter, 17%; và Snapchat, 7%.