Tân Hoa xã ngày 13/8 có bài bình luận cho rằng gần đây Mỹ và Triều Tiên đã chỉ trích nặng nề lẫn nhau. Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh cáo Triều Tiên “tốt nhất không nên tiếp tục đe dọa Mỹ”, nếu không sẽ nhận được “hỏa lực và sự phẫn nộ” chưa từng có. Triều Tiên đáp lại cho rằng đang xây dựng phương án phóng tên lửa bao gồm tấn công Guam.
Đợt “khẩu chiến” mới giữa Mỹ và Triều Tiên đẩy những lời nói gay gắt lên mức cực hạn, khiến cho tình hình căng thẳng bán đảo Triều Tiên leo thang, cộng đồng quốc tế lo ngại Mỹ và Triều Tiên xảy ra xung đột.
Mỹ phát đi thông điệp mâu thuẫn cho Triều Tiên
Hiện nay, nội bộ Mỹ rất quan tâm đến vấn đề Triều Tiên. Báo chí Mỹ tuần qua đều tập trung đưa tin về vấn đề phát triển năng lực hạt nhân của Triều Tiên, phân tích khả năng Triều Tiên tấn công Mỹ và khả năng Mỹ đối phó Triều Tiên từ nhiều góc độ.
Sau khi Triều Tiên đe dọa tấn công Guam, báo chí Mỹ lại tập trung chú ý đến các đảo nhỏ ở Tây Thái Bình Dương, bàn về khả năng Triều Tiên phát động tấn công.
Điểm khác với tuyên bố gay gắt với Triều Tiên ngày 8/8 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 9/8 cho biết mặc dù Mỹ và Triều Tiên có khẩu chiến gay gắt, nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là Mỹ muốn phát động tấn công đối với Triều Tiên, người dân Mỹ có thể “ngủ ngon”.
Ngày 10/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết Mỹ đang tìm cách giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên chủ yếu bằng biện pháp ngoại giao và đang đạt được thành quả ngoại giao. Ông còn nhấn mạnh, để chiến tranh xảy ra ở bán đảo Triều Tiên sẽ gây ra hậu quả “thảm họa”.
Chuyên gia cho rằng từ các động thái công khai gần đây cũng có thể thấy được, mặc dù ông Donald Trump luôn đưa ra các tuyên bố gay gắt, nhưng quan chức cấp cao trong đội ngũ của ông lại tìm cách “dập lửa”.
Trong khi đó, ông William Perry cũng kêu gọi Mỹ và Triều Tiên cần sớm tổ chức đối thoại quan chức cấp cao, giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng biện pháp ngoại giao hòa bình.
Triều Tiên dọa "quét sạch mọi hang ổ kẻ thù"
Ngày 8/8, người phát ngôn Bộ Tổng tham mưu quân đội Triều Tiên tuyên bố, đối với âm mưu gây chiến tranh của Mỹ, Triều Tiên “sẽ đáp trả bằng cuộc chiến tranh chính nghĩa và toàn diện, quét sạch mọi hang ổ của kẻ thù bao gồm lãnh thổ Mỹ”.
Một khi xuất hiện dấu hiệu chiến tranh, quân đội Triều Tiên sẽ lập tức biến lãnh thổ Mỹ thành “chiến trường hạt nhân của Triều Tiên”, đồng thời biến các khu vực như Seoul thành “biển lửa”.
Quân đội Triều Tiên ngày 10/8 cho biết sẽ hoàn thành phương án bao vây, tấn công Guam vào trung tuần tháng 8/2017 và báo cáo lên Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang hạt nhân Triều Tiên Kim Jong-un. Nội dung phương án bao gồm đồng thời phóng 4 quả tên lửa đạn đạo tầm xa để tấn công vùng biển 30 – 40 km xung quanh Guam.
Phát ngôn gay gắt lần này của Triều Tiên không chỉ là phản ứng với sự uy hiếp của ông Donald Trump, mà còn liên quan đến nghị quyết trừng phạt Triều Tiên do Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua gần đây.
Tuy nhiên, mặc dù Triều Tiên đưa ra tuyên bố cứng rắn, nhưng hoàn toàn không áp dụng hành động nguy hiểm ở các khu vực như tuyến phân giới quân sự, một số khu vực nhạy cảm cũng không xuất hiện dấu hiệu lạ về quân sự.
Chuyên gia cho rằng Triều Tiên trước hết không có nhiều khả năng tiến hành tấn công đánh đòn phủ đầu bằng tên lửa đối với Guam hoặc các mục tiêu khác của Mỹ. Trong bối cảnh bị trừng phạt mới, tăng thái độ cứng rắn với Mỹ cũng nằm trong dự đoán, một trong những mục đích là bày tỏ phản đối với nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an, đồng thời qua đó tăng cường khả năng đoàn kết trong nước.
Cảnh giác khả năng “lau súng cướp cò”
Từ sau khi Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, Hàn Quốc nhiều lần bày tỏ thái độ về tình hình bán đảo Triều Tiên. Ngày 10/8, Ủy ban thường trực Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc tổ chức hội nghị, đã đi sâu thảo luận về tình hình an ninh của bán đảo Triều Tiên.
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Park Soo-hyun cho biết Ủy ban thường trực Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc cho rằng tình hình an ninh bán đảo Triều Tiên trở nên nghiêm trọng là do Triều Tiên không ngừng “khiêu khích”, hối thúc Triều Tiên lập tức chấm dứt mọi hoạt động tiếp tục làm trầm trọng hơn tình hình căng thẳng.
Ông Park Soo-hyun còn cho biết Ủy ban thường trực Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc quyết định thông qua biện pháp ngoại giao tích cực để làm dịu tình hình căng thẳng bán đảo Triều Tiên, duy trì mở cánh cửa đối thoại với Triều Tiên.
Giáo sư Lee Tai Hwan, Viện nghiên cứu Sejong, Hàn Quốc cho rằng rủi ro lớn nhất của bán đảo Triều Tiên hiện nay ở chỗ một khi Mỹ và Triều Tiên xuất hiện phán đoán nhầm hoặc hành vi “lau súng cướp cò” thì sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Theo giáo sư Lee Tai Hwan, đối thoại do Hàn Quốc đưa ra với Triều Tiên hiện nay chủ yếu là trên cơ sở không vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, thảo luận các vấn đề như chấm dứt các hoạt động thù địch làm xấu đi bầu không khí, khôi phục đường dây nóng quân sự và đoàn tụ các gia đình ly tán, chứ không phải là lập tức liên quan đến các vấn đề như chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Loại đối thoại này có ý nghĩa quan trọng đối với việc làm dịu tình hình căng thẳng của bán đảo Triều Tiên hiện nay.
Nhà nghiên cứu Yevgeni Onegin, Trung tâm nghiên cứu vấn đề Triều Tiên, Viện nghiên cứu Viễn Đông, Viện khoa học Nga cho rằng cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên trong giai đoạn hiện nay sẽ không dẫn tới các hành động quân sự tồi tệ.
Mỹ và Triều Tiên khẩu chiến gay gắt với nhau hoàn toàn không phải là lần đầu tiên, mà luôn tiếp diễn. Tháng 4/2017, hai bên cũng đã xảy ra tình huống nguy hiểm tương tự, sau đó đã dịu đi. Trên thực tế, các bên có khả năng đều không muốn nổ ra chiến tranh.
Phó giáo sư Atsuto Isozaki, Đại học Keio Nhật Bản cho rằng mặc dù hiện nay Mỹ và Triều Tiên vẫn nằm trong giai đoạn tiến hành “khẩu chiến”, nhưng tình hình phức tạp hơn trước đây, cần hết sức cảnh giác.
Sau khi bị trừng phạt nặng nề hơn, Triều Tiên đã bắt đầu một canh bạc nguy hiểm. Theo đó, tình hình bán đảo Triều Tiên trong ngắn hạn có thể tiếp tục xấu đi. Để tránh cho tình hình tiếp tục leo thang, Mỹ và Triều Tiên cần trực tiếp đối thoại, tìm kiếm con đường để Triều Tiên chấm dứt nghiên cứu phát triển hạt nhân và tên lửa.