Sau khi ông Trump tuyên bố thề sẽ trút lửa giận nếu Triều Tiên vẫn tiếp tục thực thi chính sách khiêu khích, nhà lãnh đạo Triều đã đe dọa phóng tên lửa tấn công đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên sau đó ông Kim Jong-un lại tạm hoãn thực hiện kế hoạch này để xem xét thêm hành động từ phía Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên đe dọa tấn công đảo Guam, nhưng rõ ràng đây là lần đe dọa cụ thể nhất khi nước này tuyên bố sẽ phóng đồng thời 4 quả tên lửa đạn đạo vào khu vực Guam.
Tuyên bố này được đưa ra thông qua cơ quan thông tấn chính thức của Triều Tiên, KCNA và được cho là từ tướng Kim Rak Gyom, chỉ huy Lực lượng Tên lửa chiến lược của quân đội nhân dân Triều Tiên.
Lời qua tiếng lại bắt nguồn từ các báo cáo của Mỹ cho biết Triều Tiên đã nâng cấp khả năng của lực lượng tên lửa bằng vũ khí hạt nhân trong những tháng vừa qua. Vào ngày 8/8, có thông tin cho rằng Bình Nhưỡng đã thu nhỏ thành công một đầu đạn hạt nhân đủ để lắp vào tên lửa đạn đạo. Nếu thông tin tình báo này chính xác thì quả thực Triều Tiên đã tiến một bước lớn trong cuộc đua phát triển vũ khí hạt nhân có khả năng đe dọa đến tận lãnh thổ nước Mỹ. Bản báo cáo còn cho rằng hiện nay Triều Tiên có thể đang sở hữu tới 60 đầu đạn hạt nhân.
Tại sao Triều Tiên lại đe dọa tấn công đảo Guam?
Guam là một hòn đảo nhỏ phía Tây Thái Bình Dương, nằm trong chuỗi quần đảo Mariana có khoảng 160.000 người sinh sống và gần 7.000 nhân viên quân sự Mỹ. Quan trọng là Guam gần với Bình Nhưỡng hơn là Hawaii, hòn đảo này chỉ cách Triều Tiên 2.200 dặm.
Căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam là nơi đóng trú của lực lượng máy bay ném bom của Mỹ trong khu vực kể từ năm 1944. Thực tế, các chuyến bay B-1B gần đây dọc khu phi quân sự (DMZ) bắt nguồn từ đảo Guam. Theo KCNA, những chuyến bay của B-1B khiến Triều Tiên lo lắng và đe dọa Triều Tiên thông qua các chuyến bay thường xuyên trên bầu trời nước này.
Đảo Guam cũng là nơi Mỹ đặt căn cứ hải quân ngay bên cảng Apra và là nơi tập kết của 4 tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh của Đội tàu ngầm số 15. Bốn tàu ngầm này đều được trang bị các bệ phóng thẳng đứng để phóng tên lửa hành trình Tomahawk.
Bảo vệ đảo Guam là Lực lượng đặc nhiệm Talon, cùng với hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD. Khẩu đội chống tên lửa đạn đạo THAAD được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung ở giai đoạn đầu cuối. Tên lửa THAAD thực chất là dùng một đầu đạn bắn hạ một đầu đạn khác bằng động năng và các nhân viên triển khai THAAD trên đảo Guam hiểu rõ hệ thống này là để đối phó Triều Tiên.
Tuyên bố của Triều Tiên đã nêu chi tiết con đường tấn công của 4 quả tên lửa đạn đạo dự đinh tấn công đảo Guam và cũng không hề có ý định xin lỗi khi 4 quả tên lửa này dự kiến sẽ bay qua Nhật Bản. Nếu theo đúng kế hoạch, tên lửa sẽ bay từ Triều Tiên, qua các tỉnh Shimane, Hiroshima, và Koichi của Nhật Bản. Sau khi bay khoảng 2.100 dặm sẽ rơi xuống khu vực cách đảo Guam 12-24 dặm.
Tuy nhiên những tên lửa này hoàn toàn có thể tấn công trực tiếp vào Guam nếu lãnh đạo Triều Tiên muốn như vậy. Mike Elleman, chuyên gia cao cấp về phòng thủ tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế trả lời Business Insider rằng: “Không ai, kể cả Triều Tiên, biết rõ về chỉ số sai số trượt mục tiêu (CEP) của tên lửa Hwasong -12".
“Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phỏng đoán độ sai số tối thiểu,” Elleman bổ sung, chỉ số này có thể lớn hơn 5 km (khoảng 3 dặm). Nhưng đó chỉ là sơ đoán. Vì không nhiều các cuộc phóng thử nghiệm nên tôi cho rằng nếu thực sự tấn công, Hwasong -12 sẽ có chỉ số sai số trượt mục tiêu lớn hơn 5 km, có thể sẽ là 10 km hoặc hơn thế".
Cho dù không phải mối đe dọa tấn công trực tiếp, nhưng nếu Triều Tiên thực sự thử nghiệm tấn công vùng nước gần đảo Guam, căng thẳng sẽ thực sự leo thang trong khu vực. Cuộc thử nghiệm đó sẽ cực kỳ nguy hiểm và hoàn toàn có khả năng xảy ra tính toán sai lầm.
Giới quan sát lo ngại rằng cuộc khủng hoảng hiện nay diễn ra dưới thời lãnh đạo của ông Trump và ông Kim Jong-un, hai nhà lãnh đạo đều rất khó lường đoán. Và chỉ cần một bên có động thái khiêu khích quá trớn là căng thẳng sẽ dễ dàng leo thang thành chiến tranh tổng lực.
Từ trước đến nay, Triều Tiên thường bước quá giới hạn và luôn buộc cộng đồng quốc tế phải chấp nhận mình nhiều hơn. Nhìn lại năm 2010, hai sự cố do Triều Tiên gây ra chỉ để chứng minh nước này sẵn sàng làm gì và xem cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng ra sao.
Sự cố nghiêm trọng nhất xảy ra vào ngày 26/3/2010, khi một tàu ngầm của Triều Tiên bị cáo buộc đánh chìm tàu chiến của Hàn Quốc là Cheonan. Con tàu này bị tấn công bởi một quả ngư lôi và bị gãy làm đôi, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Hàn Quốc đã không đáp trả lại hành vi gây hấn này.
Vào tháng 11/2010, pháo binh Triều Tiên lại bắn phá các lực lượng Hàn Quốc trên đảo Yeonpyeong, khiến bốn người chết và 19 người bị thương. Để đáp trả, Hàn Quốc chỉ phản công hỏa lực nhẹ vào căn cứ pháo binh của Triều Tiên mà không gây thiệt hại lớn.
Đùa với lửa
Theo giới phân tích, tấn công tên lửa chỉ để xem phản ứng của cộng đồng quốc tế là trò đùa với lửa, và tấn công Guam sẽ là hành động dại dột nhất của Triều Tiên.
Nếu tấn công Guam, chắc chắn Triều Tiên sẽ phải chịu hậu quả, như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đe dọa. Với việc phóng tên lửa bay qua Nhật Bản, sự kiện này sẽ khiêu khích cả Nhật lẫn Mỹ, và chắc chắn Nhật- nước từng hứng chịu hai quả bom nguyên tử- sẽ không chịu ngồi yên nếu tiếp tục để tên lửa bay qua nước mình như thể không có chuyện gì.
Hậu quả sẽ chẳng thể tốt đẹp. Nếu Mỹ cùng Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ lên án cuộc tấn công, Triều Tiên sẽ coi đó là thắng lợi và ngày càng củng cố hành vi của mình hơn nữa.
Còn nếu Mỹ cố đánh chặn, thảm họa sẽ xảy ra. Nếu Mỹ có thể đánh chặn cả 4 quả tên lửa, điều này có thể kích động Triều Tiên nỗ lực hơn để tiêu diệt các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mà Mỹ đã dành nhiều thời gian và tiền bạc để phát triển.
Nếu Mỹ không kịp đánh chặn, điều này sẽ lại mở ra một cuộc tranh luận gay gắt ở Mỹ về việc tốn thời gian và tiền bạc để xây dựng những hệ thống tốn kém mà lại không thể đánh chặn được 4 quả tên lửa.
Theo giới phân tích, nỗi lo sợ về thay đổi chế độ và mất quyền lực đã thúc đẩy Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Một cuộc chiến tranh toàn diện bùng nổ bán đảo Triều Tiên sẽ khiến hàng triệu người thiệt mạng.
Nhưng thật may, rốt cuộc Triều Tiên vẫn nhận ra giới hạn và đã hoãn hành động quá đỗi mạo hiểm này. Nhà Trắng khá hoan nghênh động thái này của ông Kim Jong-un và cho biết sẵn sàng đàm phàn với Bình Nhưỡng.